(Baonghean) - Khi nghe, xem các phương tiện truyền thông đưa tin liên tục về Lễ hội Cam Cao Phong (Hòa Bình), không khỏi chạnh lòng nghĩ đến cam Vinh.
Về chất lượng và danh tiếng cam Cao Phong khó lòng sánh được với cam Vinh. Khi cam Cao Phong có giá xấp xỉ 20.000 đồng/kg, thì cam Vinh đã được bán với giá từ 30.000 – 50.000 đồng/kg. Vì vậy, trên thực tế, nhiều thương lái vẫn mua cam Cao Phong để bán ở các nơi, kể cả ở Nghệ An với danh nghĩa cam Vinh.
Mặc dù mới được cấp chỉ dẫn địa lý vài ba năm gần đây, nhưng tỉnh Hòa Bình và huyện Cao Phong đã tổ chức quản lý, quảng bá và phát triển thương hiệu một cách khá bài bản. Lễ hội Cam Cao Phong là một trong những hình thức quảng bá rất hiệu quả. Bên cạnh đó hiện nay năng suất cam Cao Phong cũng đang cao hơn Cam Vinh (có thể do vùng trồng cam Cao Phong hầu hết là vùng đất mới “nhiệm kỳ đầu” trồng cam), cho nên hiệu quả kinh tế do cam mang lại là khá cao.
“Cam Vinh” vốn là tên gọi dân gian để chỉ cam có xuất xứ từ vùng Phủ Quỳ Nghệ An những năm 1960, 1970. Năm 2007, khi xác lập chỉ dẫn địa lý cho cam quả Nghệ An, người ta đã thống nhất chọn “Vinh” để đặt tên, nhằm khai thác tối đa lợi thế của một thương hiệu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước (dù rằng trên thực tế thì thành phố Vinh không hề trồng cam, hoặc nếu có thì cũng chỉ để pha nước… chanh!).
Theo đó vùng chỉ dẫn địa lý Cam Vinh bao gồm: Xã Đoài (Nghi Lộc); huyện Nghĩa Đàn; thị xã Thái Hòa; huyện Quỳ Hợp; huyện Tân Kỳ, với tổng diện tích trên 1.800ha. Về giống, cam Vinh bao gồm: Xã Đoài 1 (cam Xã Đoài trồng tại Xã Đoài); Xã Đoài 2 (cam Xã Đoài trồng ở vùng khác); Vân Du và Sông Con.
Mấy năm gần đây, diện tích trồng cam ở Nghệ An đã và đang tăng rất nhanh, đồng thời có thêm một số giống cam mới cho năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, về mặt pháp lý những vùng trồng cam và những giống cam mới đó không (hoặc chưa) thuộc chỉ dẫn địa lý Cam Vinh.
Được cấp Chỉ dẫn địa lý đã gần mười năm (tại thời điểm được cấp Cam Vinh là chỉ dẫn địa lí thứ 13 của toàn quốc), mặc dù cũng đã có một số hoạt động, nhưng có thể nói việc quản lý, quảng bá và phát triển thương hiệu Cam Vinh đang rất yếu. Cả về quản lý nhà nước (UBND tỉnh Nghệ An giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm chính) cũng như quản lý nội bộ (Hiệp hội sản xuất và kinh doanh cam Vinh) hầu như đang bị buông lỏng.
Một việc rất đơn giản thôi là nhãn hiệu Cam Vinh đã được cấp độc quyền, nhưng cũng chỉ có một đôi nơi, một đôi lần sử dụng. Đại bộ phận cam Vinh đang được bán ra thị trường mà không hề có nhãn hiệu, hoặc mang những nhãn hiệu do các chủ vườn tùy đặt. Chính vì chưa thực thi việc quản lý chỉ dẫn địa lý trên thực tế, nên không những thương hiệu Cam Vinh chưa được quản lý, quảng bá và phát triển tốt, mà việc xử lý những hành vi xâm phạm đến chỉ dẫn địa lý Cam Vinh cũng chưa được thực hiện. Hậu quả là một tài sản quốc gia, một đặc sản quý, có tiềm năng thương mại lớn, có thể trở thành một sản phẩm hàng hóa chủ lực của Nghệ An, vẫn phát triển chủ yếu trong tình trạng tự phát, “cha chung không ai khóc”.
Gần đây đã có một số cuộc hội thảo bàn về việc quản lý và quảng bá, phát triển chỉ dẫn địa lý Cam Vinh. Rất hy vọng là bắt đầu từ mùa cam năm nay sẽ có những động thái tích cực từ phía các cơ quan nhà nước và những người trồng cam.
Tỉnh ta đã quy hoạch phát triển cây có múi đến năm 2020, trong đó quản lý, quảng bá và phát triển chỉ dẫn địa lý Cam Vinh cũng được coi là một giải pháp quan trọng. Trong khuôn khổ bài này tôi chỉ xin đề xuất mấy ý kiến nhỏ, cần làm ngay:
1- Cần chấn chỉnh ngay công tác quản lý nhà nước đối với chỉ dẫn địa lý Cam Vinh. Theo quy định pháp luật hiện hành chỉ dẫn địa lý Cam Vinh là tài sản quốc gia, được giao cho UBND tỉnh Nghệ An quản lý. UBND tỉnh Nghệ An đã ủy quyền cho Sở Khoa học và Công nghệ quản lý. Sở KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng chỉ dẫn địa lý thực thi ngay các biện pháp quản lý theo luật định.
2- Cần kiện toàn và củng cố Hiệp hội sản xuất và kinh doanh cam Vinh. Hiệp hội là tổ chức thực thi và quản lý nội bộ chỉ dẫn địa lý Cam Vinh, cần phải thực thi các giải pháp quản lý về kỹ thuật và chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt tổ chức sử dụng lô gô Cam Vinh và hệ thống nhận diện thương hiệu đã được bảo hộ độc quyền, coi đây là giải pháp để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt cam Vinh với các sản phẩm khác. Việc sử dụng hệ thống nhận diện thương hiệu Cam Vinh cũng là cơ sở để xử lý các hành vi buôn bán cam giả, nhái nhãn hiệu Cam Vinh. Khi sử dụng nhãn hiệu cần lưu ý, ngoài nhãn hiệu (lô gô) Cam Vinh, cần ghi rõ trên bao bì là cam sản xuất ở đâu, giống cam gì (ví dụ: cam giống Xã Đoài 2, trồng tại trang trại ông Nguyễn Văn A, xã B, huyện Quỳ Hợp…).
3- Tổ chức khảo sát, nghiên cứu để đề xuất cơ quan có thẩm quyền bổ sung một số vùng trồng cam (ở Con Cuông, Anh Sơn, Yên Thành…) và một số giống cam mới có chất lượng tốt (như cam V2, cam Minh Thành...) vào chỉ dẫn địa lý Cam Vinh.
4- Nhân Lễ hội Cam Cao Phong của tỉnh bạn Hòa Bình, tôi đề nghị Nghệ An cũng nên nghiên cứu tổ chức Lễ hội Cam Vinh và các hình thức quảng bá khác. Nghệ An đã tổ chức được Ngày hội hoa hướng dương đầu tiên tại huyện Nghĩa Đàn. Trong kế hoạch của UBND tỉnh có nội dung trưng bày, quảng bá các sản phẩm của các huyện miền Tây.
Nghĩa Đàn cũng thuộc vùng chỉ dẫn địa lý Cam Vinh, địa điểm tổ chức ngày hội nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, thời gian tổ chức cũng trúng mùa Cam Vinh chín rộ. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo và yêu cầu các địa phương có cam Vinh (nhất là Hiệp hội Cam Vinh và huyện Quỳ Hợp) vào dịp tổ chức ngày hội những năm sau tổ chức các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm một cách bài bản. Sản phẩm trưng bày và bán ở đây nên gắn nhãn hiệu chính thức của Cam Vinh, được chọn lọc và phân loại, có bao bì đẹp và tiện dụng. Tôi tin là sẽ thành công!
Phạm Xuân Cần
(Phó Giám đốc Sở KH&CN)