Lộ trình đi tới ký kết chính thức
Ngày 1/12/2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1/2/2016 văn bản hiệp định đã được công bố. Ngày 26/6/2018, EVFTA được tách làm 2 Hiệp định, một về thương mại và một về đầu tư. Tháng 8/2018, hai bên công bố chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với Hiệp định Thương mại (FTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (nay có tên là IPA).
Trưa ngày 17/10/2018, giờ địa phương, Ủy ban châu Âu đã đệ trình Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu và Hiệp định Bảo hộ đầu tư lên Hội đồng châu Âu xem xét và xin ủy nhiệm ký, để dự kiến vào cuối năm 2018 sẽ ký chính thức Hiệp định này và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019. Chiều 17/10/2018,
Ủy ban châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định này đi vào thực thi trong thời gian sớm nhất.
Ngày 19/10/2019, bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEM diễn ra tại Brussels, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Cao ủy Thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom đã ra tuyên bố chung cấp bộ trưởng về EVFTA. Tuyên bố chung hoan nghênh việc Ủy ban châu Âu đệ trình các hiệp định lên cấp cao hơn là Hội đồng châu Âu đề nghị xem xét phê duyệt. Tuyên bố chung nhấn mạnh, các hiệp định này sẽ mở ra cơ hội mới về xuất khẩu và đầu tư cho các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, đồng thời cũng đặc biệt quan tâm tới quyền của người lao động và bảo vệ môi trường.
Phía châu Âu đang gấp rút dịch nội dung 2 hiệp định ra 24 ngôn ngữ châu Âu, đồng thời đẩy nhanh các quy trình trước khi ký chính thức EVFTA.
EVFTA - Những kỳ vọng mới và thách thức cho Việt Nam
Hiệp định được kỳ vọng mang lại những lợi ích chưa từng có đối với doanh nghiệp và người dân châu Âu và Việt Nam. Hiệp định sẽ giúp các công ty châu Âu ưu tiên tiếp cận thị trường hơn 92 triệu người tiêu dùng, tăng đầu tư, tạo thêm việc làm, thúc đẩy thương mại với một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á; Các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng dễ tiếp cận châu Âu hơn…
EVFTA khi được thực thi, nhất là việc dỡ bỏ thuế quan, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, cải thiện quy tắc xuất xứ và chứng nhận xuất xứ; cải thiện môi trường tạo thuận lợi thương mại - hỗ trợ kỹ thuật tăng cường nhận thức và áp dụng những tiêu chuẩn của thị trường EU… Cùng đó, EU sẽ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, là lĩnh vực tiềm năng được nhiều doanh nghiệp chờ đón, trong đó, ngoài việc tập trung nguồn vốn còn đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, cửa ngõ kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực châu Á. Đầu tư mà EVFTA hướng vào Việt Nam không chỉ nhằm vào sản xuất, xuất, nhập khẩu, mà còn là dịch vụ viễn thông & công nghệ thông tin, kiến trúc & tư vấn kỹ thuật, dịch vụ môi trường. Khi phát triển các dịch vụ này đạt trình độ quốc tế, Việt Nam sẽ tăng tốc trên xa lộ hội nhập, bằng: (1) Mở ra kênh huy động vốn đầu tư quốc tế; (2) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (3) Thúc đẩy chuyển giao công nghệ; (4) Bổ sung hàng cho thị trường nội địa; (5) Mở mang xuất, nhập khẩu và hội nhập quốc tế; và (6) Tạo ra quá trình chuyển đổi từ một quốc gia với lực lượng lao động tay nghề thấp sang tay nghề cao.
Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả thực thi EVFTA cần chú ý rà soát các yêu cầu trong EVFTA cũng như thực tiễn hội nhập thời gian qua để thiết lập danh mục các vấn đề về mặt thiết chế cần được xử lý; vận hành các thiết chế cần thiết cho việc đảm bảo thực thi các nghĩa vụ và tận dụng hiệu quả các quyền theo cam kết EVFTA.