(Baonghean.vn) - Những ngày qua, người dân Thanh Chương đang bàn tán xôn xao về ngôi mộ cổ của thủy tổ dòng họ Trần Văn ở xóm 10 xã Thanh Đồng – một ngôi mộ cổ có nhiều điều đặc biệt.
Trước đó, ngày 8/1, anh em con cháu nội ngoại dòng họ Trần Văn có từ đường tại vùng Rú Cựu xã Thanh Đồng cùng đông đảo người dân địa phương đã long trọng tổ chức lễ an táng mộ cụ thủy tổ tại núi Đội. Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất cụ tổ này đã 3 lần được an táng.
Theo hội đồng gia tộc họ Trần Văn, cụ thủy tổ Trần Khắc Tuấn vốn là người làng Tràng ở Hà Tĩnh, trong những năm loạn lạc giữa thế kỷ 17 đã đến định cư tại xã Thanh Đồng, làm nghề bốc thuốc. Hàng trăm năm nay, con cháu họ Trần Văn – làng Hạ (11 đời) vẫn truyền cho nhau chuyện mộ cụ tổ ở núi Mửa Mọn (nay thuộc khối 1, thị trấn Dùng) được làm “trong quan ngoài quách”.
Năm 1982, họ Trần tổ chức cải táng mộ thủy tổ để quy tập về nghĩa trang, nhưng không tìm thấy ngôi mộ cần tìm.
Bất ngờ vào lúc 8 h ngày 7/12/2016, trong lúc múc đất tại khu vực núi Mửa để thi công công trình của giáo xứ Đại Yên, anh Nguyễn Đức Toàn ở xóm 10 và nhân công đã bất ngờ phát hiện ra ngôi mộ "trong quan ngoài quách" này.
Anh Toàn cho biết, lúc đầu, cứ nghĩ đây là tảng đá nhưng sau mới biết là ngôi mộ, anh đã liên hệ với gia tộc họ Trần về việc phát hiện ra ngôi mộ. Khi con cháu họ Trần chưa nhận mộ, anh và mọi người đã đưa đi mai táng tại nghĩa trang giáo họ tại vùng Cơn Trộp ở xóm 9.
Sau khi xác nhận đúng là mộ tổ của dòng họ mình, ngày 8/1/2017, anh em dòng họ Trần Văn lại tổ chức lễ an táng cụ một lần nữa, di dời mộ cụ từ nghĩa trang giáo họ Đại Yên ở Cơn Trộp về nghĩa trang dòng họ Trần tại núi Đội, xóm 9.
Khoảng 5h sáng ngày 8/1,khi con cháu họ Trần tập trung đầy đủ tại nghĩa trang Cơn Trộp thì phát hiện ngôi mộ cụ tổ đã bị kẻ gian đào bới trong đêm 7/1. Ngôi mộ bị đào tung mộ đất, lật nghiêng cỗ quách sang một bên, làm lộ thi hài cụ thủy tổ. Con cháu họ Trần và những người có mặt hôm đó hết sức ngạc nhiên khi phát hiện thi hài sau gần 350 năm vẫn còn nguyên vẹn.
Ngôi mộ này có cấu trúc “trong quan ngoài quách”. Quách là một khối hợp chất giống bê tông bọc lấy quan tài, dài khoảng 2,2 m, rộng 0,75 m, cao 0,8m. Theo những người hiểu biết trong họ, hợp chất này màu mâu trắng, khá mịn, có thể được làm nên từ mật mía, vỏ sò xay nhỏ…
Quan tài có khả năng làm từ gỗ dâu, bên trong sơn đỏ, màu sắc vẫn còn tươi sáng. Quách và quan tài dính chặt vào nhau, do quách đã bị vỡ mặt đáy nên kẻ gian lật nghiêng quách, cạy bật ván “địa” quan tài.
Anh Trần Văn Hưng (34 tuổi) - Thị đội trưởng thị trấn Dùng, hậu duệ thứ 10 của cụ thủy tổ cho biết thi hài được bao bọc bằng một lớp vải dày từ đầu đến chân. Trên lớp vải này, chính giữa, từ cổ đến thắt lưng, có nhiều sợi dây được kết với nhau tạo thành một dải hình thoi giống như một dãy khuy áo. Đặc biệt, dù đã mai táng hơn 350 năm nhưng thi hài vẫn còn nguyên vẹn.
Trong quan tài còn có nhiều thứ vật chất màu đen, vụn, nhiều bông gòn, 1 túi vải màu nâu dài khoảng 25 cm rộng hơn 10 cm đã bị rạch thủng, rỗng ruột (nghi là kẻ gian đã rạch và lấy đi những thứ bên trong), 1 tấm ván dày khoảng 1cm, nằm lọt trong quan tài đã bị vỡ làm đôi, trên ván có 7 lỗ tròn, đường kính khoảng 2cm được đục đều đặn. Những thứ trong quan tài tỏa ra mùi thơm như mùi thuốc bắc.
Việc phát hiện ra ngôi mộ cổ cách nay mấy trăm năm, “trong quan ngoài quách”, thi hài đang còn nguyên vẹn là chuyện hiếm, lạ. Tiếc rằng, chưa có cơ quan chuyên môn nào kịp tìm hiểu, nghiên cứu về ngôi mộ đặc biệt này, bởi vậy những bàn luận, thắc mắc của mọi người về ngôi mộ như niên đại chính xác, kỹ thuật mai táng, khâm liệm, hợp chất ‘bê tông”, mùi hương… tạm thời vẫn còn bí ẩn.
Huy Thư