(Baonghean.vn) - Nông dân Nghi Lộc (Nghệ An) đang thu hoạch hành tăm vụ đông xuân. Tuy nhiên, năm nay cây trồng này bị rớt giá một nửa so với năm ngoái vì người dân đổ xô trồng.
Diện tích gieo trồng hành tăm của các xã ở Nghi Lộc vụ này đạt khoảng 180ha, tăng 40ha so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Nghi Lâm, Nghi Thuận, Nghi Văn, Nghi Kiều là những địa phương có diện tích hành tăm lớn nhất trong huyện. Nghi Lộc cũng là địa phương trồng hành tăm lớn nhất tỉnh.
Nghi Lâm là địa phương trọng điểm về diện tích hành tăm của huyện Nghi Lộc với 60ha (tăng 5ha so với năm 2015). Theo bà con nông dân: Giá cả hành tăm đã giảm một nửa so với cùng kỳ, năng suất cũng giảm. Do nhiều địa phương mở rộng hành tăm nên giá thu mua tại các địa phương đã giảm xuống. Qua thu hoạch, ước tính năng suất đạt gần 500kg củ/sào (giảm 300kg/sào so với năm 2015).
Với giá bán từ 17.000 - 20.000 đồng/kg, 1sào hành tăm thu nhập xấp xỉ 10 triệu đồng, mỗi ha hành tăm cho thu nhập xấp xỉ 200 triệu đồng (giảm gần 50% so với năm 2015).
Ông Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm cho biết thêm: “Vụ đông xuân năm 2016-2017, Nghi Lâm sản xuất hơn 60 ha hành tăm (tăng 5 ha so với năm 2015). Diện tích được trồng tại các vùng đất cao cưỡng không chủ động được nguồn nước. Đây là loại cây trồng được đánh giá dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt. Mùa vụ bắt đầu tháng 8 dương lịch hàng năm, bà con nông dân bắt đầu gieo trỉa và thu hoạch vào tháng 3 năm sau."
Còn tại Nghi Thuận, đây là địa phương thuộc vùng sâu trũng hay ngập lụt do đó, năng suất hành tăm không bằng các xã vùng bán sơn địa như Nghi Kiều và Nghi Lâm.
Trần Thị Lương xóm 6 xã Nghi Thuận là hộ dân có thâm niêm trong việc trồng hành cho biết: Nếu như năm trước, thời điểm đắt nhất, giá hành tăm bán trên thị trường cũng từ 50 đến 60 ngàn đồng/kg, rẻ nhất cũng là 30 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, năm nay chỉ dao động ở mức 17 đến 18 ngàn đồng/kg".
Hiện tại, Phòng NN&PT nông thôn huyện Nghi Lộc cũng đang chỉ đạo bà con nông dân vừa thu hoạch hành tăm vừa chăm sóc bón thúc cho cây ngô xen nhằm tăng hiệu quả cây trồng trên cùng đơn vị diện tích.
Hồng Vinh – Thu Hiền
(Đài TTTH Nghi Lộc)