(Baonghean.vn) - Khoảnh khắc quan trọng nhất của Tết Nguyên đán chính là giao thừa. Ở Nhật Bản, sau 11 giờ đêm cho đến giao thừa hàng ngàn người đổ về đền chùa để viếng thăm, mua bùa, mua bài vị, để cầu an cho năm mới an khang thịnh vượng. Ở nước ta, phút giao thừa cũng gắn với các phong tục tập quán như: làm mâm cỗ để cúng, đi chúc tết , xông nhà và không thể không nhắc đến tục "hái lộc".

762506_small_46761.jpgXuất hành, hái lộc đầu năm mới là tục lệ của nhiều người Việt. Ảnh: VNE
Tục hái lộc đầu xuân được ghi nhận và tồn tại trong tâm tưởng và đời sống tâm linh của con người Việt Nam ta hàng đời nay. Trong những điều mà con người khát khao ao ước nhất là: Phúc - Lộc - Thọ, được thể hiện qua biểu tượng Tam Đa nổi tiếng.

Cầu lộc là nhu cầu của người dân thể hiện mong muốn viên mãn về của cải, về con cái, gia đình, ân đức…Các bạn trong cuộc đời của mình chắc chắn cũng đã đôi lần với tay hái lộc để thực hiện sự cầu may mong muốn và thành đạt.

Vâng! Thật là yên lòng khi trong thời gian chuyển giao năm cũ và năm mới gia đình có được một cành lộc biếc mơn mởn đầy sức xuân với lời ước tốt lành. Cái đẹp và ý nghĩa nhân sinh của tục hái lộc bây giờ chẳng có ai phủ nhận. Và như vậy, tục hái lộc đầu xuân có thể diễn ra ở bất kỳ địa điểm nào. Vấn đề là chúng ta hái lộc ở đâu và hái như thế nào cho phù hợp.

Trước đây, địa điểm hái lộc thường là tại gia và xin lộc tại chùa. Ở gia đình, sau khi bày cỗ để cúng giao thừa thì gia chủ ra vườn hái một cành lộc đem vào nhà để mọi người cùng xem và trân trọng cắm vào lọ hoa treo lên vách hay đặt lên bàn thờ gia tiên.

Có nhiều nơi sau khi hái người ta còn suy đoán vận hội của cá nhân hay gia đình bằng cách bói lộc, nghĩa là nếu được nhành lá, quả đẹp, nhiều lộc sai quả, hình thể lạ thì sẽ gặp may mắn phát tài trong năm mới. Có trường hợp nhà không có vườn, trước giờ giao thừa gia chủ lên chùa lễ phật rồi sau đó xin một nhành non do nhà chùa chuẩn bị sẵn gọi là lộc cầu may do Phật ban lấy phước cho gia đình mình.

Tuy nhiên, để cầu may con người có thể thực hiện điều ước (hái lộc) ở bất kỳ nơi nào. Nam thanh nữ tú trong khi vãn cảnh xuân nơi danh lam thắng cảnh hay trong vườn xuân ít ai cưỡng được hái chút lộc. Hái lộc đầu xuân là một hành động của sự giao hoà giữa con người - trời đất và thiên nhiên. Trong chốn vũ trụ mà trung tâm là mối quan hệ: Thiên - Địa - Nhân, hái lộc không chỉ thể hiện sự hoà đồng của sự khát khao sinh sôi giữa con người với trời đất. Dù sao, nhành lộc đầu xuân mà con người hái được như là vật trung chuyển sinh lực của đất trời đến với con người để vạn vật sinh sôi.

Vì lẽ đó cho nên lộc ở đây chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Tục này sẽ đẹp và giàu ý nghĩa nếu con người hiểu đúng bản chất của phong tục. Dù xin lộc ở nhà hay ở chùa, ở nơi vãn cảnh… thì nên nhớ đây chỉ là nhành lộc nhỏ xíu mang sức nặng biểu tượng chứ không phải là to nhỏ.

Có lẽ do không hiểu đúng mà trong thực tế nhiều năm gần đây tục hái lộc đầu xuân đang biến tướng thành tệ phá rừng, phá cây làm mất cân bằng môi trường sinh thái. Cây bên đường phố, đường làng, trong vườn sinh thái... nhiều khi xơ xác đến tang thương. Nhất là nam thanh nữ tú hào hoa là thế, xinh đẹp là thế, trong không khí xuân mơn mởn cứ vô tư bẻ, chặt, vít cả cành lớn rồi nghênh ngang ngoài đường. Họ cho rằng có được cành lộc to thì lộc càng nhiều. Nhưng họ đâu biết rằng vì hiểu sai lệch ý nghĩa triết lý nhân sinh của một phong tục mà biến thành hành động phá hoại môi trường.

Mong sao tục hái lộc đầu xuân được hiểu đúng ý nghĩa của nó, là một nét văn hoá của dân tộc Việt Nam ta.
Hữu Đào