(Baonghean.vn)- Thanh Chương là một trong 4 huyện, thành phố được UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển cát sỏi dọc tuyến sông Lam. Vậy nhưng tại địa phương này, nạn khai thác cát sỏi trái phép vẫn đang tiếp diễn; thậm chí đã xẩy ra tai nạn lao động hết sức thương tâm…

Chuyện đau lòng

Ngược thị trấn Dùng, Thanh Chương tìm đến khối 6, là nơi bạn đọc báo thông tin về chuyện gia đình ông Trần Văn Vịnh, bà Ngũ Thị Nhung có người con trai đang học đại học năm thứ hai đi làm cát kiếm tiền giúp gia đình bị chết đuối. Người dân ở đây khi được hỏi đều tận tình chỉ dẫn và tỏ rõ sự thương cảm, bởi như họ nói “thương cho cái thằng có chí học hành lại biết thương cha mẹ…”.

Ông Vịnh, bà Nhung ở trong một ngôi nhà nhỏ hút sâu cuối xóm, sát với bở cát ven sông, kề cây cầu Dùng mới. Thấy khách lạ ghé nhà hỏi thăm, bà Ngũ Thị Nhung bưng mặt khóc nức nở; còn ông Vịnh, lặng lẽ vào nhà thắp nén hương lên bàn thờ người con trai duy nhất của mình.

images1575241_img_2417_copy.gifÔng Vịnh, bà Nhung trước bàn thờ người con trai độc nhất Trần Văn Đức.

Câu chuyện về vụ tai nạn của Trần Văn Đức – con trai ông Vịnh, bà Nhung thật đau lòng. Đức sinh năm 1994, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, em thi đậu trường Đại học Vinh, khoa Quản lý đất đai. Gia cảnh nghèo khó, ông Vịnh bị bệnh tim đã 6 năm trời suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà vì không làm được việc nặng, sinh kế gia đình vì vậy, dồn lên đôi vai gầy của bà Nhung.

Hàng ngày, cứ mờ sáng là bà Nhung theo chân các kíp thợ nề để làm công việc nặng nhọc của người phụ hồ. Khi không có việc, bà lại theo các nốc, thuyền khai thác cát sỏi cần lao động để phụ giúp.

8/4/2016 là một ngày định mệnh của gia đình bà Nhung, ông Vịnh. Khi đó, Trần Văn Đức đang học đại học năm thứ hai. Thương bố mẹ, nhân nghỉ hai ngày thứ bảy, chủ nhật nên Đức nói với mẹ “trong xóm có ai cần lao động xin giúp để con làm kiếm tiền giúp gia đình”.

Khối 6, thị trấn Dùng là khu vực dân vạn chài trước đây sinh sống; một số gia đình nay đã chuyển sang làm nghề khai thác cát sỏi dọc sông Lam. Trong số này có hộ bà Trần Thị Đào - chủ một chiếc tàu khai thác cát sỏi ở khu vực xã Thanh Tiên có nhu cầu lao động. Vài ngày trước, bà Đào từng nhắn bà Nhung đi làm nên trước ý định của con, bà Nhung đã nói chuyện với bà Đào cho Đức được làm việc.

Được bà Đào đồng ý, 5 giờ sáng ngày 9/4, Đức đã đi làm cát, trưa ăn cơm tại nơi làm. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, trong khi bà Nhung đang phụ hồ thì có người đến báo “con bà đi lần ni không biết có chuyện chi đó”. Vội vàng trở về nhà, đến chân cầu Dùng mới thì bà Nhung thấy có đông người nhốn nháo. Tới nhà, nhìn mọi người đang căng bạt, bà Nhung bủn rủn tay chân, rồi sụm xuống vì tin “Đức bị đuối nước chết rồi”.

Lo cho Đức xong xuôi, ông bà Nhung, Vịnh mới tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến cái chết của con mình. Chủ tàu khai thác cát sỏi, bà Trần Thị Đào nói rằng Đức xuống lấy neo thuyền rồi trượt tay ngã; bà ta đã quẳng can ra nhưng Đức không với được nên đã bị chìm… “Dù nhà gần sông, lại có thời gian quân ngũ nhưng con tôi không biết bơi. Tôi nói với bà Đào chỉ cho nó làm cát trên bờ, tại sao bà lại sai nó xuống nước để có chuyện này...” – bà Nhung nức nở.

Địa điểm Trần Văn Đức bị ngã xuống sông dẫn đến cái chết thương tâm.

Với ông Vịnh, khi Đức mất, có đoàn cán bộ của huyện đi cùng Công ty CP khai thác cát sỏi và vận tải Thanh Chương đến thăm, động viên và hỗ trợ cho gia đình 20 triệu đồng; còn gia đình bà Đào thì chỉ vài ba lần đến qua loa. "Có lần, họ đến có để hai chiếc phong bì lên ban thờ Đức rồi nói với người nhà “trong đó có 10 triệu đồng”.

Ông Vịnh bức xúc: Gia đình bà Đào thì vô tình lắm. Họ cần lao động, chúng tôi cần việc làm. Chuyện xảy ra là điều không ai muốn nhưng họ muốn chối bỏ trách nhiệm. Chúng tôi cần con chứ đâu cần tiền của họ. Xử sự phải cho có tình người, có trách nhiệm.... Bây giờ đang để tang cho con, chúng tôi không muốn nói nhiều…”.

Vấn nạn khai thác cát sỏi trái phép

Xã Thanh Tiên chỉ cách thị trấn Dùng hơn 10km. Dọc sông Lam đoạn qua Thanh Tiên, vẫn có hai bến kinh doanh cát sỏi lớn với những chiếc cần cẩu cát ngất nghểu, xe chuyên chở cát ra vào. Dưới sông, vẫn những chiếc tàu hút, thuyền, nốc… chở cát ngược xuôi tấp nập.

Sông Lam (khu vực giáp ranh 3 xã Thanh Văn, Thanh Lĩnh, Thanh Tiên) ngày cuối tháng 5/2016.

Theo cán bộ xã Thanh Tiên, khu vực lòng sông Lam, nơi xuất hiện tàu thuyền hút cát là vùng giáp ranh của 3 xã Thanh Tiên, Thanh Văn, Thanh Lĩnh. Còn hai bến bãi kinh doanh là của các ông Nguyễn Xuân Hải và Nguyễn Xuân Ngà (cùng có hộ khẩu tại thị trấn Dùng).

Ông  Nguyễn Trọng Bảy – Chủ tịch UBND xã Thanh Tiên cho biết, chủ nhân hai bến bãi kinh doanh cát sỏi này là người của Công ty CP khai thác cát sỏi và vận tải Thanh Chương; khi có chỉ đạo của tỉnh, của huyện, chính quyền xã đã thường xuyên kiểm tra, đã lập biên bản, buộc cả hai cam kết phải tháo dỡ cẩu, đình chỉ hoạt độn. “Chúng tôi vừa lập biên bản yêu cầu họ đình chỉ hoạt động được vài  ngày chứ đâu…” – ông Bảy phân trần.

Với Phó Trưởng công an xã Thanh Tiên, ông Dương Lê Giá thì xác nhận việc khai thác, kinh doanh cát sạn vẫn xẩy ra và chủ yếu là về đêm ở khu vực giáp ranh 3 xã. Và Công an xã Thanh Tiên với chức năng quản lý địa bàn, khi phát hiện thì báo lên Công an huyện, sau đó phối hợp xử lý. “Đoàn công tác của huyện về kiểm tra, bắt giữ tàu hút, xử phạt nhưng tình trạng lén lút khai thác vẫn xẩy ra” – ông Giá nói.

Về chuyện cái chết của Trần Văn Đức, theo ông Giá, khi nắm được thông tin công an xã Thanh Tiến đã khẩn trương xuống hiện trường. Những người biết được sự việc đã thông tin với công an xã về nguyên nhân tai nạn là do Đức đứng ở đuôi tàu; tàu nổ máy giật mạnh nên đã bị ngã xuống sông và chết đuối. “Tàu chở cát sỏi nặng nên khi nổ máy để chạy tạo áp lực nước lớn nên nhiều khả năng bị nước cuốn…” – ông Giá đưa ra nhận định.

Lòng sông Lam tàu thuyền hút cát, bờ sông Lam bến bãi kinh doanh cát sỏi vẫn hoạt động.

Cùng ông Dương Lê Giá xuống hiện trường, địa điểm Trần Văn Đức bị đuối nước chỉ cách hai bến bãi kinh doanh cát sỏi một khoảng không xa. Khu vực này, có những cồn cát nổi lên bên hai bên bờ và giữa lòng sông. Và, lúc này khoảng gần 12h trưa nhưng tại đây, tàu thuyền hút cát neo đậu, chuyên chở nhộn nhịp; như thể UBND tỉnh chưa hề có chỉ đạo chấn chỉnh nạn khai thác cát sỏi trái phép.

Tìm hiểu, huyện Thanh Chương đúng là đã vào cuộc để xử lý nạn khai thác cát sỏi trái phép. Vào ngày 8/4, đoàn công tác của huyện Thanh Chương đã bắt 6 thuyền khai thác cát sỏi trái phép ở khu vực xã Thanh Tiên, Thanh Văn; và ngày 28/4, đã xử phạt các chủ thuyền gồm các ông: Nguyễn Văn Thắm, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Xuân Tú, Trần Đình Lợi, Nguyễn Văn Đức (cùng trú tại K6, TT Dùng) với tổng số tiền là 42 triệu đồng. Khoảng giữa tháng 5, đoàn công tác lại tiếp tục kiểm tra, truy bắt hai tàu hút cát sỏi trái phép ở chân cầu Rộ và Rú Nguộc, hiện đang lập biên bản với mức xử phạt khoảng 12 triệu đồng. 

Nhưng với những gì đang diễn ra, và qua vụ tai nạn dẫn đến cái chết của sinh viên Trần Văn Đức, thấy rằng nạn khai thác cát sỏi trái phép trên dòng sông vẫn tiếp diễn; và đang phát sinh những hệ lụy khôn lường.

Từ sau đợt kiểm tra các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển cát sỏi dọc tuyến sông Lam, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp để chấn chỉnh công tác quản lý; trong đó, đã giao cho các sở ngành phối hợp cùng UBND các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương và thành phố Vinh thực hiện việc rà soát, lập quy hoạch bến bãi kinh doanh cát sỏi để tiến tới cấp phép theo quy định.

Vì vậy, huyện Thanh Chương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ tỉnh giao; đồng thời, giữ nghiêm kỷ cương, không để tái diễn nạn khai thác cát sỏi trái phép; và có hình thức xử lý nghiêm với những trường hợp sử dụng lao động để khai thác cát sỏi trái phép. 

Hà Giang

TIN LIÊN QUAN