Giải pháp này được Bộ Tài chính và Hải quan đưa ra nhằm chống hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong các quy định tạm nhập tái xuất, đặc biệt là với mặt hàng xăng dầu để trục lợi.
Trao đổi với báo chí cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính – Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận cơ chế tạm nhập tái xuất, đặc biệt với mặt hàng xăng dầu hiện đang tồn tại nhiều kẽ hở, có thể khiến doanh nghiệp lợi dụng,trục lợi trái pháp luật. Trước đó, Hải quan TP HCM đã ghi nhận nhiều trường hợp chuyển một phần xăng dầu tạm nhập thành kinh doanh nội địa, có khi 60% lô hàng, lúc tăng lên 80% và thậm chí có lúc đem bán trong nước nguyên cả lô hàng. Hàng nghìn tấn hàng tạm nhập đã được đưa ra thị trường nội địa theo cách như vậy.
Nhiều trường hợp xăng dầu tạm nhập được chuyển tiêu thụ trong nước.
Ảnh minh họa: PLVN
"Doanh nghiệp lợi dụng quy định không cấm xăng dầu tạm nhập được chuyển kinh doanh nội địa. Đặc biệt khi chính sách nhập khẩu thay đổi, số đơn vị tính toán xin chuyển rất nhiều", ông Phạm Văn Hồng, Phó Chi cục trưởng Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực 3 cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, do chênh lệch thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu trong 8 tháng đầu năm rất lớn (tăng từ 0% lên 12% hiện nay) nên nếu doanh nghiệp chuyển trái phép mặt hàng này từ tái xuất sang tiêu thụ nội địa thì lợi nhuận thu được sẽ rất lớn.
Để khắc phục tình trạng nay, Tổng cục Hải quan đã tiến hành tổng kiểm tra đối với các doanh nghiệp đầu mối, nhằm làm rõ lượng hàng nhập, xuất khẩu ở từng đơn vị cụ thể cũng như sai phạm cần xử lý. Kết quả dự kiến sẽ được công bố trong những ngày đầu tháng 9 này. Tuy nhiên, ngành tài chính cũng khẳng định cần sớm sửa đổi các quy định hiện hành về tạm nhập – tái xuất (theo Nghị định 12 năm 2006 của Chính phủ ) để ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lách luật. Trong đó, Bộ Tài chính kiến nghị cấm tạm nhập – tái xuất xăng dầu qua đường biển.
“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi nhận thấy việc tạm nhập – tái xuất xăng dầu cho Lào hoặc một số vùng của Campuchia còn hợp lý, vì những nơi đó xa cảng. Chứ thực hiện nghiệp vụ này với Trung Quốc thì rất vô lý. Chẳng lẽ đường đi ngắn hơn hay điều kiện cảng của Việt Nam tốt hơn?”, Thứ trưởng Tuấn đặt câu hỏi.
Bên cạnh xăng dầu, Bộ Tài chính cũng cho rằng tình trạng tạm nhập tái xuất ở hầu hết các mặt hàng đang nhức nhối, dễ xảy ra sai phạm. Gần đây, giá trị hàng thông quan vào Việt Nam theo hình thức này đã tăng bất thường. Năm 2006, con số chỉ là 1,3 tỷ USD thì năm 2011 đã tăng lên 6,3 tỷ USD, và 6 tháng 2012 tăng lên 3,85 tỷ USD (tăng gần 5 lần trong 5 năm).
Tại các địa bàn trọng điểm, hải quan cũng đã phát hiện có đến 1.010 lô hàng đã quá thời hạn lưu trú 180 ngày mà chưa tái xuất. Cơ quan này cũng vừa xử lý 167 container hàng cấm (phế liệu, ác quy chì, vi mạch, rác thải công nghiệp…) được đưa vào Việt Nam qua đường này. Ngoài ra còn có 33 container hàng đông lạnh nhưng không đạt tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đề nghị cần sớm sửa đổi các quy định về tạm nhập – tái xuất theo hướng chặt chẽ hơn. Cụ thể những mặt hàng cấm nhập theo thông lệ quốc tế thì cũng cần cấm “tạm nhập” vào Việt Nam. “Không có chuyện để nguyên trong container rồi xuất đi thì không ảnh hưởng gì”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phân tích.