(Baonghean) - Sau gần 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bí thư kiêm xóm trưởng, đến nay Đô Lương đã có 270/369 xóm thực hiện, trong đó có 13 đơn vị 100% khối xóm có bí thư kiêm xóm trưởng, đem lại hiệu quả cao trong chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế chứng minh, những địa phương có 100% bí thư kiêm xóm trưởng, mọi phong trào đều rất mạnh.
Chúng tôi đến Thị trấn Đô Lương - đơn vị đầu tiên trong huyện áp dụng mô hình bí thư kiêm xóm trưởng. Ông Nguyễn Văn Quang - Khối trưởng khối 8 cho biết: Năm 1995 lúc đó đang làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, do yêu cầu của tổ chức, ông được điều về xóm 8 để thực hiện mô hình bí thư kiêm xóm trưởng. Bước đầu cũng gặp khó khăn, nay thì đã nhuần nhuyễn. Theo ông, việc khó nhất trong công tác lãnh đạo ở cơ sở là phải biết “phân vai” trong một người. Lúc phổ biến nghị quyết phải là vai bí thư. Lúc thực hiện nghị quyết lại là vai xóm trưởng. Từ việc tiếp thu phổ biến nghị quyết cấp trên đến xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức thực hiện, vai trò của bí thư – xóm trưởng ở mỗi “công đoạn” phải khác nhau, nhưng biết kết hợp nhuần nhuyễn sẽ đem lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Quang đưa ra một đúc kết: Bí thư kiêm xóm trưởng phải là người “nói hay – cày giỏi”. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe quá trình giải quyết một vụ việc mà trong một lúc ông thể hiện có hiệu quả các “vai” của mình. Sự việc xảy ra là một vụ tranh chấp đất đai của bà T với người hàng xóm. Khi được tin của an ninh báo về, ông cùng tổ công tác Mặt trận khối đến giải quyết. Trong vai trò của bí thư, ông làm công tác tư tưởng để hòa giải sự căng thẳng của đôi bên. Sau đó, ông cùng với bộ phận chuyên môn căn cứ vào chứng cứ cụ thể, vào luật pháp để giải quyết vụ việc, lúc này vai trò của người khối trưởng được phát huy tối đa. Qua việc phân tích có tình có lý, kết hợp với các căn cứ của pháp luật, vụ việc được giải quyết một cách nhanh gọn ổn thỏa, hai gia đình lại vui vẻ với nhau.
Đến xóm 4, xã Văn Sơn, chúng tôi tiếp xúc với ông Nguyễn Xuân Thị - người có thâm niên làm bí thư kiêm xóm trưởng 16 năm nay. Theo ông thì lúc đầu đưa mô hình này vào áp dụng, người dân chưa tin. Họ sợ tập trung quyền lực vào tay một người sẽ dẫn đến sự độc đoán chuyên quyền. Vì thế, trong tổ chức bộ máy, cơ cấu phó bí thư phụ trách công tác Mặt trận để giám sát, hạn chế sự chuyên quyền đó. Từ năm 1998 đến nay, với sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, giám sát, góp ý kịp thời mọi hoạt động cho ông “2 vai” nên mọi việc đều giải quyết một cách trôi chảy, tạo ra sự đồng thuận cao trong cộng đồng; xây dựng được khối đoàn kết nhất trí cao.
Chẳng hạn, thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông đi tiếp thu tinh thần của chỉ thị, cách thức tiến hành từ xã về triển khai. Nhưng quá trình triển khai gặp phải sự phản ứng của một số hộ dân, vì họ không muốn ruộng đất bị xáo trộn. Trên cương vị bí thư, ông phải tuyên truyền, vận động làm công tác tư tưởng để dân thông. Lúc xây dựng phương án, vai trò của xóm trưởng được phát huy. Các phương án được xây dựng để đưa ra dân bàn bạc, thảo luận nên đã chọn cách làm tối ưu nhất. Sau khi phương án được xây dựng, quay trở lại bí thư là người chỉ đạo thực hiện phương án đó. Trong một con người tại các thời điểm khác nhau, vai trò thể hiện khác nhau, tuy có vất vả nhưng được việc. Trong ngần ấy năm làm việc, với cách làm này, ông đã xây dựng xóm trở thành xóm kiểu mẫu của xã. Tạo được sự thống nhất cao, giảm bớt họp, giải quyết công việc nhanh gọn, hiệu quả cao - đó là những ưu điểm của mô hình này.
Theo ông Nguyễn Hữu Vân, Bí thư Đảng ủy Thị trấn Đô Lương, nơi áp dụng thí điểm mô hình đầu tiên của huyện, thì việc khó nhất trong việc thực hiện mô hình này là con người; phải chọn được con người vừa nói được vừa làm được lại có đủ uy tín với dân. Sở dĩ mô hình thành công ở thị trấn vì địa bàn của ông có nhiều cán bộ về hưu, năng lực, trình độ tốt để lựa chọn. 10/10 bí thư kiêm xóm trưởng của thị trấn là cán bộ, bộ đội nghỉ hưu. Để bộ máy khối xóm vận hành ổn định, mô hình tổ chức của thị trấn được xây dựng theo hướng bí thư kiêm xóm trưởng, phó bí thư phụ trách công tác Mặt trận, chi ủy kiêm các đoàn thể. Đây là mô hình hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất. Để kiện toàn lại bộ máy chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, vừa qua thị trấn đã tổ chức bầu khối trưởng nhiệm kỳ 2015 - 2017 và những người này được bầu làm bí thư khối. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc “Dân bầu bí thư”. Quy trình “ngược” này đã thể hiện sự chỉ đạo chặt chẽ từ cơ sở trong công tác lựa chọn nhân sự; thể hiện sự thống nhất cao trong quần chúng nhân dân đối với công tác nhân sự.
Qua gần 20 năm thực hiện mô hình bí thư kiêm xóm trưởng, góp phần tạo ra một cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, giảm được số lượng lớn cán bộ trong toàn huyện. Chế độ đãi ngộ được nâng lên (theo quy định mới, thu nhập của bí thư kiêm xóm trưởng 2 triệu đồng) nên cán bộ yên tâm làm việc, cống hiến. Việc tiếp thu và triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước kịp thời, thuận lợi và hiệu quả; phát huy được vai trò lãnh đạo toàn diện của chi bộ trong quản lý điều hành khối xóm trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra, năng lực, tính năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm của cán bộ được phát huy, hạn chế sự trông chờ ỷ lại né tránh trong công việc; tránh được sự chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng, điều hành của chính quyền.
Để mô hình thành công và phát huy hiệu quả, yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là con người. Phải chọn được con người có uy tín, hiểu biết về công tác Đảng, nắm vững luật pháp, có năng lực quản lý. Theo ông Nguyễn Hồng An, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đô Lương, để có được đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao, huyện đang có chủ trương “trẻ hóa” bằng cách lựa chọn cán bộ thông qua các kênh, chương trình tập huấn, đào tạo. Mặt khác, xây dựng cơ chế, chính sách để cán bộ yên tâm gắn bó với cơ sở…
Anh Tuấn