(Baonghean) - Điều quan trọng quyết định hạnh phúc gia đình không hẳn là có con gái hay trai, mà là con cái được giáo dục, thành đạt, hiếu thuận với cha mẹ. Mỗi đứa con do quy định của đặc điểm giới, chưa hẳn con gái ít hiếu thuận hơn con trai, hay ngược lại. Có rất nhiều gia đình sinh con một bề nhưng vẫn có hạnh phúc trọn vẹn khi các con đều chăm ngoan, học giỏi, hiếu thuận với cha mẹ...

Từ trước đến nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã trở thành cố hữu nên việc "sinh con một bề" đang là vấn đề không nhỏ đối với nhiều cặp vợ chồng, đặc biệt với những gia đình "độc đinh" hoặc có vai vế trưởng tộc. 

Chị Lô Thị Nhàn, bản Bành, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, kiêm cộng tác viên dân số của xóm trải lòng: Sống ở trong gia đình gồm 3 thế hệ, chuyện có con trai để nỗi dõi tông đường là áp lực không nhỏ đối với phận làm dâu, làm vợ như chị. Thật lòng, ông bà rất muốn có cháu trai nối dõi. Sau khi sinh cháu thứ 2 cũng là gái, ông bà nội không hài lòng lắm, nhưng vẫn cố động viên: rồi sẽ sinh tiếp thằng cu, nhưng khi biết tin chúng tôi quyết định dừng lại ở 2 con thì ông bà thất vọng, nói bóng gió, hờn trách... rất may nhờ công việc nên tôi đã có điều kiện phân tích, thuyết phục để ông bà hiểu và chấp nhận.
 
Chị đã cùng chồng tập trung mọi điều kiện tốt nhất để nuôi dạy 2 con, cuộc sống gia đình hạnh phúc luôn đầy ắp tiếng cười, cũng từ đó kinh tế gia đình khấm khá lên nhiều. Hiện con gái đầu sinh năm 1996 đang học lớp 11, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, 11 năm liền là học sinh giỏi của trường, năm 2010 cháu đoạt giải Nhì môn Văn của tỉnh, giải Nhất môn Tiếng Anh trong kỳ thi Olympic và được đi thi học sinh giỏi quốc gia. Con gái thứ 2 sinh năm 2004 hiện đang học lớp 3 tại Trường Tiểu học 1 Châu Quang. Trong các năm học, cháu đều đạt học sinh giỏi của trường.
 
image_1417838.jpgTiết mục văn nghệ của bà con xóm Quang Hồng (xã Châu Quang - Quỳ Hợp) trong lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về dân số. Ảnh: Thái Tâm
 
Với chị Trần Thị Nữ, xóm Đông Hà, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, chồng chị là con trai trưởng trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa, do đó anh chị chịu rất nhiều áp lực từ phía gia đình, dòng họ về việc phải có con trai nỗi dõi tông đường. Chị Nữ chia sẻ: "Khi biết vợ chồng dừng lại 2 con gái, gia đình 2 bên nội, ngoại đều kịch liệt phản đối. Nhiều lúc căng thẳng quá, cũng định sinh tiếp để kiếm đứa con trai làm vừa lòng ông bà nội nhưng rồi chính chồng lại động viên rằng con nào chả là con mình, miễn sao nuôi con mạnh khỏe, ngoan ngoãn là tốt nhất. Giờ thì nghĩ lại thấy biết ơn anh ấy vô cùng, vì anh luôn là người có những quyết định sáng suốt cho cuộc sống gia đình". Nhờ dừng lại ở 2 con mà vợ chồng anh chị đã có điều kiện phát triển kinh tế, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện tại con gái đầu của anh chị đang là sinh viên năm thứ 2, cháu thứ hai học lớp 12, là học sinh giỏi nhiều năm liên tục, anh chị là giáo dân gương mẫu “Sống tốt đời đẹp đạo”, được bà con trong cộng đồng tin yêu, liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa.
 
Xã hội phát triển, nhưng rất nhiều người vẫn còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn sinh cho bằng được con trai. Điều đáng nói là nhiều phụ nữ đồng tình với quan niệm đó. Sinh con ra mong cho con được khôn lớn, học giỏi sau này có cuộc sống hạnh phúc là điều mơ ước của các bậc làm cha mẹ. Anh Nguyễn Hoài Nam, ở xã Môn Sơn tâm sự: "Tôi và vợ tôi cưới nhau năm 1992, đến năm 1993 vợ  sinh đứa con đầu lòng là  gái, vợ chồng tôi và gia đình hai bên nội ngoại đều rất vui mừng, vì vợ và con gái tôi đều khỏe mạnh. Rồi cháu thứ hai cũng là gái, 5 năm sau chúng tôi dự định sinh thêm đứa con trai để sau này phụng dưỡng cha mẹ và chăm sóc khi về già. Nhưng nhờ những lời động viên, chia sẻ từ những người đã từng có con gái thành đạt nên tôi vượt qua tất cả mà nuôi dạy 2 cháu học hành nên người. Hai con đều đã tốt nghiệp đại học trưởng thành đỡ đần nhiều cho cha mẹ kể cả vật chất lẫn tinh thần. Từ bản thân gia đình mình, tôi nghĩ không nhất thiết phải có con trai, miễn sao mình có đủ thời gian, điều kiện để chăm sóc chúng khôn lớn, thành đạt, có hiếu với cha mẹ là đủ lắm rồi".
 
Thực tế chúng ta thấy những điều tốt hơn cả, không phải là việc sinh con trai hay con gái mà chính là việc giáo dục con cái trở thành người hữu ích mới là quan trọng. Anh Đinh Văn Xuân, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông cho biết: Vợ anh là giáo viên tiểu học, ngoài thu nhập từ đồng lương của vợ, anh chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng nên gia đình rất khó khăn, nhưng hai con gái anh cố gắng chăm học và vâng lời cha mẹ. Các cháu học rất giỏi, hiện nay con gái lớn đã có việc làm ổn định, đứa thứ 2 đang học lớp 9 Trường THPT Mường Quạ và nhiều năm liền là học sinh giỏi.
 
Còn cháu Đinh Thị Diệp hiện là học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Môn Sơn, Con Cuông tâm sự: "Gia đình cháu có 2 chị em gái, bố mẹ cháu phải lao động vất vả để có tiền chăm sóc hai chị em. Tuy đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng bố mẹ luôn dạy chị em cháu phải biết yêu thương mọi người, cố gắng học tập thật tốt, bởi việc học mới có thể thay đổi được tương lai giúp ích cho gia đình và xã hội. Với những lời khuyên từ ba mẹ, hai chị em cháu cố gắng học thật giỏi. Chị cháu là Đinh Thị Tiên, đang học năm thứ 3 Trường Đại học Nông Nghiệp, bản thân cháu 3 năm qua đều là học sinh giỏi của trường. Điều này khiến cha mẹ cháu rất vui".
 
Nói về gia đình sinh con một bề, bà Lang Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Trong lịch sử Việt Nam dựng nước và giữ nước đã có những phụ nữ Anh hùng như Bà Trưng, Bà Triệu và ngày nay nhiều phụ nữ khác phát huy truyền thống bất khuất, trung hậu, đảm đang... như bà Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, chị Út Tịch... làm vẻ vang truyền thống dân tộc. Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) vừa qua, lần đầu tiên, lễ gặp mặt biểu dương những gia đình tiêu biểu sinh con một bề là gái nuôi dạy con ngoan, học giỏi, thành đạt được tổ chức trang trọng ở Thành phố Vinh.
 
Họ là những gia đình đã vượt lên tư tưởng định kiến trọng nam khinh nữ, chăm lo hạnh phúc nuôi dạy các con nên người. Quan niệm “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ” dần trở nên quen thuộc với hầu hết các gia đình. Lợi ích từ KHHGĐ mang lại là không nhỏ, nó không những góp phần tạo nên hạnh phúc cho mỗi gia đình mà còn giảm bớt gánh nặng nhu cầu về giáo dục, y tế, nhà ở... từ đó giúp ích cho toàn xã hội, cộng đồng. Điều quan trọng hơn cả không phải là việc sinh con trai hay con gái, mà chính là việc giáo dục con cái trở thành người hữu ích. Do vậy, việc đấu tranh cho bình đẳng giới cũng như chống bạo hành gia đình là hình thức cân bằng quan niệm trong việc sinh con một bề.
 
Phạm Ngân