Mỗi lúc hoàng hôn buông xuống, từng đàn cò trắng xà cánh bay về vườn tìm chỗ trú ngụ sau một ngày bay đi kiếm ăn. Chỉ một lúc sau, khắp khu vườn cây nhà lão nông Vũ Văn Tươi (thôn Đỗ Mỹ, xã Bãi Sậy, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) trắng xóa. Những âm thanh phát ra từ đàn cò nghe thật vui tai. Chúng kêu liên hồi như báo hiệu, gọi nhau về tổ.
Gần 20 năm về trước, gia đình ông muốn chuyển đổi khu vườn gần nhà để phát triển thành trang trại VAC. Ông mơ ước sớm trở thành ông chủ trang trại với những ao cá, vườn cây với những loại cây ăn quả đặc sản của địa phương như nhãn, vải…
Sau một thời gian chăm bẵm, vườn cây của gia đình nhà ông sum suê quả, bắt đầu cho thu hoạch. Tưởng chừng vụ đầu sẽ thắng lợi thì bỗng vào một buổi chiều cuối năm ông thấy đàn cò trắng khoảng vài chục con ở đâu bay đến vườn nhà ông ăn trái và trú ngụ ở đó luôn.
Những ngày sau, chúng bay về mỗi lúc một đông, số lượng đàn cò cứ thế tăng dần lên, trắng xóa cả khu vườn của nhà ông. Nhận thấy điềm lành, ông Tươi đã bàn với gia đình “nhường đất” cho đàn cò, không xua đuổi đàn cò mà để cho chúng sinh sôi nảy nở tự nhiên. Từ đó, gia đình ông quyết định chuyển trang trại VAC thành vườn cò, không phát triển kinh tế nữa.
Từ đó cho đến nay, trang trại rộng 10.000m2 của gia đình ông Tươi đã trở thành vườn cò lý tưởng, có một không hai nơi thôn quê yên bình này. Nơi đây cũng đã trở thành điểm tham quan thích thú của nhiều người trong giới chơi chim cảnh.
Hy sinh tính mạng để bảo vệ đàn cò
Từ khi đàn cò trắng bay về vườn nhà ông trú ngụ, ông Tươi và mọi thành viên trong gia đình cảm thấy vui tươi và phấn khởi hơn. Cứ mỗi buổi chiều tối, ông lại cùng các cháu nội, ngoại lên sân thượng ngắm đàn cò trắng từ phía xa. Hay, mỗi buổi sáng, sau khi mở cửa, cả nhà lại được ngắm đàn cò bay nhảy khắp khu vườn.
Theo lời ông Tươi: “Những ngày đầu đàn cò mới bay về đây để trú ngụ, có rất nhiều người tò mò, ngó nghiêng, nhất là những cánh săn bắt chim, cò để đưa đi bán cho các nhà hàng. Họ tìm mọi cách như dùng âm thanh điện tử phát tiếng cò kêu hay keo dán, bẫy điện để săn bắt đàn cò trong khu vực vườn nhà tôi.
Tuy nhiên, tôi và mọi người trong gia đình mỗi lần phát hiện có người chuẩn bị gài bẫy cò, đều khuyên nhủ họ đừng phá hoại đàn chim trời. Bởi, nó là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho không chỉ riêng gia đình tôi mà cho cả người dân đang sinh sống quanh khu vực này”.
Thế nhưng, không phải ai cũng nghe những lời khuyên của ông Tươi mà bỏ qua những “con mồi ngon” trước mắt. Những tay thợ săn nhằm ngó đàn cò từ ngày này qua ngày khác, tháng này sang tháng sau. Khi thấy, gia đình ông Tươi “cửa đóng then cài” là họ sẵn sàng “phục kích” đàn cò.
Để bảo vệ đàn cò không bị chết oan uổng dưới những tay thợ săn, ông Tươi đầu tư xây dựng hàng rào kiên cố quanh khu trang trại, treo biển “cấm săn bắt cò” quanh hàng rào, cũng như lắp máy quay camera ở 4 hướng để tiện theo dõi qua màn hình nhỏ. Ông bảo, nhiều đêm, ông không dám ngủ, thức trọn đêm để bảo vệ đàn cò.
Ông Tươi quyết tâm bảo vệ đàn cò như bảo vệ chính con cháu mình trong gia đình. Đôi khi gặp những tay săn bắt máu mặt, hai bên xung đột, ông quyết đánh đổi cả tính mạng để bảo vệ đàn cò.
Cảm phục trước tấm lòng đôn hậu của ông Tươi, người dân địa phương đã cùng gia đình ông chung tay bảo vệ đàn cò. Vì thế, mà đàn chim trời như cảm nhận được sự yêu thương, bao bọc của loài người nên chúng kéo đến làm tổ, sinh sôi, nảy nở khắp khu vườn.
Là người đồng hành cùng ông Tươi suốt thời gian qua, bà Lê Thị Mỹ, vợ ông Tươi chia sẻ: “Tôi và chồng cùng các con quyết tâm bảo vệ đàn cò. Chồng tôi yêu quý đàn chim trời như yêu con cháu mình.
Vào mùa chúng sinh sản, chồng tôi ra vườn từ sáng đến tối quên cả ăn để sửa lại tổ chim cho chắc chắn, nhặt những con non bị rơi xuống đất để lại vào tổ. Nhìn chồng vui và mạnh khỏe nên mọi thành viên trong gia đình đều ủng hộ”.