Một khách sạn bình thường nằm bên bờ sông Áp Lục, tỉnh Đan Đông, Trung Quốc, giáp biên giới Triều Tiên dường như là nơi các đặc vụ Bình Nhưỡng nghe ngóng tin tức và truy tìm người Triều Tiên đào tẩu, Guardian đưa tin.
 

Tiền sảnh khách sạn Lifes. Ảnh: Guardian

Khu vực lễ tân khách sạn Life's thoang thoảng mùi nước hoa hương vani. Các căn phòng trong khách sạn có mùi hương hoa quả và hướng nhìn tuyệt đẹp ra sông Áp Lục.

Một khách hàng đánh giá Life's là một “khách sạn thực sự tuyệt vời” trên trang web du lịch nổi tiếng Trung Quốc Ctrip. “Thật thú vị khi thấy các doanh nhân Triều Tiên cũng nghỉ tại đây”, vị khách này cho biết.

Tuy nhiên, những đánh giá tích cực không thể mô tả hết được về khách sạn. Tòa cao ốc 20 tầng ven sông Áp Lục được cho là một trong 2 khách sạn ở thành phố Đan Đông được biệt đội đặc biệt của Triều Tiên thuê để điều tra, bắt giữ những người đào tẩu.

Báo Daily NK trích một nguồn thạo tin cho biết: “Các điệp viên ngụy trang dưới dạng các doanh nhân nhưng kỳ thực họ nghỉ ở đây nhằm tìm kiếm, nghe ngóng thông tin và lên kế hoạch truy bắt những người trốn khỏi đất nước”.

Đào tẩu khỏi Triều Tiên luôn là canh bạc đối với những người quyết định bỏ trốn. Nếu thất bại, họ sẽ phải chịu đựng một kết cục tồi tệ. Tổ chức Quan sát Nhân quyền HRW cho biết hiện Trung Quốc đang thúc đẩy việc bắt giữ những người Triều Tiên vượt biên trái phép trên lãnh thổ nước này. Từ tháng 7 tới nay đã có ít nhất 41 trường hợp bị bắt giữ.

Một số bị bắt ngay khi vừa vượt qua biên giới, một số bị giữ lại khi đang ở gần biên giới một các nước Đông Nam Á. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, những người Triều Tiên vượt biên qua Trung Quốc không được coi là người tị nạn vì họ tới Trung Quốc bằng con đường trái phép và vi phạm luật pháp.

Có khoảng 20.000 Triều Tiên đã trốn sang Hàn Quốc trong khoảng 10 năm qua. Họ thường vượt biên qua Trung Quốc, trải qua 1 hành trình dài qua các nước Đông Nam Á và dừng lại ở Thái Lan, nơi đây họ sẽ được Hàn Quốc đưa qua Seoul và nhập tịch.

Sokeel Park, thành viên một tổ chức giúp người Triều Tiên đào tẩu, cho biết số lượng người đào tẩu đã giảm từ 3.000 vào năm 2011 xuống 1.500 vào năm 2016 kể từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nắm quyền. Con số này có xu hướng tiếp tục giảm khi 6 tháng đầu năm nay chỉ có 593 trường hợp đào tẩu thành công. Park nhận định rằng nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do Trung Quốc siết chặt hơn về mặt an ninh.

Ông Ji Seong-ho, một người đào tẩu, đã nhớ lại hành trình trốn chạy gian nan. Ông đã vượt qua sông Đồ Môn và mất tới 3 tháng vượt qua quãng đường 10.000km từ Trung Quốc, sang Myanmar và Lào để tới được Thái Lan. “Đó là trò chơi sinh tử. Tôi cứ nghĩ rằng đây sẽ là cách mà tôi từ giã cuộc đời này”, ông Ji nhớ lại hành trình 8 tiếng băng rừng ám ảnh.

Ông đã giúp thêm 250 người nữa trốn chạy kể từ ngày ông trở thành nhà hoạt động cho những người Triều Tiên đào tẩu. Ông cho rằng những cuộc chạy trốn ngày càng hiểm nguy và gian nan hơn khi Trung Quốc đang có dấu hiệu siết chặt việc ngăn chặn mạng lưới này.

 

Hướng nhìn ra sông từ một phòng trong khách sạn. Ảnh: Guardian

Daily NK cho rằng những đặc vụ Triều Tiên đã sử dụng khách sạn Life’s như căn cứ để tổ chức hoạt động truy bắt người đào tẩu. Báo này cho biết năm ngoái một người đào tẩu đã bị bắt giữ khi đang cố trốn chạy ở Đan Đông. Nguồn tin cho hay: “Không khí khi đó tại thành phố khá căng thẳng”.

Các nhân viên tại khách sạn đã phản bác cáo buộc rằng nơi đây có các đặc vụ Triều Tiên. Giám đốc kinh doanh khách sạn Life’s cho biết: “Đúng là chúng tôi cho khách Triều Tiên thuê phòng, nhưng họ chỉ làm những công việc bình thường. Chúng tôi chỉ là một khách sạn như bao khách sạn khác”.

Tuy nhiên Daily NK đánh giá khách sạn Life’s dường như tạo nên vỏ bọc tốt cho các đặc vụ Triều Tiên. Nhìn bề ngoài họ giống như những người làm ăn, đang mải mê liên lạc trao đổi qua điện thoại thông minh với huy hiệu hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il cài trên ngực áo nhưng thực ra họ đang nghe ngóng và điều tra thông tin.

Guardian cho rằng đây không phải là nơi phù hợp để nói chuyện phiếm. Phóng viên tờ báo này đã cố tiếp cận với một người đàn ông đi giày đen bóng, đeo huy hiệu ông Kim Nhật Thành và hỏi bâng quơ về kim chi và cà phê. Người đàn ông này đã trả lời: “Tôi không biết, không hiểu gì đâu”.

Bên ngoài tiền sảnh khách sạn với đầy mùi hương vani, biển hiệu của khách sạn dường như “trêu ngươi” những người Triều Tiên đào tẩu đang nỗ lực chạy thoát khỏi đất nước với dòng chữ: “Khách sạn mới, cuộc sống mới”.

Theo Dân trí

TIN LIÊN QUAN