Nồng độ cholesterol trong máu cao (còn gọi là mỡ máu cao) là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng xơ vữa động mạch.
Từ các mảng xơ vữa sẽ làm hẹp các động mạch cung cấp máu để nuôi các cơ quan khác trong cơ thể, trong đó có động mạch vành ở tim. Khi động mạch vành bị hẹp thì lượng máu đến nuôi cơ tim bị thiếu, cho nên sẽ gây ra cơn đau thắt ngực, nếu thiếu máu nặng sẽ gây nên cơn nhồi máu cơ tim.
Các loại cholesterol trong máu
Cholesterol trong cơ thể bao gồm: LDL là loại cholesterol có hại, chúng tham gia vào quá trình xơ vữa mạch máu và cholesterol HDL là loại có ích, chúng có tác dụng bảo vệ thành mạch và chống lại bệnh xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, bệnh lý về động mạch vành và các bệnh lý tim mạch khác càng tăng cao, nếu người bệnh có các yếu tố nguy cơ khác đi kèm như: hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, ít vận động và thừa cân, béo phì.
Mỡ trong máu tồn tại dưới hai dạng chính là cholesterol và triglycerid, vì vậy khi kiểm soát mỡ máu cần phải đánh giá đầy đủ những yếu tố như: cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C, triglycerid. Nếu chúng ta kiểm soát được chúng theo những chỉ tiêu như: cholesteol toàn phần dưới 5,2mmol/L, LDL-C dưới 3,4mmol/L, HDL-C trên 0,9mmol/L, triglycerid trong khoảng 0,46 -1,88mmol/L, thì sẽ phòng ngừa rất hữu hiệu bệnh xơ vữa động mạch. Giảm cholesterol trong máu còn được gọi là giảm mỡ trong máu, vì khi đó không chỉ có cholesterol trong máu giảm mà cả triglycerid cũng phải giảm.
Nếu kết quả xét nghiệm cholesterol toàn phần dưới 5,2mmol/ thì người đó hoàn toàn bình thường và nguy cơ mắc bệnh tim mạch ít hơn, khi đó có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. Việc tiến hành kiểm tra cholesterol trong máu nên thực hiện ít nhất mỗi 6 tháng một lần, nhất là đối với những người cao tuổi, thừa cân, tăng huyết áp hay bệnh mạn tính nào khác thì có thể kiểm tra nhiều lần hơn.
Nếu cholesterol toàn phần ở mức lớn hơn 5,2mmol/L, tức là bắt đầu có dấu hiệu cao nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, chúng ta nên làm thêm xét nghiệm LDL-C và HDLC, đường máu và kiểm tra huyết áp để đánh giá bệnh, từ đó sẽ có những biện pháp xử trí kịp thời.
Biện pháp phòng ngừa tăng cholesterol
Để phòng ngừa, chúng ta không nên ăn những thức ăn chứa nhiều cholesterol mà nên ăn những thức ăn có chứa acid béo không bão hòa rất cần thiết cho cơ thể như: dầu mè, dầu đậu phộng, dầu ô-liu, mỡ cá hồi, dầu đậu nành và ăn nhiều rau xanh, hoa quả. Việc điều trị tăng cholesterol trong máu có rất nhiều loại thuốc, tuy nhiên việc quyết định chế độ điều trị hoàn toàn phải do bác sĩ quyết định, chứ người bệnh không thể tự tiện điều trị.
Bên cạnh việc dùng thuốc thì việc thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn cũng là biện pháp rất quan trọng góp phần làm giảm cholesterol có hại và phòng ngừa bệnh tim mạch, đó là hạn chế ăn những thức ăn làm tăng cholesterol, nhất là khả năng làm gia tăng cholesterol có hại cho cơ thể như: dầu cọ, dầu dừa, mỡ bò, pho-mát, bơ… nhất là những người có nguy cơ cao như: thừa cân, béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp.
Ngoài ra, cần phải thường xuyên tập luyện thể dục thể thao như: đi bộ, chạy chậm, đi xe đạp… ở mức độ vừa phải, không nên gắng sức. Thời gian tập mỗi lần phải ít nhất 30 phút và tối đa không nên quá 45 phút, ít nhất tập 3 lần trong 1 tuần, đó cũng là một biện pháp quan trọng làm tiêu hao năng lượng dư thừa trong cơ thể, nhất là những người thường xuyên ngồi làm việc tại chỗ. Cần hạn chế sử dụng rượu, bia, cà phê, không hút thuốc lá vì những chất này cũng góp phần làm gia tăng cholesterol có hại, tức là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp…
Hiểu biết để phòng ngừa bệnh tim mạch
Theo Sức khỏe đời sống - NT