Quỳnh Lâm là 1 trong 7 xã dịch tả lợn Châu Phi tái phát lần 2 và đã xóa sổ một trang trại lợn của gia đình ông Vũ Văn Ngân ở xóm 13. Cách đây 2 ngày, ông Ngân đã phối hợp cùng với lực lượng chức năng của huyện, xã tiến hành tiêu hủy 7 con lợn nái, 19 con lợn thịt và 12 con lợn con theo mẹ của gia đình, với tổng trọng lượng là 2.159 kg, thiệt hại gần 100 triệu đồng.
Ông cho biết: sau khi thấy một số con lợn bị đỏ mắt, da chuyển sang màu hồng và sốt nhưng nghĩ gia súc chỉ cảm thông thường nên đã đi lấy thuốc về tiêm. Sau đó, lợn ăn bình thường nhưng 2 ngày sau thì chết. Lúc này, gia đình mới báo cho cán bộ thú y huyện, xã về lấy mẫu xét nghiệm thì kết quả là dương tính với dịch tả lợn châu Phi. 
bna_a21575929_1792019.jpgDịch bệnh đã xóa sổ trang trại lợn của gia đình ông Vũ Văn Ngân ở xóm 13, xã Quỳnh Lâm, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Hồng Diện

Toàn xã Quỳnh Lâm hiện có 600 con lợn ở 35 gia trại và một số hộ nuôi nhỏ lẻ. Trong đợt tái dịch lần 2 của xã xuất hiện vào ngày 9/9, tập trung chủ yếu ở các xóm 13, 14, 15 và đã tiêu hủy 2.561 kg lợn. Hiện, ngoài 1 gia trại bị xóa sổ tổng đàn thì 3 gia trại có lợn ốm đang được địa phương gửi mẫu đi xét nghiệm.

Bà Trần Thị Tân - Cán bộ thú y xã Quỳnh Lâm cho biết: Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra diện rộng, địa phương đã lập 5 chốt chặn phun tiêu độc khử trùng khi có phương tiện đi qua. Đồng thời, khoanh vùng gia trại để phân công lực lượng là công an, các thành viên trong hệ thống chính trị chốt trực 24/24 giờ để ngăn không cho các hộ buôn bán, vận chuyển lợn ra vào địa bàn. Bên cạnh đó, xã đã mua 3 tấn vôi bột và tiếp nhận 27 lít hóa chất từ Trạm Thú y huyện để cấp cho các hộ dân, tiêu diệt mầm bệnh. 


Tổng số lợn tiêu hủy ở huyện Quỳnh Lưu từ đầu năm đến nay là 1.455 con. Ảnh: Hồng Diện

Tính đến ngày 15/9, huyện Quỳnh Lưu có 21 xã có dịch, trong đó 11 xã chưa qua 30 ngày. Tổng số lợn tiêu hủy từ đầu năm đến nay là 1.455 con. UBND huyện đã trích kinh phí dự phòng hàng trăm triệu đồng mua gần 500 lít hóa chất, 84 tấn vôi bột, 10 cái bình bơm điện, 35 bình bơm tay và quần áo bảo hộ, găng tay…

Bản đồ vùng dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Đồ họa: Lâm Tùng

Ngoài ra, huyện đã tiếp nhận 3.700 lít hóa chất của tỉnh để cấp phát cho các xã, phục vụ công tác chống dịch. Đồng thời, lập 4 chốt trên đường quốc lộ 48B, 48E và 35 chốt tại các xã có dịch. Mặc dù vậy, ở Quỳnh Lưu dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ phát sinh thêm ổ dịch cao.

Nguyên nhân được xác định do địa bàn rộng, tiếp giáp với nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm nên công tác kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, nhiều hộ chăn nuôi chưa tuân thủ đầy đủ quy trình từ khử trùng môi trường chăn nuôi, dụng cụ, phương tiện chưa triệt để, gom thức ăn thừa cho lợn chưa qua xử lý nhiệt.

Các địa phương đang tích cực chốt chặn, phun tiêu độc khử trùng ở những phương tiện ra vào vùng dịch. Ảnh: Hồng Diện

Hiện tại, huyện Quỳnh Lưu đang chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan bám sát địa bàn theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh, để ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Đối với cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị các cấp thì phải thực hiện theo phương châm “phòng là chính” và “chống dịch như chống giặc”, nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.

“UBND huyện đang chủ động, tích cực trong việc khống chế dịch tả lợn châu Phi, bằng cách đó là tổ chức các cuộc họp giao trách nhiệm cho các xã thường xuyên kiểm tra, giám sát và cung ứng thêm vật tư, vôi bột, hóa chất về từng địa phương".

Ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu