(Baonghean) - Lần đầu tiên, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Tổng Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An (AGRIMEXNGHEAN) quyết định đầu tư dự án chế biến gừng và chuối theo công nghệ cao; vừa mở ra cơ hội kinh doanh mới cho đơn vị, đồng thời thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở các địa phương.
AGRIMEXNGHEAN hoạt động trong nhiều lĩnh vực như sản xuất phân bón, giống cây trồng, chế biến tinh bột sắn, gạo. Hiện Tổng Công ty có 2 nhà máy sản xuất phân bón, 1 nhà máy chế biến gạo ở Nghệ An và 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Đắk Lắk. Công ty cũng đã bước đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống, bảo quản và chế biến nông sản. Hiện đơn vị đã đầu tư mở rộng diện tích kho lạnh để bảo quản giống với trên 1.000m2; tiếp quản Trại Khảo nghiệm giống cây trồng tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực giống cây trồng….
Để phát triển hơn nữa trong chiến lược kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, mới đây Công ty dành sự quan tâm đặc biệt và từng bước triển khai Dự án Ứng dụng và triển khai công nghệ mới về nhân giống, canh tác hữu cơ, chế biến và bảo quản sau thu hoạch nhằm tạo ra các sản phẩm chuối và gừng với năng suất, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Dự án có mức đầu tư 60 tỷ đồng đang được triển khai tại xã Lưu Kiền (Tương Dương), và 2 xã Nậm Càn, Na Ngoi (Kỳ Sơn).
Tại Tương Dương, Kỳ Sơn hai sản phẩm gừng và chuối được trồng khá nhiều, sinh trưởng tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao, công ty đã nghiên cứu địa hình, phối hợp với chính quyền và người dân đẩy mạnh trồng tập trung gắn với sơ chế. Đặc biệt ở Kỳ Sơn, gừng là cây trồng bản địa có năng suất cao và nhiều giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên do thiếu doanh nghiệp bao tiêu nên đầu ra của bà con nhiều năm không ổn định. Lúc được mùa thì giá rẻ, lúc không được mùa thì giá cao nhưng số lượng ít. Còn chuối trồng nhiều nhưng quá trình chín nhanh chưa có giải pháp bảo quản dẫn đến thối hỏng. Bởi vậy, việc đầu tư nghiên cứu và triển khai công nghệ trong trồng, chế biến và xuất khẩu là một giải pháp có lợi cho cả doanh nghiệp và đồng bào của các huyện miền núi nghèo.
Với mục tiêu ứng dụng công nghệ mới về nhân giống, canh tác, bảo quản và chế biến các sản phẩm chuối và gừng phục vụ thị trường trong nước tiến tới xuất khẩu, AGRIMEXNGHEAN đã nghiên cứu tình hình sản xuất chuối và gừng trên thế giới, nhất là ở Nhật Bản để hợp tác đầu tư.
Với những tiềm năng rộng lớn của chuối và gừng, cùng với những điều kiện thuận lợi để trồng diện rộng, AGRIMEXNGHEAN đã khảo sát để tiếp nhận, hoàn thiện công nghệ về nhân giống, canh tác, bảo quản, chế biến các sản phẩm gừng và chuối và xây dựng hoàn thiện hạ tầng phục vụ dự án. Theo đó, phương pháp nuôi cấy invitro (nuôi cấy mô tế bào) trong phòng thí nghiệm, xây dựng qui trình canh tác, vườn ươm, mô hình sản xuất, mô hình bảo quản, mô hình chế biến được công ty lập kế hoạch chi tiết, xúc tiến thương mại các sản phẩm trong và ngoài nước. Ông Trương Văn Hiền - Tổng Giám đốc AGRIMEXNGHEAN cho biết: “Sau khi phía bên Nhật sang khảo sát tình hình gừng ở Kỳ Sơn - Nghệ An, tôi đã có chuyến công tác ở Nhật Bản 10 ngày để tìm hiểu ứng dụng công nghệ chế biến gừng nhằm ứng dụng ở Nghệ An. Chúng tôi đã đến Đại học Kochi Nhật Bản, Văn phòng tỉnh Kochi, Công ty Maekawa, Công ty Nishimura… để xem dây chuyền bóc vỏ, rửa gừng tươi nhập khẩu của Nhật, nghiên cứu các loại máy thu hoạch gừng, công nghệ nhân giống và canh tác gừng. Các sản phẩm gừng chế biến tại Nhật rất đa dạng và rất nhiều người dùng, như: gừng tươi muối, gừng lát, gừng thái chỉ, gừng băm nhỏ, gừng trắng chua ngọt, gừng nạo, gừng băm muối đỏ… Tôi nhận thấy sản phẩm gừng rất được ưa chuộng ở Nhật, điều đó càng thôi thúc quyết tâm Công ty thực hiện cho được dự án trồng và chế biến gừng ở Nghệ An theo công nghệ cao để tạo nên vùng nguyên liệu và đầu ra bền vững cho cây gừng ở Kỳ Sơn…”.
Hiện nay, AGRIMEXNGHEAN đã tiến hành xây dựng hạ tầng vùng dự án, chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai mô hình, chuẩn bị tiến hành tập huấn kỹ thuật nhân giống, canh tác hữu cơ, công nghệ tưới tiết kiệm và các kỹ thuật mới cho cán bộ tham gia dự án, cán bộ xã, người sản xuất trên địa bàn. Đồng thời công ty nghiên cứu nhập dây chuyền bảo quản, chế biến chuối, gừng thương phẩm. Dự kiến sản lượng chuối tươi xuất khẩu hàng năm từ 5000 – 10.000 tấn/năm, sản lượng gừng tươi xuất khẩu hàng năm 10.000-20.000 tấn/năm, sản lượng bột gừng hòa tan xuất khẩu từ 500 đến 3000 tấn/năm, sản lượng bột gừng gia vị xuất khẩu hàng năm đạt 500 - 4.000 tấn/năm. Nhìn vào những con số ấn tượng được dự tính trên, cho thấy người trồng chuối và gừng ở Nghệ An đang đứng trước cơ hội mở rộng diện tích, tăng mức thu nhập.
P.V