(Baonghean.vn) - Câu hỏi 3: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 được xây dựng, thông qua, ký kết như thế nào?
 
Trả lời: Sau 5 năm trù bị (1967 - 1972) và qua 9 năm thương lượng (1973 - 1982), trải qua 11 khóa họp, đến ngày 30/4/1982, Hội nghị của LHQ về Luật Biển lần thứ ba đã thông qua được một công ước mới, gọi là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), với tỷ lệ 130 phiếu thuận, 4 phiếu chống, 17 phiếu trắng và 2 nước không tham gia bỏ phiếu. Sau đó, ngày 10/12/1982, tại Montego Bay (Jamaica), 107 đoàn đại biểu quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ký Công ước. Sự kiện này đánh dấu thành công của Hội nghị LHQ về Luật Biển lần thứ ba, với sự tham gia của trên 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế kể cả các tổ chức quốc tế phi chính phủ, cùng xây dựng nên một Công ước mới về Luật Biển, được nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia không có biển, cùng chấp nhận.
 
images980580_luabien2.jpg
Sau Hiến chương LHQ, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, được nhiều quốc gia ký kết và tham gia. Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 (12 tháng kể từ ngày Guyana, nước thứ 60 phê chuẩn Công ước ngày 16/1 l/1993). Là một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục với hơn 1 .000 quy phạm pháp luật, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.
 
Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 thực sự là một bản hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế bởi Công ước không chỉ bao gồm các điều khoản mang tính điều ước mà còn là văn bản pháp lý điển hoá các quy định mang tính tập quán. Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 thể hiện sự thỏa hiệp mang tính toàn cầu, có tính đến lợi ích của tất cả các nước trên thế giới, dù là nước lớn hay là nước nhỏ, nước có biển hay không có biển. Công ước không chấp nhận bảo lưu mà đòi hỏi các quốc gia phải tham gia cả gói (package deal), có nghĩa là việc phê chuẩn hoặc tham gia Công ước đòi hỏi quốc gia phải có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các điều khoản của Công ước.
 
Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 đã trù định toàn bộ các quy định liên quan đến các vùng biển mà một quốc gia ven biển có quyền được hưởng, cũng như những quy định liên quan đến việc sử dụng, khai thác biển và đại dương, cụ thể là: quy chế pháp lý của tất cả các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; chế độ pháp lý đối với biển cả và Vùng - di sản chung của loài người và các quy định hàng hải và hàng không; việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển bao gồm tài nguyên sinh vật và không sinh vật; vấn đề bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển; việc giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển; quy chế hoạt động của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa, Tòa án Luật Biển quốc tế, Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước...
 
(Còn nữa)