(Baonghean) - Những người con Thanh Giang (Thanh Chương) khi nói về quê hương vẫn tự hào về thành Bình Ngô, bến Ba Nghè, đình Bích Thị, về món lòng chợ Phuống, về phong trào thơ ca, và cả niềm say mê nghệ thuật tuồng!
Ông Nguyễn Trọng Dương (87 tuổi), trong đội tuồng xóm Bình Ngô cho biết: “Hồi tôi còn nhỏ, xã Thanh Bích chưa có tuồng. Thế rồi, có đoàn tuồng của huyện khác đến biểu diễn, người dân mê quá nên nhờ họ chỉ dạy cách hát, diễn, cách đánh trống. Người Thanh Giang làm ăn xa, đi xem tuồng ở các xã khác để sưu tầm. Vở tuồng đầu tiên được dàn dựng là vở Trưng Trắc - Trưng Nhị, rồi đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…”. Xã Thanh Bích nổi tiếng hay tuồng. Trong xã có 5 xóm thì cả 5 xóm đều có đội diễn. Người xã khác cũng mời các đội tuồng của Thanh Bích về chỉ dạy. Sau này, kịch bản bị thất lạc, diễn viên người hy sinh ở chiến trường, người định cư nơi khác; những vở tuồng ở thời kỳ đầu tiên bị mất dần và khó dựng lại. Trước năm 1964, các buổi biểu diễn được tổ chức nhiều tại mỗi xóm, về sau chỉ vài năm một lần vào các dịp lễ, tết. Hiện tại, xã còn duy trì được đội tuồng xóm Lam Dinh với vở Lưu Bình – Dương Lễ, và ở xóm Bình Ngô với vở Thanh kiếm bạc nhuộm máu đào.
Phân đoạn vở “Lưu Bình – Dương Lễ” của đội văn nghệ xã Thanh Giang.
Ông Trần Hữu Bá (59 tuổi), đạo diễn vở Lưu Bình – Dương Lễ, cũng là người thủ vai Lưu Bình cho biết: “Việc thành lập đội tuồng ở xóm Lam Dinh xuất phát từ niềm yêu thích nghệ thuật tuồng. Thành viên trong đội là anh em, bạn bè thân quen, chỉ cần một buổi gặp mặt uống nước, gọi điện là có thể tập hợp nhau lại để tập diễn. Buổi tập người đến xem đã đông, chưa nói đến buổi diễn”. Trang phục, cảnh trí từng phân đoạn là do cả xóm góp tiền, góp công để làm. Các diễn viên trong đội, ngày là miệt mài làm ăn, tối đến lại cùng nhau ngâm nga câu tuồng cổ.
Anh Nguyễn Văn Hoan, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Giang từng tham gia diễn vở Thanh kiếm bạc nhuộm máu đào bồi hồi nhớ lại: “Trước năm 1996, đời sống còn nhiều khó khăn. Dân làng nấu cháo mời đội tuồng diễn ở mỗi nhà một buổi. Không có ai mời thì cả đội tự tập. Có thời gian tập cả ngày cả đêm. Đến đêm diễn, để có điện phải thuê bình ắc quy của nông trường. Sân khấu được trang bị 3 cái micro hoa sen treo bằng dây”. Dù hoàn cảnh thiếu thốn như vậy, tinh thần của vở tuồng vẫn được truyền tải đầy đủ.
Phong trào hát tuồng cổ ở xã Thanh Giang được lưu giữ nhờ qua nhiều thế hệ. Ông Trần Hữu Bá cho biết: “Chúng tôi là lớp học trò của cụ Đặng Kim Liên. Năm vừa rồi, tôi có ý định khôi phục lại buổi biểu diễn vở Lưu Bình – Dương Lễ, tôi đến hỏi ý cụ Liên. Lúc này, cụ không thể đi lại được sau lần tai biến. Cụ bảo: “Các chú khôi phục lại thì còn gì bằng. Ngay cạnh nhà ông Trần Hữu Bá là nhà cụ Đậu Văn Hòe (91 tuổi), người đầu tiên diễn vai Dương Lễ, vào năm 1967. Dù cao tuổi nhưng cụ Hòe còn minh mẫn lắm. Cụ còn nhớ như in lời hát để chỉ dạy cho lớp trẻ, nhà cụ cũng là địa điểm tập luyện chính của đội. Để diễn các vai chính, cần có thời gian luyện tập dài, quan trọng nhất là phải có niềm mê say. Lớp thanh niên hiện tại chưa có nhiều người ham mê hát tuồng, đó cũng là nỗi lo của ông Bá, ông Hòe!
Tết năm nay, đội tuồng xóm Lam Dinh tổ chức diễn ở sân vận động Trường THCS Đặng Thai Mai. Trời mưa lâm thâm, buổi diễn bắt đầu từ 8 giờ, đến quá nửa đêm mới kết thúc mà người dân vẫn nán lại xem hết rồi cùng cả đội dọn dẹp sân khấu. Ông Trần Hữu Bá ngậm ngùi: “Gia đình tôi có 4 anh em trai, chỉ có hai người mê tuồng. Anh tôi đóng vai Lý Quốc Công, tôi đóng vai Tương Tử trong vở Thanh kiếm bạc nhuộm máu đào. Mới đây, anh tôi bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư. Buổi diễn bữa Tết vừa rồi, anh tôi yếu lắm, không đi được, vẫn bảo con đến. Buổi tối trước khi qua đời, anh nói con bật đĩa ghi hình buổi diễn cho xem”. Dự kiến vào tháng 7 tới, đội sẽ có buổi biểu diễn tại Lễ khánh thành đình Lam Dinh.
Để phong trào tuồng cổ ở địa phương được duy trì và tổ chức thường xuyên hơn, UBND xã Thanh Giang đã hỗ trợ các đội tuồng một phần kinh phí và cùng tham gia tổ chức buổi diễn. Anh Bùi Văn Giang, Trưởng ban Văn hóa xã Thanh Giang cho biết: “Xã Thanh Giang đã đăng ký ở huyện về bảo tồn tuồng cổ ở xóm Lam Dinh, Bình Ngô. Cuối năm nay sẽ làm lại vở Thanh kiếm bạc nhuộm máu đào do Hội CCB và Đoàn Thanh niên xóm Bình Ngô thực hiện”.
Thanh Giang: Lưu giữ nét văn hóa hát tuồng cổ
Nguyễn Trang