Bạch Mã - "đệ tam linh" xứ Nghệ

Hàng năm vào ngày 9,10/02 âm lịch, huyện Thanh Chương tổ chức Lễ hội đền Bạch Mã để tưởng nhớ công ơn của vị tướng Phan Đà - người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược vào thế kỷ XV.

762509_small_46802.jpg
Lễ hội năm nay sẽ được tổ chức trang nghiêm, thành kính vừa đảm bảo các yếu tố văn hoá tâm linh vừa phong phú về phần hội, nhằm thu hút đông đảo du khách về tham gia. Phần lễ bao gồm: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước thần, lễ đại tế và lễ tạ. Riêng phần hội, năm nay, Ban tổ chức có kế hoạch chỉ đạo các xã, thị trên địa bàn huyện tham gia chương trình văn nghệ quần chúng; phối hợp với Huyện đoàn tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông mở rộng; tổ chức thi Người đẹp lễ hội...

Bên cạnh đó, khuyến khích nhân dân địa phương tham gia các trò chơi dân gian như: vật cù, kéo co, đua thuyền, chọi gà...Ông Trần Duy Hưng- GĐ Trung tâm văn hoá thông tin thể thao huyện Thanh Chương cho biết: "Để lễ hội diễn ra an toàn, nghiêm túc, tiết kiệm và thiết thực, Ban tổ chức phối hợp với công an huyện, các đội thanh niên tình nguyện bảo vệ an ninh trật tự và an toàn giao thông trong dịp lễ hội; thành lập đội kiểm tra VSATTP kiểm tra các cơ sở kinh doanh ăn uống, phục vụ du khách...Thực hiện nghiêm quy chế lễ hội, kiên quyết không để xảy ra các biến tướng như: các trò chơi cờ bạc trá hình, đốt vàng mã bừa bãi, các hoạt động mê tín dị đoan...


Để phục vụ lễ hội năm nay, UBND huyện đã kêu gọi các tập thể, cá nhân, con em quê hương làm ăn xa quyên góp tiền công đức trên 900 triệu đồng nhằm trùng tu, tôn tạo lại di tích. Sắp tới, sẽ tiến hành nâng cấp đường vào đền, xây tường bao bảo vệ, lát gạch và hoàn thiện nhà trù (nhà chờ phục vụ du khách nghỉ ngơi), mua sắm bổ sung đồ tế khí...


Lễ hội đền Bạch Mã sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách vào dịp đầu Xuân, là nơi để mỗi người tìm về chiêm bái, thể hiện lòng thành kính, tri ân với các bậc tiền bối đã có công bảo vệ và xây dựng đất nước.

 

Huyền thoại Mường Ham

Lễ hội Mường Ham là lễ hội văn hóa truyền thống sớm nhất trong năm của đồng bào Thái mới được khôi phục từ mùa Xuân năm 2006, được tổ chức từ ngày 5-7/2 âm lịch tại xã Châu Cường - Quỳ Hợp.

Đây cũng là lễ hội lớn nhất của huyện miền núi Quỳ Hợp gắn với những câu chuyện truyền thuyết và những nhân vật huyền thoại như: Tạo Khủn Tướng, Tạo Khủn Tinh, Nàng Nang Ni, Nàng Et Khay và nhân vật lịch sử Tạo Nọi- người có công giúp dân đánh đuổi giặc, khai phá đất rừng hoang lập nên Mường Ham rộng lớn nay là các xã Châu Cường, Châu Hồng, Châu Thái, Châu Sơn, Châu Quang huyện Quỳ Hợp. Đây là đền thờ nhánh của Đền chín gian thuộc huyện Quế Phong. Vì thế không chỉ bà con người Thái ở Quỳ Hợp mà cả ở các vùng lân cận như Quỳ Châu, Quế Phong cũng về vui hội.


Để chuẩn bị cho Lễ hội Mường Ham, ngay từ mồng 1 đến 15 tháng Chạp, các xã đã tiến hành chu đáo công tác tổ chức chuẩn bị cho lễ hội như thực hành dựng trại, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ... để đến mồng 5 Tết có thể chủ động tiến hành lễ hội. Ngày mồng 5 đến mồng 6 Tết, sau khi khai mạc lễ hội, dựng hội trại, làm lễ khảy tủ khảy cỏn, uống rượu cần, liên hoan dân nhạc, dân vũ và các trò chơi, vào tham quan hang Pựn Pang, động tiên Nang Ni... Ngày mồng 7 Tết làm lễ khai hạ, chấm thi các nội dung tham gia và công bố các giải thưởng. Sau khi bế mạc lễ hội, chuyển sang tuần lễ "Hành hương về Mường Nọi" kéo dài cho đến 16 tháng Giêng âm lịch. Trong suốt tuần lễ này, chính quyền sở tại (xã Châu Cường) sẽ tổ chức đón tiếp và hướng dẫn nhân dân ở các nơi khác đến tham quan Mường Nọi và thắp hương tại đền thờ Tạo Nọi.


Thanh PhúC - Gia Huy