Có mặt tại nhà cụ Quyền vào một ngày Đông hửng nắng, các cụ cao niên trong làng đang hội tụ về đây để sinh hoạt tuồng. Giữa sân, bên ấm nước chè xanh, mọi người quây quần đông vui.
Trong tiếng nhạc rộn ràng, cụ Quyền với trang phục sặc sỡ, đang say mê độc diễn tuồng cổ với trích đoạn “Quang Trung đại phá quân Thanh”. Được xem cụ biểu diễn với điệu bộ oai hùng và giọng tuồng hào sảng ít ai nghĩ rằng cụ đã bước sang tuổi 85.
Sau bao năm binh nghiệp, rồi chuyển ngành, về hưu sống giữa quê hương, cụ vẫn gắn bó và dành cho tuồng cổ một tình yêu đặc biệt.
Cụ thường diễn tuồng vào những dịp lễ Tết, đám cưới, đám thọ ở các gia đình, lễ tế tổ ở các dòng họ, ngày hội đền Đức Hoàng, ngày thành lập các đoàn thể ở địa phương... Vào những ngày này, hễ tổ chức, cá nhân nào mời cụ đi diễn là cụ sẵn sàng tham gia ngay. Nơi gần cụ đi xe đạp, có khi là đi bộ, nơi xa (cách nhà hàng chục km) thì cụ nhờ con cháu hoặc thuê xe chở đi.
Theo cụ: “Mọi người còn nghĩ đến tuồng, còn yêu tuồng, còn muốn xem tuồng là sự vui mừng cho văn hóa truyền thống. Bởi thế dù bận bịu, xa ngái đến đâu, tôi vẫn thu xếp đi diễn cho bằng được”.
Cụ hát tuồng hay bởi chất giọng ấm, vang. Người dân quê mê cụ “nhảy” tuồng, còn vì cả cái cách diễn dân gian sôi động, tự trào. Cụ hát khá nhuyễn các điệu Nam ai, Nam thương, nói hường, nói lối… và thuộc làu nhiều trích đoạn tuồng cổ xa xưa như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lục Vân Tiên hồi trào...
Cụ còn tự tay thiết kế và mua sắm khá nhiều trang phục để diễn tuồng: áo, quần, giày, mũ giáp, trượng, đao, kiếm... Tuy không đếm cụ thể, nhưng thấy cụ mắc dày trên 2 dây phơi và phải trải khắp chiếc chiếu giữa sân thì biết số lượng khá nhiều, phải đến “vài chục thứ”.
Theo cụ Quyền, diễn tuồng không “mềm mại” như diễn chèo, hát tuồng đòi hỏi phải có sức khỏe mới có thể làm điệu bộ dứt khoát, mới thể hiện được cái hào sảng của tuồng, ngược lại hát tuồng cũng là một cách để rèn luyện thân thể.
“Hát tuồng với tôi là sự đam mê, nó không chỉ là sở thích cá nhân, đem lại cho tôi niềm vui trong cuộc sống, mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi sẽ diễn tuồng đến khi không còn sức khỏe nữa thì thôi” - cụ Quyền tâm sự.
Không chỉ diễn tuồng, viết tuồng, cụ còn sáng tác thơ Đường, làm văn điếu… Cụ Quyền được mọi người biết đến như cây tuồng cổ thụ của làng. Cuộc vui nào có cụ là nơi đó tiếng tuồng được lan tỏa.
Trăn trở lớn nhất hiện nay của cụ là thành lập được câu lạc bộ tuồng của xã, để những người yêu tuồng ở Phúc Thành có nơi sinh hoạt, giao lưu, gìn giữ phong trào hát tuồng ở địa phương, đồng thời để cụ truyền lại “gia sản” trang phục “đồ sộ” của mình.
“Tôi mong sớm thành lập được CLB tuồng Phúc Thành để trao gửi những thứ mà tôi đã sắm” - cụ Quyền trăn trở.
Ông Trần Văn Thành - cán bộ văn hóa xã Phúc Thành khẳng định: “Cụ Quyền là người tuổi cao gương sáng, một người say mê tuồng cổ và nhiệt tình với phong trào. Với người dân chúng tôi, cụ là người giữ hồn tuồng cổ và thắp lên tình yêu dân ca nhạc cổ của quê hương”.