(Baonghean) - Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến bậc nhất.  Nhật Bản cũng  là quốc gia đầu tư hiệu quả nhất tại Việt Nam, đồng thời dành nguồn ODA lớn nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Ở Nghệ An, trong chiến lược thu hút đầu tư, Nhật Bản là đối tác được ưu tiên hàng đầu với 4 dự án đầu tư có tổng vốn 1,1 tỷ USD; đặc biệt sắp tới là các dự án trong lĩnh  vực nông nghiệp công nghệ cao...
 
images1083375_may.jpgSản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH MLB TENERGY (Nhật Bản) ở Yên Thành.
 
Ngày 1/7/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1043/QĐ.TTg phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Tầm nhìn này thể hiện ở chỗ: Phát triển vượt bậc 6 ngành công nghiệp ưu tiên, bao gồm điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế.
 
Các ngành được ưu tiên phát triển trong chiến lược công nghiệp hoá giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, trước hết là doanh nghiệp Nhật Bản, tạo lan tỏa công nghệ và lan tỏa kỹ năng đối với ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Quyết định số 1043/QĐ.TTg nói trên là một trong những “đòn bẩy” để nâng tầm hợp tác giữa 2 quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Theo đó, các cơ quan liên quan của Nhật Bản cam kết tham gia tích cực và hỗ trợ kinh phí để thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát và tư vấn cần thiết phục vụ cho công tác triển khai thực hiện chiến lược CNH; tích cực xúc tiến đầu tư, tìm nhà đầu tư có tiềm năng vào Việt Nam; chọn lọc thông tin và chia sẻ với các bộ, ngành và các bên liên quan phục vụ triển khai thực hiện chiến lược CNH. 
 
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 3/2014, các nhà đầu tư Nhật Bản đã có 2.237 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 35,38 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn nhất trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong chiến lược thu hút đầu tư FDI, các doanh nghiệp Nhật Bản được tỉnh Nghệ An xem là đối tác thu hút đầu tư quan trọng nhất. Tính đến nay Nhật Bản đã có 4 dự án đầu tư/1,1 tỷ USD trên địa bàn tỉnh Nghệ An, gồm: khai thác đá vôi trắng Yabashi ở huyện Quỳ Hợp, may mặc xuất khẩu tại huyện Yên Thành, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Mai I, và dự án FDI lớn nhất của Nhật Bản đầu tư tại Nghệ An là nhà máy sản xuất sắt xốp của Công ty thép Kobelco với tổng số vốn đầu tư 1 tỷ USD, công suất 2 triệu tấn/năm.
 
Nghệ An đang quyết tâm đi lên công nghiệp hóa, trở thành một tỉnh khá của miền Bắc mà thu hút đầu tư là một giải pháp chiến lược. Về định hướng cụ thể của tỉnh, ưu tiên thu hút đầu tư Nhật Bản trong các ngành công nghiệp kỹ thuật cao gồm: Công nghiệp hỗ trợ (chế tạo phụ liệu, phụ kiện, linh kiện, cấu kiện, bộ phận, phụ tùng, chi tiết máy móc thiết bị… cung cấp cho ngành công nghiệp lắp ráp cơ khí, điện - điện tử, công nghệ thông tin, ô tô, công nghiệp hóa dầu, nhiệt điện); cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng xi măng, gạch lát cao cấp; sản xuất các loại vật liệu mới. Trong nông nghiệp là các dự án trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng kỹ thuật cao, chế biến thực phẩm an toàn (sản phẩm từ lạc, hoa quả, cao su; thịt gia súc, gia cầm đông lạnh, thủy sản xuất khẩu...). 
 
Thời gian vừa qua, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã có các cuộc xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và đạt được nhiều kết quả, nhất là tranh thủ được sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Vào trung tuần tháng 8/2014, đoàn công tác UBND tỉnh Nghệ An đã có chuyến công tác tại Nhật Bản cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự Chương trình Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp chất lượng cao. Đoàn đã tham dự buổi làm việc với 5 tỉnh của Nhật Bản (Hyogo, Miyazaki, Iwate, Yamagata và Chiba), do Ngân hàng SMBC tổ chức. Đây là 5 địa phương có nhiều thế mạnh trong phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Đoàn công tác đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và định hướng thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh Nghệ An, đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu, tìm kiếm đối tác tại tỉnh Nghệ An để đầu tư vào các lĩnh vực mà Nghệ An đang thu hút như: Chế biến nông sản, chế biến thịt và sản xuất máy nông nghiệp...
 
Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn còn tham dự hội nghị với các doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (ngày 21/8/2014) với sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp Nhật Bản. Tại phiên kết nối đầu tư (Business Matching), nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã quan tâm đến các lĩnh vực sản xuất rau sạch, hoa chất lượng cao; sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gừng và các sản phẩm từ tre, nứa, mét của Nghệ An. Đặc biệt là đối với sản phẩm gừng của Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản. Ngay sau đó, ngày 25/8/2014, Công ty NT Vegetable - Nhật Bản đã trực tiếp sang Việt Nam và đến Nghệ An khảo sát về sản phẩm gừng tại vùng sản xuất trên địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Tiếp đó vào tháng 10, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã sang Nhật để xúc tiến đầu tư dự án ứng dụng công nghệ Nhật Bản vào chế biến gừng ở Nghệ An. 
 
Chuyến thăm, xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản nói trên của đoàn công tác UBND tỉnh là hoạt động tiếp nối những hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư trước đó của Nghệ An đối với đối tác Nhật Bản, góp phần cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo cấp cao 2 nước Việt Nam và Nhật Bản lấy năm 2013 làm “Năm Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản”, kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước. Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức tọa đàm về ODA Nhật Bản tại Nghệ An, tổ chức đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu sang làm việc tại Nhật Bản hồi tháng 10/2013. Ở TP. Vinh, vào tháng 10/2014, lãnh đạo thành phố cũng đã xúc tiến đầu tư tại Nhật và bước đầu đạt được một số kết quả, nhất là khi TP. Vinh – Nghệ An thực hiện kết nghĩa với Thành phố Kasumigaura (tỉnh Ibaraki, Nhật Bản), từ đó cũng đã xúc tiến được một số dự án liên quan đến nông nghiệp và nước điện phân. 
 
Đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Chuyến đi của đoàn công tác UBND tỉnh đã trực tiếp quảng bá và xúc tiến đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhật Bản về lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và cũng là lĩnh vực tiềm năng của Nghệ An.. Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào địa bàn; đặc biệt là tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu mà Nghệ An có lợi thế như nông nghiệp chất lượng cao. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với hệ thống các ngân hàng lớn của Nhật Bản xây dựng chiến lược đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích đầu tư ra nước ngoài đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, đó được coi là hướng đi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư, khi có sự tham gia hỗ trợ về nguồn vốn của hệ thống các ngân hàng. Tỉnh Nghệ An sẽ chủ động làm việc với các đầu mối liên quan để tranh thủ sự hỗ trợ và đưa Nghệ An vào một trong những địa phương được triển khai thí điểm các chương trình xúc tiến đầu tư nói trên”.
 
Tính đến năm 2014, nguồn ODA Nhật Bản dành cho Nghệ An đạt 6.117 tỷ đồng (tổng nguồn vốn ODA tại địa bàn là trên 15.020 tỷ đồng), trong đó có dự án nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An 5.700 tỷ đồng. Dự án này nhằm khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An với tổng mức đầu tư gần 274 triệu USD, trong đó cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ 84,27%; thời gian thực hiện từ năm 2013 đến năm 2019. Mục tiêu của dự án khôi phục, nâng cấp toàn bộ hệ thống, đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp cho hơn 27.000 ha và cấp nước sinh hoạt cho vùng. Đây là dự án trọng tâm về vốn ODA của Nghệ An và là dự án đặc biệt, quy mô thủy lợi lớn nhất từ trước đến nay ở địa bàn. Nghệ An cũng cam kết nỗ lực cao nhất phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để thực hiện dự án một cách tốt nhất, đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Một trong những thành công bước đầu của Nghệ An trong xúc tiến đầu tư với Nhật Bản có thể nói là vai trò của JICA đối với Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng; cơ quan này vừa là cầu nối, vừa thay mặt nhà đầu tư Nhật Bản dành cho Nghệ An nhiều hợp tác cả về kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nguồn vốn. 
 
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu môi trường đầu tư tại Nghệ An, ngày 27/6/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã khai trương trang web 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc về xúc tiến đầu tư trên cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An. Tỉnh Nghệ An cũng đã hợp tác với các nhà tư vấn Nhật Bản trong việc lập quy hoạch và thiết kế các công trình như: Công ty Nekken Sekkei Civil Engineering Ltd lập quy hoạch điều chỉnh tổng thể TP. Vinh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Công ty Japan Port Corporation thiết kế Cảng nước sâu Cửa Lò…
 
Châu Lan