Sống ở California, Mỹ 8 năm qua, Ngọc Lý chỉ thấy hình ảnh cháy rừng qua tivi. Cô không ngờ có ngày phải sơ tán khỏi nhà trong vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất lịch sử bang.
Nửa đêm chủ nhật, 8/10, Ngọc Lý, nữ sinh trường Santa Rosa Junior College, đang chuẩn bị đi ngủ thì ngửi thấy mùi cháy khét. Cô xuống nhà kiểm tra điện, ga xem có cháy nổ gì không rồi mở cửa sổ, thấy ngoài đường hơi khói, gió mạnh dữ dội như bão.
"Khoảng hai giờ sáng, cả nhà nhận được cuộc gọi từ mợ Thùy báo: 'Lấy đồ ra khỏi nhà đi. Cháy tới nơi rồi!', Lý kể lại với VnExpress. Cả nhà khi đó vẫn đang say ngủ.
Nhà mợ Thùy, cậu Tuấn được cảnh sát gõ cửa, đề nghị di tản ngay lập tức. Gia đình Lý gồm 5 người, cách nhà cậu mợ chưa đầy 10 phút lái ôtô. Khoảng 30 người, bao gồm 5 gia đình chị em của mẹ Lý đều sống quần tụ tại thành phố Santa Rosa, quận Sonomo, Bắc California.
Cô gái khua cả nhà dậy, gom giấy tờ tiền bạc rồi lên xe phóng đi. "Thứ duy nhất tôi vơ đi là điện thoại, laptop và ví tiền, không kịp mang thêm bộ quần áo. Ai cũng mặc đồ ngủ", cô kể.
Ngoài đường gần như kẹt cứng. Gia đình ghé vào trạm xăng thì cây xăng đóng cửa. Họ phải lái xe lên hướng nam khoảng 10 phút nữa mới có cây xăng đang hoạt động, nhưng đến nơi, người xếp hàng mua xăng đông nghịt.
Khi lái xe về phía an toàn, các gia đình họp lại và quyết định đi thẳng tới thành phố San Jose, cách đó khoảng 140 km về phía nam. Đến San Jose, họ nghe tin khu Coffrey Park, Santa Rosa, nơi tập trung hàng trăm ngôi nhà, trong đó có nhà mợ Thủy, cậu Tuấn đã cháy rụi. Trên báo Mỹ, nhiều nhân chứng ví cảnh tượng như "vùng chiến sự", "một vụ nổ bom".
Khu nhà Lý và các gia đình khác đều phải sơ tán khẩn cấp và bị phong tỏa, nhưng cảnh sát Santa Rosa vẫn liên tục cập nhật thông tin về cháy rừng qua tin nhắn cho các gia đình.
Cháy rừng đã bao trùm hơn 45.500 ha, làm ít nhất 23 người chết, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà, buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán. Quận Napa và Sonoma, trung tâm rượu nho của bang California, bị tàn phá đặc biệt nặng nề. Nền công nghiệp rượu nho năm ngoái đóng góp cho kinh tế bang California tới 58 tỷ USD. Đến tối 11/10, vẫn còn ít nhất 285 người mất tích tại quận Sonoma.
Theo tính toán của riêng Lý, người sống ở Santa Rosa 8 năm nay, nhà của khoảng 20 người gốc Việt bị cháy rụi. Trong cộng đồng Công giáo của Nhà thờ các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà Lý là thành viên, có khoảng 10 người chịu cảnh cháy nhà. Con số này chưa được kiểm chứng độc lập.
Giới chức chưa tìm ra nguyên nhân cháy rừng ở Santa Rosa, nhưng điều kiện khô, nóng, gió mạnh với vận tốc hơn 80 km/h có thể làm lửa lan rộng.
Cháy rừng còn phát thải khói và tro độc hại, làm cản trở cuộc sống thường nhật. Do gió lớn, khói nhanh chóng lan tới các khu vực lân cận.
Lê Quang Đức, 47 tuổi, sống tại San Jose, cho biết ngày thường trời quang đãng, trong xanh, nhưng hôm 11/10, khói mù bao trùm che hết tầm nhìn, gây khó chịu đến nỗi anh phải đi ôtô thay vì đi bộ đến siêu thị ngay gần nhà.
"Chỗ làm gần đám cháy hơn nên còn thê thảm hơn. Mùi khói tràn vào luôn hệ thống thông gió văn phòng. Mắt cay, mũi ngứa suốt ngày", anh cho biết.
Giới chức Mỹ cho rằng đây là vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất lịch sử bang California. Cả miền bắc và nam đều đồng thời chịu thiệt hại.
Hồ Hoàng Nam Thi, 58 tuổi, giám đốc kinh doanh ngân hàng, sống ở thành phố Anaheim, cách vùng đồi núi Anaheim Hills bị cháy chỉ khoảng 5 km. Từ nhà, ông Thi có thể thấy khói lửa bốc lên. "Mây mù bụi đỏ màu lửa. Nhà tôi cách xa thế mà bị bụi tro xám đen, bụi than từ lửa đầy sân, nóc nhà", ông cho biết, thêm rằng lính cứu hỏa còn đến nhà ông để phát khẩu trang.
Nhiều người Việt chứng kiến hiện tượng khói, tro bụi lạ đã quay video, chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội. Sống gần khu Little Saigon, quận Cam, Vũ Hoàng Lân, người sáng lập và điều hành trang tin Phố Bolsa TV, mô tả ánh sáng mặt trời mờ đi, vàng quạch khi khói và tro theo gió thổi bay qua bầu trời. Xe cộ, nhà cửa, vườn tược sau đó phải dọn dẹp, lau rửa lại, nhưng người dân khu này không lo lắng do ở xa vùng cháy.
Các trường tiểu học, trung học trong vùng cẩn thận gửi email thông báo về cho phụ huynh. Họ cho học sinh ở trong phòng, không ra ngoài trời. Các giờ học thể thao đều bị huỷ để học sinh không phải ra ngoài, hít phải bụi và tro.
Dù nhà không bị cháy, gia đình Lý vẫn đang cảm thấy hoang mang và lo lắng. Họ không biết sẽ phải sơ tán ở San Jose đến khi nào, trong khi việc làm, việc học tập bị đình trệ. Nhà cô có nhiều người ốm yếu, chưa thể trở về sống trong bầu không khí khói bụi độc hại. "Cũng nhiều cái lo lắm, nhưng mà trước mắt là gia đình phải ở cạnh nhau", Lý chia sẻ.
Nhà cậu mợ cô không kịp thu gom tiền bạc và giấy tờ trước khi sơ tán. Lúc họ trở về tìm két sắt, mọi thứ bị thiêu rụi. Lý đang kêu gọi bạn bè, người thân quyên góp tiền cho cậu mợ trong hoàn cảnh khó khăn. "Căn nhà cháy có thể được đền bù bảo hiểm, nhưng tiền bạc giấy tờ thì không bảo hiểm được, coi như mất trắng", cô nói.
Theo VNE