(Baonghean) - Chiều 29/4/2009, ngôi trường tiểu học Cam Thanh (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) náo nhiệt đón những cựu binh từ Hà Nội, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng bình, Nam Trung bộ và Tây Nguyên hành hương về. Đây là cuộc hành hương “Làm ấm rừng đồng đội”, là cuộc hội ngộ của các cựu binh thuộc Trung đoàn 27- Trung đoàn Triệu - Hải anh hùng cùng với các cựu binh thuộc bộ đội địa phương của mặt trận Quảng Trị.

Bộ đội về làng

Chiều 29/4/2009 các ngã đường đi về xã Cam Thanh (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) rợp cờ đỏ, băng rôn, khẩu hiệu. Xe của các đoàn từ các miền hành hương về đến vị trí tập kết. Cả khuôn viên của ngôi trường tiểu học Cam Thanh bỗng chốc náo nhiệt! Xe của những cựu binh từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…chưa kịp đổ hết quân thì xe của đoàn cựu binh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, của Hà Nội, của Lạng Sơn… cũng kịp về tới nơi.

762693_small_48447.jpgHình ảnh “bộ đội về làng” tại xã Cam Thanh (Cam Lộ). Ảnh: Cảnh Yên

Những cựu binh ăn mặc đủ các sắc phục nhưng phần lớn họ đều mặc quân phục, những bộ quân phục “Tô Châu” mới tinh sắm vội, có nhiều người mặc rộng thùng thình nhưng với chiếc mũ tai bèo xanh trên đầu vẫn tái hiện được dáng vẻ thân thương mà oai hùng của anh giải phóng quân năm xưa!

Có nhiều người chưa xuống khỏi cửa xe đã nhận ra đồng đội cũ đang đứng dưới sân, họ lao đến ôm chầm lấy nhau. Nhiều người trong họ đã khóc khi nhận ra những mẹ, những chị là cơ sở bí mật, là du kích địa phương từng dẫn đường, sát cánh với chủ lực đánh địch trên quê hương Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng trong những ngày ác liệt cam go nhất của những năm 69-72. Họ ôm chặt nhau, tay trong tay mà không thốt nên lời !
 
Các em học sinh, những đoàn viên thanh niên và bà con cô bác của thôn An Bình đang tất bật chạy lui chạy tới gặp ban tổ chức để được đón các bác, các chú về nhà mình. Nhiều o, nhiều mệ cứ bíu lấy ban tổ chức để thắc mắc vì sao họ đã đăng ký mà không được nhận “nuôi bộ đội”? Nhìn cảnh các mệ, các o níu tay các anh “giải phóng” đi về các ngả, một cựu binh của đoàn hành hương từ Khánh Hòa ra xúc động thốt lên: “Chẳng khác chi cảnh bộ đội về làng năm xưa”!
 
Ông Lê Bá Dương, một trong những người trực tiếp tổ chức và điều hành cuộc hành hương “Làm ấm rừng đồng đội” cho chúng tôi biết rằng đây là một cuộc hội ngộ của các cựu binh thuộc Trung đoàn 27 (Trung đoàn Triệu - Hải anh hùng) cùng với các cựu binh thuộc bộ đội địa phương của mặt trận Quảng Trị; Nơi mà trong những năm tháng chiến đấu khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng đã có hàng ngàn, hàng vạn đồng đội của Trung đoàn và những người con của đất Quảng thân yêu đã ra đi mà không trở về! Ông Dương cũng cho biết mặc dù đã được xúc tiến chuẩn bị từ trước hơn một tháng nay nhưng cho đến giờ phút cuối cùng vẫn phải điều chỉnh bổ sung vì công việc “Hiệp đồng tác chiến” rất khó khăn bởi quy mô và địa bàn các đoàn tham gia rải ra từ bắc chí nam.
 
Cuộc hành hương cũng hoàn toàn mang tính chất tự nguyện, “Ban chỉ huy” cuộc hành hương cũng là những người tự tâm, tự giác, từ ông Nguyễn Minh Kỳ (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị), đến các ông Hoàng Xuân Quy, Hoàng Văn Kiệm, bà Nguyễn Thị Đào và trưởng đoàn các tỉnh, tất cả đều là do “hiệp thương bầu cử”.
 
Ông Quy, trưởng ban đón tiếp “bộ đội về làng” tâm sự với chúng tôi: “Mặc dù phải đón tiếp, bố trí ăn ở, đi lại tham gia các chương trình hoạt động trong suốt cuộc hành hương cho tất cả gần hai mươi đoàn với trên 300 thành viên từ Lạng Sơn, Hà Nội vào đến Nam Trung bộ-Tây Nguyên nhưng được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương nên đến giờ phút này mọi công việc rất suôn sẻ”.
 
Ngay trong buổi tối hôm đó, sau “bữa cơm quân dân ngày gặp mặt” thì tại sân trường tiểu học Cam Thanh đã diễn ra một cuộc giao lưu văn nghệ mang chủ đề “Bộ đội về làng” đầy ý nghĩa và xúc động giữa các đoàn hành hương với phụ nữ, thanh niên và học sinh địa phương, đã thu hút hàng ngàn người đến dự. “Mẹ đón quân ra về nhà nghỉ lại, nắm tay mẹ hỏi giải phóng quân ta… ”- Những lời ca điệu múa của các chị, các em, của những người cựu binh Trung đoàn Triệu - Hải đã làm sống lại không khí hào hùng của một thời “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng…” !  
 
Đưa quê hương về với đồng đội

Một trong những nội dung chính của cuộc hành hương “Làm ấm rừng đồng đội” này là lễ khánh thành khu lăng bia và tưởng niệm vong hồn liệt sỹ tại đỉnh Hồ Khê - Đá Bạc thuộc xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) được tổ chức vào sáng 30/4; Nơi đã từng diễn ra những trận đánh khốc liệt của Trung đoàn 27 trong chiến dịch đánh bộ binh cơ giới Mỹ tháng 4/ 1969. Hàng trăm chiến sỹ của Trung đoàn đã hy sinh và chính nơi này chúng ta đã tìm thấy những ngôi mộ tập thể của anh em đồng đội.

Lễ khánh thành và tưởng niệm liệt sỹ tại khu lăng bia Hồ Khê – Đá Bạc.Ảnh: Cảnh Yên

Ông Nguyễn Minh Kỳ (nguyên là một cán bộ chỉ huy chiến đấu hồi đó) nhớ lại: “Ngay tại khu lăng bia này, hồi đó khi trận đánh kết thúc, chúng tôi đã chứng kiến địch dùng xe ủi vùi lấp hàng chục thi hài chiến sỹ của Trung đoàn tại đây”. Được biết chính ông Kỳ đã có công tìm lại đúng vị trí 13 liệt sỹ bị vùi lấp và vợ chồng ông đã phát nguyện góp công, góp của cùng với cán bộ, nhân viên tập đoàn Technocom (Hà Nội) xây dựng để có khu lăng bia Hồ Khê khang trang, nghiêm cẩn như hôm nay. 
 
“Nấm mồ chung ở Hồ Khê - Đá Bạc
Ngôi miếu thờ có bia đá tường xây
Các anh nằm đây
Có vòng tay của cô bác Do Cam
Các anh ở lại
Trong tán lá chở che của núi rừng Quảng Trị
Sâu nghĩa đồng hương
Nặng tình đồng chí
Viếng các anh, chúng tôi đã có:
Một vòng hoa trắng cùng mấy búp hương thơm
Nhớ đồng đội chúng tôi đã mang theo:
Cả nước sông Lam và đất vàng xứ Nghệ…
Những mong: Đất quê hương sưởi ấm các anh…” !
                      (Văn tế liệt sỹ ở Hồ Khê-Đá Bạc)
 
Cả ngàn người và núi rừng Hồ Khê lặng yên trong phút tưởng niệm. Sự có mặt của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) và các tướng lĩnh Trần Ân, Võ Chót, Nguyễn Xuân Chí (nguyên là cán bộ lãnh đạo của Quân khu Trị -Thiên và Quân khu 4) cùng với đại diện chính quyền tỉnh Quảng Trị, của đồng đội du kích địa phương và đông đảo đoàn viên thanh niên, các cháu thiếu nhi Cam Tuyền càng làm cho nghi lễ buổi khánh thành khu lăng bia và lễ tưởng niệm vong hồn các liệt sĩ ở Hồ Khê-Đá Bạc thêm linh thiêng hoành tráng.
 
Tại đây, các đoàn hành hương đã dâng những nắm đất lấy từ núi Quyết (Nghệ An), từ Lạng Sơn nơi địa đầu đất nước và trồng những cây đa, cây tùng, cây bách tự tay mình mang đến từ nhiều quê, nhiều miền; Rồi họ tưới nước cho cây, những giọt nước lấy từ sông Kỳ Cùng, sông Hồng, sông Lam, Thu Bồn, Nhật Lệ !
 
Chiều 30/4, trời vẫn âm u, mưa vẫn đổ và gió se lạnh, nhưng dưới cánh rừng Hồ Khê – Đá Bạc mặt đất như bừng sáng và được sưởi ấm bởi mấy chục chiếc bếp “Hoàng Cầm”, bàn ăn dã chiến và hàng trăm cánh võng che tăng nilon được các đoàn viên thanh niên và chị em du kích địa phương tự tay thực hiện nhờ sự hướng dẫn của các bác cựu binh trong đoàn hành hương.
 
Ông Lê Bá Dương, một trong những người tâm huyết nhất với sự kiện này tâm sự: “Cuộc hành hương sẽ kết thúc sau khi chúng tôi tổ chức trao nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các đồng đội nghèo ở Gio An (Cam Lộ), Triệu Tài (Triệu Phong) và dự lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn; đây cũng là một trong những nội dung chính của chương trình hành hương nhằm khơi gợi lại ý thức hướng về cội nguồn. Đặc biệt qua việc khôi phục, giới  thiệu những kỹ năng tổ chức sinh hoạt chiến đấu của các chiến sỹ giải phóng, coi đó là bài học trực quan về truyền thống cho các thế hệ thanh thiếu niên địa phương. Đồng thời tạo thêm một điểm nhấn và phương thức trong lộ trình “du lịch hoài niệm về chiến trường xưa” rất đặc trưng đã và đang định hình, phát huy ở Quảng Trị.
Trần Cảnh Yên