Đầu năm 2018, chợ Hưng Đông (TP. Vinh) được cắt băng khai trương chính thức đi vào hoạt động. Chợ Hưng Đông được xây dựng trên diện tích 3.600 m2 gồm 1 đính chính và 2 dãy ki-ốt bán hàng và các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, mương tiêu thoát nước thải… với tổng vốn đầu tư 5,7 tỷ đồng.

Chợ Hưng Đông khai trương đưa vào hoạt động được kỳ vọng phục vụ nhu cầu kinh doanh trao đổi hàng hóa của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, góp phần chấn chỉnh tình trạng chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn khai trương, chợ không có người đến mua bán.

bna_image_5830191_1792019.jpgChợ Hưng Đông được đầu tư hơn 5 tỷ đồng nhưng người dân không muốn họp, gần như bỏ hoang gần 2 năm nay. Ảnh: Thu Huyền

Mặc dù chợ nằm ngay cạnh con đường lớn nhưng không có người họp, chỉ lèo tèo 1 hàng thịt, 1 hàng rau, và quầy bán hàng bách hóa. Khu đình chính, đình phụ cửa đóng then cài không một bóng người.

Chủ quầy hàng bách hóa cho biết, nguyên nhân khiến chợ bị bỏ hoang vì con đường lớn này đang nâng cấp, sửa chữa bụi bay mù nên dân tránh. Hơn thế, bà con vẫn duy trì thói quen đi chợ Già (Hưng Tây), chợ quán Bàu và các chợ cóc gần đó. Chính vì vậy, sau vài buổi họp chợ mà không có người mua hàng, nhiều hộ kinh doanh buộc phải đóng cửa, chỉ có vài ba hộ neo lại buôn bán nhì nhằng kiếm sống.

Chúng tôi đã làm hết cách, cả hệ thống chính trị vào cuộc; tổ chức các hội chợ, trong đó giao cho mỗi tổ chức, đoàn thể 1 gian hàng cá, hàng khô,… để duy trì hoạt động của chợ, nhưng chỉ sau 2-3 ngày hết hội thì chợ lại tan. Hiện nay trên 60 ki-ốt đã mua gần hết, nhưng rất ít hộ kinh doanh. Mặc dù chỉ có vài hộ buôn bán, nhưng để thu hút UBND xã chưa thu phí, đồng thời phải duy trì tổ quản lý là người của xã do Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng để hỗ trợ. Hàng tháng, hàng quý vận động các đoàn thể dọn dẹp vệ sinh môi trường. 

Ông Trần Anh Tấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Đông, Tp Vinh.

Chủ tịch UBND xã Hưng Đông cho rằng, lý do là trên địa bàn vùng giáp ranh của xã có nhiều chợ, bà con lâu nay quen đi các chợ này. Hiện nay xã đang quy hoạch khoảng 100 lô đất chuẩn bị bán đấu giá trong năm 2019 ở gần khu vực chợ, khi đó may ra chợ sẽ hoạt động được.
Chợ mới Nghi Kim do Công ty CP Xây dựng Trường Sơn làm chủ đầu tư được xây dựng từ năm 2015 nhưng đến nay chưa một lần họp chợ. Ảnh: Thu Huyền

Gần đó, xã Nghi Kim cũng dở khóc, dở cười với tình trạng trong khi chợ trên địa bàn không thể hoạt động được, còn người dân thì họp chợ cóc ven đường.

Thực hiện dự án khu đô thị mới do Công ty CP Xây dựng Trường Sơn làm chủ đầu tư, năm 2015, chợ mới Nghi Kim được xây dựng, nhưng từ đó đến nay khu chợ bỏ hoang.

Ông Trần Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Kim cho hay, chợ mới nằm trong tổng thể dự án gồm chung cư, nhà ở liền kề, trường mầm non… với tổng diện tích 6,6 ha, trong đó diện tích xây dựng chợ là 1.200 m2. Xã đã làm việc với nhà đầu tư và được biết vì doanh nghiệp không chuyên về quản lý chợ nên đang muốn chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp khác quản lý, kinh doanh. Từ khi hoàn thành (năm 2015) cho đến thời điểm này, chợ chưa một lần được đưa vào họp.

Trong khi chợ mới Nghi Kim bỏ hoang thì ngay gần đó, bà con phải họp chợ bên lề đường gây mất an toàn giao thông. Ảnh: Thu Huyền

Người dân trên địa bàn thường đi chợ Nghi Phú và họp chợ dưới cầu Thăng Long, cầu Nghi Kim. Vì mất an toàn giao thông nên xã đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự không để chợ họp ở các chân cầu, lề đường. Thế nhưng, thực tế cũng rất khó cho chính quyền, bà con vì xã không có chợ; trong khi chợ được xây trên địa bàn thì cửa đóng then cài.

Ông Trần Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Kim, Tp Vinh.

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền TP. Vinh cần sớm có biện pháp tháo gỡ, tránh tình trạng chợ bỏ hoang vừa lãng phí trong xây dựng vừa thất thu cho ngân sách địa phương.