(Baonghean) - Các cơ chế chính sách về quản lý tài chính doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ và được điều chỉnh, bổ sung. Hoạt động này giúp công tác quản lý phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và tình hình thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa; thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Từ đó, giúp doanh nghiệp có vốn tập trung đầu tư vào lĩnh vực, ngành kinh doanh chính, tránh đầu tư dàn trải, hạn chế thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Về số lượng doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, trong giai đoạn 2011 - 2015 đã sắp xếp được 588 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 508 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 80 doanh nghiệp. Tổng giá trị thực tế doanh nghiệp của 508 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng.
Tình hình thực hiện thoái vốn cho thấy, kết quả thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng (số thu về giảm so với sổ sách do Tập đoàn Dầu khí thoái 800 tỷ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam thoái 1,3 tỷ đồng với giá 0 đồng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước). Riêng SCIC đã tiếp nhận 67 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách kế toán là 1.666 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp SCIC tiếp nhận từ khi thành lập đến nay lên gần 1.000 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 8.722 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn tại 411 doanh nghiệp, với doanh thu bán vốn đạt 8.726 tỷ đồng, giá vốn 3.595 tỷ đồng, thặng dư bán vốn hơn 5.130 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị sổ sách.
Năm 2016 đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó có 6 tổng công ty nhà nước, 3 Tổng công ty đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đang triển khai xây dựng phương án cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt (Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty IDICO, Tổng công ty HUD). Tổng giá trị thực tế của 56 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 24.390 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 56 đơn vị là 24.379 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.937 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.670 tỷ đồng, bán cho người lao động 388 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 8 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.374 tỷ đồng.
Đối với hoạt động thoái vốn, năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng. Trong đó, tại 5 lĩnh vực nhạy cảm, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng. Giá trị thu về thấp hơn giá trị đã đầu tư do Tổng Công ty Thanh Lễ thoái 100,6 tỷ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ, thu về 18,3 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm đạt 1.578 tỷ đồng, thu về 2.273 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn tại 67 doanh nghiệp với giá trị là 1.577 tỷ đồng, thu về 4.116 tỷ đồng.
Đánh giá những kết quả đạt được, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2011 - 2015 và năm 2016, các đơn vị đã thực hiện triển khai đề án tái cơ cấu DNNN và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Về cơ bản, thời gian qua các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN đã tích cực triển khai đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã được ban hành đầy đủ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện. Hiệu quả hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa từng bước được nâng cao. Số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp đạt kế hoạch theo đề án tái cơ cấu được duyệt.
Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm lĩnh vực nhạy cảm được triển khai quyết liệt. Quản trị doanh nghiệp tiếp tục được đổi mới, thể hiện qua các khâu sau: Đổi mới quản trị về vật tư và tài chính; đổi mới quản trị về tổ chức; đổi mới quản trị về khoa học công nghệ.
Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu của tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020, DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp kinh doanh. Thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng miền.
DNNN thực hiện đầu tư vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ; hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mang tầm chiến lược, có tính dẫn dắt, định hướng xây dựng nền kinh tế tri thức, có hàm lượng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế. Các DNNN thực hiện kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế; hoạt động của DNNN phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Sông Hồng