(Baonghean) - Đã thôi làm công tác dân số 2 năm nay, nhưng người dân Diễn Đoài (Diễn Châu) vẫn quen gọi bác Nguyễn Duy Cao là “bác Cao dân số”. 11 năm, hình ảnh người CCB với bộ quân phục đã bạc màu, lúc nào cũng tất tả trên chiếc xe đạp đến từng ngõ, từng nhà… đã trở nên thân thuộc với người dân nơi đây...
Trưa ấy, chúng tôi tìm đến nhà bác Nguyễn Duy Cao ở xóm 15 - Diễn Đoài đúng lúc bác đang bận rộn với hàng trăm con vịt đẻ trong chuồng và đàn cá dưới ao. Nghe tiếng anh Tịnh - Bí thư Đảng ủy xã gọi mình, bác Cao tay lấm tấm cám, quần đang ống thấp, ống cao vội vàng bước vào sân. Được giới thiệu có phóng viên đến nhà, bác Cao hơi bất ngờ: "Rứa mà tui cứ tưởng chú đến để thay đổi kịch bản lễ kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam sắp tới chứ". Bác Cao mời chúng tôi vào bàn uống nước. Đưa chén trà về phía khách, bác hồ hởi giải thích: “Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam (26/12) là bà con trong xã lại sôi nổi các hoạt động văn hoá, văn nghệ, xóm này múa hát, xóm kia diễn kịch. Mỗi xóm 2 tiết mục, rất đông bà con trong xã đến "sân khấu làng" tại trụ sở ủy ban xã để chung vui...”.
Anh Tịnh giới thiệu thêm với tôi: Bác Cao đã có 14 năm làm y sỹ quân đội ở chiến trường miền Nam và chiến trường Cam-pu-chia. Xuất ngũ về địa phương, tỷ lệ mất sức 61% (là bệnh binh 3/4), bác vẫn hăng hái tham gia công việc xóm, xã. Thế nhưng, dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người dân Diễn Đoài vẫn là “ông dân số”. Suốt từ năm 1999 đến năm 2011, bác Cao gắn bó với chiếc xe đạp và mọi ngõ, ngách xóm, làng.
Thấy tôi nhìn vào chiếc bàn phía trong, nơi có những chồng tài liệu và tờ rơi về dân số được xếp ngay ngắn, với ánh mắt ngạc nhiên, bác Cao giải thích: “Tuy tui không làm công tác dân số nữa, nhưng hiện nay có con gái đang “nối nghiệp”. Thật may, vì nó cũng yêu công việc, lại được cha truyền kinh nghiệm cho nên làm cũng thấy được bà con yêu mến”. Nói rồi, bác Cao giở lại cho tôi xem hàng chục cuốn sổ trong những năm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” của mình. Từng trang, từng trang được ghi chép rất cẩn thận, rõ ràng: Ngày, tháng, năm…: Buổi sáng đi tuyên truyền nhóm hộ có ý định sinh con thứ 5, thứ 6; buổi trưa gặp nhóm hộ đã có nhiều con nhưng sinh một bề và muốn có thêm con. Buổi chiều đến các hộ sinh con một bề, buổi tối gặp gỡ gia đình hai con… Công việc các ngày như thế là gần như kín mít. Tôi hỏi: “Bác đi nhiều như thế, bác gái vẫn đồng ý sao?”, bác Cao cười: “Nhớ ngày mới nhận chức cán bộ chuyên trách dân số, khi ấy con thứ 4 của vợ chồng tui đã bước sang tuổi thứ 10. Vợ tui lo lắng nói: "Vợ chồng mình sinh tận 4 người con, liệu có ai nghe mình không?", tui trả lời vợ: "Thời mình khác, thì vậy mới cần đến tui đây". Bà ấy vẫn lo:"Chị em phụ nữ làm mà nỏ được, ông liệu có làm nổi không? Vận động bên lương đã khó, bên giáo còn khó hơn nữa vì chạm đến tín ngưỡng của bà con. Không khéo léo, cẩn thận thì bà con người ta cười cho ấy chứ". Nói thì nói vậy, bà ấy thấy tui quyết làm thì lại quay sang động viên: “Nếu ông nhiệt tình, tâm huyết thật sự thì chắc chắn sẽ làm tốt, tui tin, còn các con để đó tui lo".
Xã Diễn Đoài những năm 1999 trở về trước bị xếp vào xã có mức sinh cao trong huyện, tỷ lệ sinh con thứ ba chiếm 31%. Xã có 3 xóm giáo, những năm đó tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm tới 40-45% số hộ. Thế rồi, bằng những trăn trở của đội ngũ cán bộ, bằng cách tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” của bác Cao, tỷ lệ ấy giảm dần hàng năm. Hiện tại, chỉ còn 25% tỷ lệ sinh con thứ ba toàn xã. Các xóm giáo giảm còn 30%. Nhiều xóm 1 đến 2 năm liền không sinh con thứ ba, trong đó xóm 15 của bác Cao từ năm 2009 đến nay chưa có trường hợp nào sinh con thứ ba trở lên.
Bác Cao chia sẻ: “May tui có cái thuận là có 14 năm làm về nghề y ở chiến trường. Vậy nên trong xóm, trong xã có người bị thương, ốm, sốt vẫn thường gọi đến tui. Đối với bà con, tui là người thân thiết”. Công việc của một thầy thuốc đã mang lại uy tín, sự tin cậy cho bác, nhưng trên hết vẫn là tấm lòng. Người ta thấy bác tận tâm, bỏ công bỏ sức để lo cho “cái nồi cơm” nhà mình thì dần dần cũng hiểu ra. Mà không chỉ có chuyện “cái nồi cơm” thôi, còn là chuyện tình, chuyện nghĩa, chuyện có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống, là chuyện học hành, chuyện đổi mới của quê hương nữa. Ai mà không muốn gia đình mình khá lên, con cái được học hành, có nếp nhà khang trang mà ở, làng xóm có con đường đẹp mà đi, mà thông thương với huyện, với tỉnh và với nhiều nơi khác nữa… Hóa ra, chuyện sinh đẻ đâu phải chuyện riêng của nhà ai, mà liên quan đến cả xóm, làng và cả xã hội. Những câu chuyện tỷ tê của bác Cao là thế, có thể nói ở trên đồng, khi đi bắc mạ, khi đi thăm ốm, đi đám cưới, đám gặt, khi quay quần làm chổi đót… Bác lấy ví dụ rất sát thực. Nào là chuyện của nhà anh Tư ở xã Diễn Đồng bên cạnh sinh nhiều con. Những đứa con “trứng gà, trứng vịt” cứ thế dắt díu nhau lớn lên. Không biết là bố có nhớ nổi hết tên con không nữa. Đông con, nên đương nhiên những đứa lớn phải nghỉ học. Có cô con gái 17 tuổi, đã đi lấy chồng. Lại là vòng tròn luẩn quẩn, lấy phải anh chồng nhận thức hạn chế, tính khí trẻ con, về làm dâu mà con anh Tư bị chồng đánh đập liên tục. Thương con, thế là vợ chồng anh lại phải đưa con về nhà cưu mang. Rồi chẳng đâu xa lạ, đối lại với vợ chồng anh Tư, là chuyện vợ chồng bác Lương, bạn của bác Cao ở xã Diễn Tân. Ông ấy thi thoảng vẫn rảnh rỗi tới nhà bác Cao chơi.
Bác kể với bà con: “Cái bác Lương sinh 2 con gái thế mà sướng. Ngày dừng ở 2 con gái không sinh nở nữa, người trong họ, trong làng cứ dèm pha đủ đường. Nào là bác cả mà không gắng kiếm đứa nối dõi là không được. Sau này, bác ấy có chết, không ai chống gậy cho mô. Rồi “nhường ngôi trưởng họ” đi. Ấy rứa mà bác ấy vẫn không xao động chi hết. Bác ấy nói với vợ, mình có hai gái nhưng chúng ăn học đến nơi đến chốn là được. Đúng là hai cháu nhà bác Lương được chăm sóc, tạo điều kiện học hành, trưởng thành cả. Ra Hà Nội học, lấy chồng ngoài đó, các con rể đều giỏi giang, thành đạt. Bây giờ vợ chồng bác Lương chỉ lo vui thú điền viên, hàng năm còn được các con mời đi tham quan trong nước, ngoài nước đủ cả…”.
Ngày đi tuyên truyền, chỉ đạo, giúp đỡ cộng tác viên thôn, xóm, đêm về bác Cao vẫn thao thức và trăn trở làm cách nào tuyên truyền có hiệu quả, để mỗi người dân đều thực sự nhận thức được, chứ không phải làm để lấy thành tích. Vậy là lại bật dậy, cắm cúi bên ngọn đèn bàn tìm tài liệu, đọc thật kỹ. Bác dày công nghiên cứu các chính sách, tài liệu liên quan đến dân số để tham mưu chính quyền địa phương tìm ra cách làm hay, mới như mở các đợt chiến dịch gắn với truyền thông một năm 2 đợt. Hàng năm, đến dịp kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam (26/12), ngày Dân số thế giới (11/7) bác vận động bà con trong các thôn, xóm tham gia văn nghệ, kịch chủ đề dân số…
Bác tâm sự: "Bí quyết" tuyên truyền của mình không phải cứ đến nhà phát tờ rơi, hô hào khẩu hiểu. Tất cả đều phải bắt đầu từ trò chuyện tâm tình đến sẻ chia, phân tích. “Tui luôn lưu ý những bậc bố mẹ có con sắp cưới vợ, gả chồng; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và đặc biệt là các cặp vợ chồng sinh con một bề”.
Trong rất nhiều kỷ niệm, bác Cao vẫn nhớ một chuyện của những năm đầu làm công tác dân số. Đó là một đêm mùa đông giá rét năm 2000, ở xóm 3, là xóm của bà con giáo dân, có trường hợp chị Hồ Thị Hải đột ngột chuyển dạ. Nghe có người báo, sản phụ đang đau quằn quại, anh chồng vẫn chủ quan nói “chưa đẻ mô, đau tý là khỏi” và không chịu đưa tới bệnh viện. Hỏi ra, bác được biết, chị Hải khi mang thai đứa con đầu lòng sang tháng thứ 9, cũng đã từng bị một cơn đau như thế khi 2 vợ chồng chị đi hái bội thông. Chẳng phải mất công đi trạm xá, qua cơn đau dữ dội, vợ chồng gánh bội thông về nhà như thường. Mãi gần 3 tuần mới sinh, cả hai vợ chồng cứ nghĩ lần này chắc cũng như lần trước. Lúc đó, đã gần 22 giờ đêm, bác Cao vội vã chạy gần 1 cây số trong đêm tối, mưa lạnh đến nhà chị Hải. "Chú chuẩn bị đồ mau lên, vợ chú vỡ ối rồi", bác vừa nói vừa dìu chị Hải đến bệnh viện. Rất may, chị Hải đến viện kịp thời, được truyền để đẻ chỉ huy nên sau 4 giờ đồng hồ "mẹ tròn con vuông". Bế cậu con trai trên tay, anh Hải mới thực sự… run vì nhận ra mình đã quá chủ quan và hết lời cảm ơn bác Cao!
Câu chuyện “ông Cao dân số” cứu vợ con nhà Hải từ đó được bà con xóm giáo truyền tai nhanh chóng, “Công việc truyền thông của tui, nhờ thế cũng khá thuận lợi", bác Cao cười. “Nói vui thế, chứ điều quan trọng tui hiểu rằng, muốn nói để dân tin, dân nghe và thực hiện, mình phải gương mẫu, làm trước. Bà con chỉ tin và làm theo khi tận mắt nhìn thấy. Thế nên tui lấy cả “gương” mình ra mà kể. Sinh 4 đứa vất vả thế nào, giờ đã nhận thức ra sao. Và khi đã nhận thức được rồi, phải cố gắng mà thay đổi”. Thế nên mặc dù bận bịu với công việc dân số, nhưng bất cứ khi nào rảnh một chút là bác Cao lại hì hụi đào ao, thả cá, chăn nuôi vịt đẻ. Trang trại ao, chuồng của gia đình bác từ năm 2005 đến nay, mỗi năm từ thu nhập gần 200 triệu đồng. 4 người con thì 3 người đã có gia đình, trai, gái, dâu, rể đều có công việc ổn định.
Từng chứng kiến những tâm huyết và sự lặn lội của cha mình cho công tác dân số, Nguyễn Thị Dung (con gái bác Cao) rất thương và cảm phục. Và Dung đã quyết tâm “nối nghiệp” cha để làm một chuyên trách dân số xã. Sau khi bác Cao nghỉ, chặng hành trình “đi từng ngõ, gõ từng nhà” được Dung đảm nhận. Em cho biết, những gì thuận lợi hôm nay, chính là do có mồ hôi, công sức của cha. Dẫu bây giờ cha không làm chuyên trách, nhưng ông đã trở thành tuyên truyền viên, cộng tác viên tích cực của con mình...
Điều day dứt lớn nhất của bác Cao chính là ở người con út. "Trong 4 người con thì thằng út Dinh thiệt thòi nhất, bị nhiễm chất độc da cam, vì thế đôi lúc có biểu hiện không bình thường, không làm chủ được bản thân”, bác Cao ngậm ngùi. Gần năm nay, vợ bác vào Hậu Giang trông cháu nội, việc nhà và chăm con trai út 23 tuổi một tay bác quán xuyến...
An Ngọc