(Baonghean) - Theo truyền thống của người Việt, Tết là dịp để đoàn viên, sum họp gia đình, vì thế phải xa quê hương trong ngày Tết là điều không ai mong muốn. Thế nhưng, ở những gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) thì từ nhiều năm nay, họ đã quen với việc đón Tết trong sự thiếu vắng. Nén lại nỗi lòng, họ miệt mài lao động để trong tương lai không xa được đón những cái Tết sum vầy, ấm cúng hơn.

images1796473_h_i___ng_h__ng_ngh__an_____i_loan_t__ch_c_g_p_m_t_d_p_t_t_b_nh_th_n_2016.jpgHội đồng hương Nghệ An ở Đài Loan tổ chức gặp mặt dịp Tết Bính Thân 2016

Xã Vân Diên là một trong những địa phương có số người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất của huyện Nam Đàn. Toàn xã hiện có trên 500 lao động đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia. Nhờ xuất khẩu lao động, đời sống của người dân Vân Diên đã khởi sắc hơn, nhiều gia đình giàu lên từ nguồn tiền XKLĐ gửi về.

Như gia đình anh Nguyễn Văn Sơn ở xóm Nhật Quang, trước đây chỉ làm ruộng nên cuộc sống khó khăn. Với mong muốn có chút vốn liếng vực dậy kinh tế gia đình, năm 2012, anh Sơn quyết định đi XKLĐ sang Hàn Quốc. Sang xứ người, anh làm nghề cơ khí, ban đầu mức lương học việc từ 10 - 12 triệu đồng/tháng, sau khi tay nghề “cứng cáp” được hưởng mức lương từ 25 - 30 triệu đồng/tháng. Chăm chỉ làm việc nên không lâu sau, anh đã gom góp đủ tiền gửi về trả nợ và tích góp xây dựng ngôi nhà 3 tầng khang trang. 4 năm đón Tết xa quê, anh Sơn đang hồi hộp đón chờ năm mới Đinh Dậu với niềm vui sum họp đầy đủ các thành viên trong gia đình.

Nhớ về những Tết xa nhà, anh Nguyễn Văn Sơn tâm sự: “Làm việc nơi đất khách quê người, mỗi độ Tết đến, Xuân về, công nhân người Việt Nam tập trung mua bánh chưng, hoa đào và làm những món ăn truyền thống của quê nhà để tạo ra không khí Tết. Dù vậy, mỗi người vẫn thấy như thiếu thốn thứ gì đó, chính là sự ấm cúng của gia đình”. 

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có được cái Tết sum vầy, ấm áp như gia đình anh Sơn. Gần Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017, không khí trong những gia đình có người thân đang đi XKLĐ dường như lại trầm lắng hơn. Gia đình chị Nguyễn Thị Thao (SN 1975) có chồng là anh Lê Khắc Bình cũng đi XKLĐ ở Đài Loan được 3 năm. Hàng tháng, anh Bình đều đặn gửi tiền về nên đời sống của 3 mẹ con chị không đến nỗi chật vật, lại có thêm chút dư dả để tiết kiệm.

Thế nhưng, chị Thao tâm sự, chị không quan tâm nhiều đến việc anh Bình gửi về bao nhiêu mà chỉ thấy nhớ và lo lắng cho sức khỏe của anh. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về thì nỗi nhớ mong ấy lại càng da diết.

Chị chia sẻ: “Ngày anh đi, 2 con còn nhỏ nhưng giờ đứa đầu đã học lớp 1, đứa thứ hai hơn 3 tuổi, 2 cháu thường xuyên nhắc tới bố. Còn anh, mỗi lần đến Tết, gọi điện về, anh bảo Tết cổ truyền của người Đài Loan cũng trùng với Việt Nam nên những ngày này, ở đây người ta cũng rộn ràng chuẩn bị cho ngày Tết, nhìn cảnh người ta sum vầy cùng gia đình mà chạnh lòng, nhớ 3 mẹ con da diết. Nghe vậy, tôi chỉ biết nén để không bật ra tiếng khóc. Có lần tôi bảo anh thu xếp để về đón Tết cùng gia đình, nhưng anh bảo vé máy bay khứ hồi từ Đài Loan về mất khoảng hơn chục triệu đồng, nếu về, sẽ chẳng còn được bao nhiêu tiền để cho gia đình sắm Tết nên anh chấp nhận đón Tết xa nhà để dành tiền lo cho con ăn học sau này”.  

Với những gia đình có người thân đi XKLĐ, không khí trầm buồn là vậy, còn với những người đang phải đón Tết nơi đất khách quê người cũng ngổn ngang những nỗi niềm. Với chị Lê Thị Thúy ở xóm 6, xã Hưng Tân (Hưng nguyên) thì đây là năm thứ 10 chị đón Tết ở Malaysia. Năm 2007, gia đình vay vốn ngân hàng để chị Thúy đi XKLĐ. Nhờ siêng năng, chịu khó, từ một nhân viên sắp xếp hàng hóa ở siêu thị, sau vài năm, chị Thúy được “thăng chức” lên tổ trưởng, thu nhập cũng khá hơn.

Nhờ vậy, gia đình đã xây được ngôi nhà khang trang, mua sắm đầy đủ các vật dụng sinh hoạt cần thiết. Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, chị luôn đau đáu nghĩ tới cảnh ở nhà một mình chồng chị là anh Nguyễn Văn Trường cùng 2 con nhỏ phải tự tay sắm sửa, thăm hỏi, quà cáp cho hai bên nội, ngoại, gói bánh chưng để cúng gia tiên…  những công việc mà ở nhà chị vẫn đảm nhiệm.

“Là người phụ nữ, để chồng con ở lại quê nhà còn bản thân bươn chải nơi xứ người là điều chẳng ai mong muốn, nhưng vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của 2 con nên đành chấp nhận. Được cái 2 con tôi đều ngoan ngoãn, siêng năng nên cũng đỡ lo. Những năm đầu không được ăn Tết với gia đình thì buồn lắm, nhưng giờ cũng quen rồi” - chị Thúy tâm sự.

Hội đồng hương Nghệ An ở Nhật Bản tổ chức gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán.

Còn anh Nguyễn Hữu Bắc, 24 tuổi ở xã Thuận Sơn, huyện (Đô Lương) đang làm việc ở Shizuoka, Nhật Bản, năm nay đã là Tết thứ 3 xa quê. Anh vẫn nhớ cảm giác năm đầu tiên không ăn Tết ở nhà. “Đó có lẽ là cái Tết buồn nhất vì vẫn phải đi làm, Tết đầu tiên ở xứ người, không gia đình, không người thân, không hương vị quê.

Mấy anh em làm cùng năm nào cũng tổ chức liên hoan Tết với nhau, cũng có bánh chưng, giò chả, nem, thịt đông, dưa hành…, ngồi quây quần với nhau để xóa bớt nỗi nhớ nhà, cùng tâm sự nỗi niềm xa quê. Tết nào em cũng gọi điện về cho gia đình. Bố mẹ ở nhà thương con ăn Tết một mình. Bên này thì buồn tủi, ở nhà thì xót xa, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên vẫn phải cố gắng, ai đi làm xa quê chẳng vậy” - anh Bắc chia sẻ.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2016, toàn tỉnh có hơn 12.300 người đi XKLĐ và hiện nay có khoảng hơn 45.000 lao động Nghệ An đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Trung Đông. Ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, do cũng đón Tết Nguyên đán như Việt Nam nên lao động ở các nước này cũng được nghỉ Tết.

Do thời gian nghỉ Tết ngắn (chỉ 3 - 4 ngày), chi phí vé máy bay khứ hồi lại đắt đỏ nên rất ít lao động Việt Nam có thể về quê đón Tết cùng gia đình. Vì vậy, đa số những gia đình có người thân đi XKLĐ, cảm giác trống vắng, nhớ thương mỗi khi Tết đến, Xuân về là khó tránh khỏi. Những người xa quê và những người ở nhà đều cố gắng động viên nhau đón Tết vui vẻ, an lành, nỗ lực trong công việc và cuộc sống để đợi chờ đến ngày sum họp./.

Minh Quân

TIN LIÊN QUAN