(Baonghean) - Họ là những ông bố, bà mẹ, những người vợ đang ngày đêm hướng về biển đảo xa xôi, mong chồng, con giữ chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Họ luôn là điểm tựa vững chắc  để những người lính biển yên tâm hoàn thành nhiệm vụ nơi “đầu sóng, ngọn gió”…
 
Hỏi thăm mãi mới tìm thấy nhà cảnh sát biển vùng 2, Thiếu úy Nguyễn Xuân Tuyển ở xóm Thái Bình, xã Nghi Thái (Nghi Lộc). Người phụ nữ xinh đẹp đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu. Biết chúng tôi là nhà báo muốn được chia sẻ cảm xúc hậu phương của những người lính biển, chị Nguyễn Thị Huyền nghèn nghẹn: “Yêu nhau 6 - 7 năm mới cưới, nay con trai đã lên hai, từ khi yêu đến lúc cưới rồi sinh con, vợ chồng không được ở gần nhau là mấy. Lúc vượt cạn cũng không có chồng bên cạnh nhưng lúc nào em cũng động viên anh ấy cứ yên tâm phụng sự Tổ quốc, ở nhà đã có ông bà, nên mẹ con em cũng vui. Mới rồi tình hình ở Biển Đông căng thẳng, khi anh tranh thủ điện thoại về, vẫn phải động viên “con ngoan lắm” để chồng yên tâm”.
 
Cưới nhau đã gần 3 năm nhưng xa nhau biền biệt, tình cảm được gói lại trong những trang thư nhòe nước, “Tháng trước anh về em vẫn thấy những trang thư đã nhàu nhĩ vì sóng nước vẫn được anh cất giữ cẩn thận bên mình” - chị Huyền nói. Cậu bé kháu khỉnh - con trai anh Tuyển, chị Huyền được đặt tên Hải Đăng với mong muốn cháu sẽ như là ngọn đèn sáng nơi biển trời bao la. Mới chỉ gặp bố hai lần nhưng cậu bé đã kịp khắc ghi hình ảnh, tình thương yêu của bố “mới rồi có đồng đội của bố đến thăm cháu cứ tưởng bố về liền chạy đến ôm chầm và gọi tên bố, nhận ra không phải bố cháu xấu hổ nhoẻn miệng cười” - chị Huyền kể.
 
images980483_v___con_thi_u__y_nguy_n_xu_n_tuy_n__c_nh_s_t_bi_n_v_ng_2.jpgVợ, con Thiếu úy Nguyễn Xuân Tuyển - Cảnh sát biển vùng 2. Ảnh: T.N
 
Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên thềm lục địa, vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và liên tục có những hành động gây hấn với lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam, là cảnh sát biển, Thiếu úy Nguyễn Xuân Tuyển cùng đồng đội trên tàu mang số hiệu CSB 2012 được giao nhiệm vụ áp sát giàn khoan vừa kiên trì tuyên truyền phía Trung Quốc không nên gây hấn, vừa để bảo vệ tàu thuyền của ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ.  Khi  biết thông tin tàu CSB 2012 bị tàu hải cảnh Trung Quốc lao và đâm thẳng vào mạn trái tàu làm hư hỏng phía đuôi tàu, xem  ti vi cả nhà rất lo lắng nhưng khi nhận được thông tin, anh em cảnh sát biển trên thuyền vẫn bình an, chị Huyền và bố mẹ mới thở phào nhẹ nhõm. Thế mà khi anh gọi điện về, chưa kịp trấn an vợ, chị Huyền đã động viên chồng: “Anh cứ yên tâm công tác, đây là lúc Tổ quốc cần …”.
 
Cách nhà Thiếu úy Nguyễn Xuân Tuyển không xa là nơi ở của gia đình Trung úy Cảnh sát biển vùng 2 Nguyễn Trung Thành. Ngôi nhà vừa mới được xây dựng khang trang, kiên cố nhờ sự giúp đỡ của anh em bạn bè thân thiết. Từ ngày con tàu mang số hiệu CSB 4033 của anh Thành đang làm nhiệm vụ, bị tàu Trung Quốc đâm bể mạn phải, hỏng máy và các trang thiết bị khác phải sửa chữa, anh được vào đất liền và điện về nhà một lần duy nhất. Từ hơn một tháng nay cả gia đình không nhận được tin tức của anh. Chị Phan Thị Tuyết - vợ anh đang công tác tại Trạm Y tế xã, bận bịu suốt ngày, thế nhưng từ khi có sự cố ngoài biển, chị thường xuyên theo dõi tin tức và thông báo lại cho bố mẹ chồng, dù rất lo lắng nhưng chị vẫn luôn vững niềm tin và động viên bố mẹ rằng: “Tình hình vẫn ổn, bố mẹ hãy tin vào sự mưu trí, bình tĩnh, gan dạ của chồng con và đồng đội!”. Trước khi về đóng quân ở vùng biển Đà Nẵng, anh Thành có 7 năm ở đảo Phú Quốc. Trong khoảng thời gian đó, chị Tuyết vừa chăm con vừa chu toàn việc nhà, chăm sóc bố mẹ chồng để chồng yên tâm công tác.
 
Khi chúng tôi ghé thăm, nhà chỉ có mẹ và hai đứa con (đứa lên bốn, đứa mới lên hai) của anh Thành ở nhà. Chỉ vào những tấm bằng khen: Gương mặt trẻ tiêu biểu của Đoàn Thanh niên Cảnh sát biển vùng 2, Danh hiệu Chiến sỹ tiên tiến… của Trung úy Thành được đóng khung treo trang trọng ở phòng khách, bà Nguyễn Thị Loan - mẹ anh tự hào cho biết: “Cháu nó đi làm nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó nên tôi vẫn luôn động viên vợ nó: Đã là mẹ, là vợ người lính thì phải biết hy sinh thôi con ạ”.  Còn cậu bé Nguyễn Xuân Khánh Huy - con trai anh khi được hỏi: Cháu có nhớ bố không? Huy liền hồn nhiên trả lời: “Cháu muốn biến thành siêu nhân để ra biển giúp bố đuổi tàu Trung Quốc”.
 
Rời Nghi Thái - vùng đất có nhiều người lính tình nguyện làm nhiệm vụ nơi đảo xa, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Đình Hùng - hiện đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển trời nơi quần đảo Trường Sa Đông. Ngôi nhà nhỏ bình yên ở xóm 5, xã Phúc Thọ (huyện Nghi Lộc) nép mình sau lũy tre xanh rộn rã tiếng cười, nói của bà con lối xóm. Hơn 10 ngày nay, kể từ khi báo, đài đồng loạt đưa tin về tình hình căng thẳng trên Biển Đông, bà con xóm giềng thay phiên nhau, lúc thì nấu nồi chè đỗ đen, lúc luộc nồi lạc mới bới sang nhà anh Hùng vừa nắm bắt thông tin, và cũng để động viên gia đình. Bác Nguyễn Đình Ái - nguyên là bộ đội Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải Phòng, có phong thái điềm tĩnh của một người đã từng kinh qua trận mạc, chia sẻ: “Chúng ta hãy vững tâm và tin tưởng vào chính sách đối thoại, đàm phán của Đảng, Chính phủ và các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam!”. Còn vợ anh Hùng - chị Hoàng Kim Liên, mặc dù mới sinh con được mấy tháng cũng tỏ ra rất bình tĩnh bởi chị đã xác định và sẵn sàng đón nhận mọi tình huống từ khi làm vợ lính biển.
 
Cũng trên vùng đất Nghi Lộc anh hùng, chúng tôi còn được gặp gỡ và trò chuyện với gia đình đồng chí Võ Văn Kính – Phó Chính ủy Cảnh sát biển vùng 2. Chị Nguyễn Thị Thanh Hải - vợ anh đang là giáo viên Trường THCS Nghi Tân (Thị xã Cửa Lò). Mấy ngày nay, 3 mẹ con chị lúc nào cũng ngồi trước màn hình ti vi để theo dõi diễn biến tình hình trên Biển Đông. Biết chính xác chồng mình đang làm nhiệm vụ ngoài khu vực biển - nơi đang có những diễn biến phức tạp, mặc dù trong lòng cũng có đôi chút hồi hộp, lo lắng nhưng để động viên 2 cậu con trai (học lớp 10 và lớp 5), chị vẫn cứng cỏi: “Vài hôm nữa bố về, các chú trong đơn vị bảo bố vẫn khỏe, đang tích cực tuyên truyền, đối thoại để phía Trung Quốc rút lui”. 
 
Là chỉ huy, nơi đồng chí Kính trực chiến chỉ đàm thoại được với đất liền bằng đường thông tin vinasat, thế nên chỉ đơn vị trên đất liền đóng ở Đà Nẵng mới nhận được tin của các đồng chí tham gia bám trụ ngoài vùng biển nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Lần nào nhắn về được cho đất liền, anh cũng không quên nói với đồng đội: “Nhắn dùm với vợ con, tôi vẫn khỏe, mọi việc ngoài biển vẫn trong tầm kiểm soát!”
 
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hải tin rằng “Nhất định Đảng, Chính phủ cũng như lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển sẽ tìm ra những giải pháp phù hợp để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ”. Ánh mắt chị chứa chan niềm tin khi nhìn về phía biển, nơi ấy có chồng chị và đồng đội của anh đang chắc tay súng ngày đêm bảo vệ vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc. 
 
Đối với “hậu phương” của những người lính biển, thể hiện lòng yêu nước lúc này là cố gắng chu toàn việc nhà, trở thành “điểm tựa” vững chắc và tiếp thêm sức mạnh để chồng yên tâm bám biển, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chia tay họ, chúng tôi lại nhớ đến câu thơ tha thiết của một người lính biển nhắn gửi người vợ thương yêu của mình nơi quê nhà “Vợ yêu ơi, em có nghe tiếng biển/Lúc gầm vang, lúc rì rào tha thiết/Những ngày này trong mỗi người dân Việt/Tiếng biển cuộn trào, tiếng biển sục sôi/Hậu phương đất liền yên tâm nhé, vợ ơi!...Anh vẫn vững vàng nơi biển đảo xa xôi…”.
 
Thanh Nga - Khánh Ly