(Baonghean) - Năm 2014 khép lại với nhiều kết quả đáng trân trọng. Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020, năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và là năm hướng tới nhiều ngày lễ lớn của dân tộc. Được sự giúp đỡ của Trung ương và sự nỗ lực, phấn đấu hết mình của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, chúng ta đã ghi được những dấu ấn khẳng định vị thế mới của đất và người Nghệ An.
Diện mạo mới, sức vươn mới
Giai đoạn 2010 - 2015, mục tiêu Nghệ An đặt ra là huy động được 180.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được hơn 146.000 tỷ đồng từ các nguồn lực đầu tư phát triển. Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng, tạo diện mạo mới cho tỉnh Nghệ An và cũng là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nổi bật nhất là hệ thống hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư, trong giai đoạn này đã hoàn thành được 10 công trình, với tổng mức đầu tư hơn 6.160 tỷ đồng. Cụ thể, hoàn thành được 230 km đường giao thông trên các tuyến QL7, QL46, QL48, QL48C, xây dựng hoàn thành cầu Bến Thủy II, đường Châu Thôn - Tân Xuân giai đoạn 1, đường Tây Nghệ An...
Cũng trên lĩnh vực hạ tầng giao thông, năm 2014 có nhiều dấu ấn nổi bật như việc triển khai và hoàn thành nhiều dự án lớn, nhất là đã hoàn thành 4 cầu vượt giá trị gần 3.000 tỷ đồng, phấn đấu quý I năm 2015 sẽ hoàn thành thêm 2 cầu vượt lớn: Cầu vượt ngã ba Yên Lý và cầu vượt Quốc lộ 46. Sân bay, bến cảng không ngừng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Cảng Cửa Lò được nạo vét để tàu 2 vạn tấn vào ra được và với sự vào cuộc của nhà đầu tư, chúng ta sẽ vươn ra biển làm tiếp bến số 5, số 6, để trong tương lai Cảng Cửa Lò đạt công suất 20 triệu tấn/năm. Sân bay Vinh là sân bay có tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, hiện đạt 1,2 triệu lượt khách/năm, đã có 6 đường bay, trong đó có 5 đường bay nội địa, 1 đường bay quốc tế nối TP. Vinh với Thủ đô Viêng Chăn (Lào).
Hiện nay, Sân bay Vinh đang được tiến hành đầu tư xây dựng nhà ga hàng không có khả năng đón khoảng 3 triệu lượt khách/năm, đồng thời, đang hoàn tất thủ tục đề xuất Bộ GTVT, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam để Sân bay Vinh trở thành sân bay quốc tế. Ngoài ra, các công trình có ý nghĩa an sinh xã hội như Bệnh viện 700 giường hiện đại và các bệnh viện chuyên sâu cấp tỉnh; bệnh viện khu vực đã đi vào hoạt động hiệu quả và đang được đầu tư đưa vào sử dụng đã tạo những điều kiện thuận lợi phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân...
Cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư nâng cấp hoàn thiện đang tạo ra những thuận lợi mới, lợi thế so sánh để Nghệ An trở thành điểm đến thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức liên tục trong và ngoài tỉnh, ngoài nước với nhiều giải pháp, nhiều kênh kêu gọi đầu tư như: Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu Xuân thường niên ngày càng tăng về quy mô, tổ chức các đoàn công tác của tỉnh thăm và làm việc tại các thành phố lớn trong nước và nước ngoài để tăng cường mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ và xúc tiến các dự án ODA, FDI;… Vì vậy, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước quan tâm, khảo sát, tìm hiểu cơ hội và thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung để đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Do đó, số lượng và quy mô các dự án tăng dần. Trong đó có những dự án lớn, giải quyết nhiều việc làm cho lao động, góp phần tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế, xã hội chung của toàn tỉnh; mở ra khả năng mới cho hoạt động thu hút đầu tư và phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh. Tính đến ngày 15/11/2014, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 127 dự án, với tổng số vốn đầu tư hơn 27 ngàn tỷ đồng. Trong đó, cấp mới 105 dự án với số vốn hơn 18.500 tỷ đồng. Nổi bật trong công tác thu hút đầu tư là đã có một số dự án có quy mô của các tập đoàn kinh tế lớn đã được triển khai thực hiện với tiến độ nhanh như: Nhà máy tôn Hoa Sen: 2.300 tỷ, Nhà máy sản xuất ván sợi MDF: 1.900 tỷ, Trung tâm công nghiệp thực phẩm của Tập đoàn Masan: 1.200 tỷ…
Các dự án đi vào hoạt động trong năm 2014 đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động trong tỉnh. Năm 2014, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh nộp ngân sách đạt hơn 2.500 tỷ đồng. Đặc biệt, một số dự án lớn đang vận động, xúc tiến đầu tư như: Tổ hợp VSIP 6 của Becamex Bình Dương và Tập đoàn Sembcorp (Singapore), nếu được thực hiện thành công sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong guồng quay chung của hoạt động xúc tiến đầu tư, tính từ năm 2011 đến ngày 30/9/2014, toàn tỉnh đã có 305 dự án, với tổng số vốn hơn 53.600 tỷ đồng được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trong đó có 291 dự án đầu tư trong nước, với số vốn hơn 51.600 tỷ đồng và 14 dự án FDI, với tổng số vốn hơn 97,6 triệu USD. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 31 dự án ODA (có 28 dự án đang được triển khai và 3 dự án mới phê duyệt trong năm 2014) với tổng mức đầu tư hơn 15 ngàn tỷ đồng, trong đó, vốn ODA là hơn 12.100 tỷ đồng, vốn đối ứng gần 3.000 tỷ đồng. Một số dự án ODA trọng điểm của tỉnh như: Dự án phát triển đô thị Vinh, vay vốn Ngân hàng thế giới (WB); Dự án Khôi phục, nâng cấp thủy lợi hệ thống Thủy lợi Bắc, vay vốn JICA (Nhật Bản)… đang được triển khai.
Phát huy nội lực phát triển bền vững
Để thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó, công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là giảm nghèo cho các huyện miền Tây. Vì vậy, trong những năm qua, công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm nghèo tại 4 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong và Quỳ Châu. Trong quá trình thực hiện đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo như: các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh được phân công giúp đỡ 110 xã nghèo vùng miền núi phía Tây Nghệ An.
Năm 2013, các xã nghèo miền Tây được hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng từ các đơn vị được nhận phân công giúp đỡ theo Quyết định số 1310/QĐ-UBND. Nhiều cơ quan, đơn vị đã làm rất tốt việc giúp đỡ xã nghèo mà mình được phân công như: Công an tỉnh giúp đỡ xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu; Sở GTVT giúp đỡ xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn; Báo Nghệ An giúp đỡ xã Xiêng My, huyện Tương Dương,...; thực hiện hỗ trợ giúp đỡ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, hỗ trợ tiền mặt, hiện vật, tặng sổ tiết kiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe… với tổng giá trị trên 4 tỷ đồng. Chính quyền cấp cơ sở cũng có nhiều chương trình hỗ trợ hiệu quả như: UBND huyện Tương Dương đã xây dựng và thực hiện đề án phân công các cơ quan, phòng, ban cấp huyện giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo giai đoạn 2013 - 2020…
Với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong thời gian qua, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 – 2014, giảm bình quân hàng năm trên 3%/năm, tương đương giảm 20.000 hộ nghèo/năm. Riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong) giảm từ 6 - 7%/năm. Nếu cuối năm 2010, đầu năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo, toàn tỉnh là 22,89%, tương đương 164.290 hộ nghèo thì ước tính đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 10%.
Một trong những dấu ấn mà chúng ta đạt được trên lĩnh vực văn hóa – xã hội đó là ngành Giáo dục – Đào tạo tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Chất lượng giáo dục có chuyển biến rõ rệt; việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh tiếp tục được quan tâm. Đặc biệt, ngành Giáo dục tỉnh nhà tiếp tục khẳng định được truyền thống của đất học Nghệ An, khi kết quả thi học sinh giỏi quốc gia năm 2014, tỉnh ta có 107 học sinh đạt giải, đứng thứ 2 cả nước, tăng 7 em so với năm 2013; 4 lượt học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc tế và khu vực. Kỳ thi đại học năm 2014, Nghệ An có 125 em đỗ điểm cao được UBND tỉnh trao thưởng, có 13 em là thủ khoa các trường đại học trong nước.
Lĩnh vực văn hóa, một niềm tự hào lớn của mỗi người dân xứ Nghệ, đó là vào lúc 23 giờ 10 phút (giờ Việt Nam) ngày 27/11/2014, tại Paris, Cộng hoà Pháp, Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO chính thức vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, rõ ràng trong sự phát triển chung của tỉnh, văn hóa, giáo dục đang trở thành động lực, nền tảng vững chắc để Nghệ An hội nhập kinh tế, giao thoa với các nền văn hóa khác, góp phần tích cực lưu giữ trường tồn bản sắc văn hóa, cốt cách con người xứ Nghệ.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng
Phải khẳng định rằng, có được kết quả nổi bật, dấu ấn từ đầu nhiệm kỳ tới nay trên tất cả các mặt, đặc biệt trong năm 2014 là do các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, với nhiệm vụ trọng tâm là đã thực hiện tốt công tác ban hành nghị quyết, triển khai thực hiện nghị quyết, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, nhất là các vấn đề nhạy cảm như quan điểm, chủ trương giải quyết tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển đảo; ban hành và triển khai thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU về nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên; ban hành Chỉ thị số 17- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh...
Nhờ đó, đã nâng cao được sự đồng thuận, đoàn kết trong các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và niềm tin của nhân dân. Trong công tác cán bộ, đã chỉ đạo rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, kiện toàn bổ sung kịp thời cán bộ lãnh đạo của tỉnh, các ban, sở, ngành cấp tỉnh và nhiều huyện, thành, thị. Thực hiện việc luân chuyển cán bộ từ tỉnh xuống huyện, huyện lên tỉnh và sở này sang sở kia. Chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội giám sát, phản biện và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chỉ đạo công tác sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chi bộ theo chuyền đề, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng.
Năm 2015, năm cuối cùng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra, do vậy, phải rà soát, tập trung chỉ đạo quyết liệt những chỉ tiêu chưa đạt hoặc kết quả đạt còn thấp; chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng, phải xem đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng, trong toàn dân, tạo được khí thế mới, tâm thế mới trong nhiệm kỳ 2015-2020; tiếp tục thực hiện tốt các nội dung trong chương trình hành động số 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020; tạo sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất cao trong Đảng, trong nhân dân vì mục tiêu chung cho một Nghệ An phát triển nhanh và bền vững.
Chúng ta có quyền vui mừng và tự hào vì những kết quả đã đạt được. Đó thực sự là những dấu ấn quan trọng, khẳng định vị thế mới, đồng thời thể hiện được tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương Nghệ An của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Tuy nhiên, chặng đường dài phía trước mở ra cả những cơ hội lẫn thách thức. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vươn lên hơn nữa, tạo được những đột phá trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Nghệ An thành một tỉnh khá, là trung tâm, đầu tàu của khu vực Bắc Trung bộ, thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020./.
HĐP