Đã bước sang tuổi 75, trải qua bom đạn chiến tranh ác liệt, qua bao dâu bể, thăng trầm cuộc sống, sức khỏe đã yếu đi nhiều, trí nhớ đã giảm sút nhưng với Cựu TNXP Trần Văn Thân thì ký ức về một thời hoa lửa trên tuyến đường Trường Sơn năm nao vẫn mãi vẹn nguyên.
Những ngày cả nước hướng về Kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP (15/7/1950-2018), những đồng đội cũ lại có mặt tại căn nhà nhỏ của ông dưới chân núi Quyết, phường Trung Đô, TP.Vinh để ôn lại kỷ niệm “Mãi mãi tuổi 20”. Trong câu chuyện của những người may mắn sống sót, bước ra khỏi chiến tranh với thương tật trong mình là những bùi ngùi, những giọt nước mắt dành cho những người đồng đội vĩnh viễn nằm xuống trên những cung đường.
Cố nén xúc động, giọng ông Thân, Đại đội phó Đại đội 3, tiền thân của đại đội 168 anh hùng vẫn nghẹn ngào: “Ngày 8/8/1965, tại xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Đội TNXP tập trung của Nghệ An, biệt phái tại Bộ Tư lệnh 559 được thành lập, phục vụ chiến trường B, C. Đội gồm 601 đồng chí được biên chế thành 3 Đại đội C164, C166, C168. Nhiệm vụ lúc đó là gùi hàng chi viện cho chiến trường miền Nam.
Rừng Trường Sơn mùa mưa, vắt rừng, đường dốc trơn trượt, đá tai mèo lởm chởm, anh em đại đội đối mặt với bao vất vả và hiểm nguy rình rập. Đến tháng 12/1965, Đại đội 166, 168 có nhiệm vụ đảm bảo giao thông và mở đường từ KM52 đến Km 62, đường 20 với 2 trọng điểm là Cà Roòng và Km 59, Aky. Con đường này 2 lần địch rải chất độc hóa học. Chỉ tính ở trọng điểm Cà Roòng, ngày 23/6/1966, 19 lần địch đánh phá khiến 3 đồng chí hy sinh, 8 đồng chí khác bị thương. Kết thúc nhiệm vụ, cả đại đội có 19 người hy sinh, 80% phải chịu thương tật do sức ép bom đạn.
Nhiều chiến sỹ trở thành biểu tượng anh hùng của lực lượng TNXP, đó là hình ảnh chàng trai 18 tuổi Đinh Bạt Tuyên - Tiểu đội trưởng, lái máy ủi dù bị bom rơi trúng, bị thương nặng nhưng vẫn nén đau làm nhiệm vụ.
Hay chuyện về nữ TNXP Lê Na, quê ở Kim Liên, Nam Đàn. Tròn 18 tuổi, xung phong mở đường nơi tuyến lửa ác liệt từ phà Long Đại (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh Quảng Bình) – Trường Sơn – Lào. Người con gái mảnh mai, da trắng, tóc đen dài nhưng không nề hà vất vả, hy sinh. Chị nhận nhiệm vụ dùng choòng đục đá, vác đá chặn suối cho xe qua. Trong một lần vác đá xuống suối thì máy bay dội rốc két và hàng loạt mưa bom. Đạn ghim vào bụng và ngực, chị khụy xuống, trên tay vẫn không rời hòn đá. Về sau, cả đơn vị lấy tên chị đặt cho tên suối - suối Lê Na.
Còn với Cựu TNXP Hồ Bá Thâm, Tiến sĩ, nguyên Vụ trưởng - Giámđốc chi nhánh NXB Chính trị quốc gia vùng Đồng bằng sông Cửu Long, người con Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu thì: “Những tháng năm trên tuyến lửa Trường Sơn là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Tuổi xuân chúng tôi gửi lại trên những cung đường, những tọa độ lửa ác liệt. Con đường huyền thoại ấy thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của bao chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Những năm tháng ấy, với tinh thần “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, nhiệt huyết sục sôi của tuổi trẻ đã thôi thúc chúng tôi chiến đấu kiên cường”.
Người Trung đội trưởng trung đội cứu nguy ở A Ky (Quảng Bình) năm ấy nhớ lại: “Hồi ấy, chúng tôi hầu hết là những chàng trai, cô gái vừa rời khỏi ghế nhà trường, gót son, tay bút nhưng khi đối diện với vất vả, hiểm nguy chẳng bao giờ nao núng, sờn lòng. Chúng tôi quen dần với đường trơi dốc đá, dưới chân rướm máu, trên vai mang nặng và trên đầu là mưa bom, bão đạn. Ban đầu mỗi người chỉ gùi được 25-35 kg gạo nhưng sau 1 tuần, 1 tháng con số đó tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí gấp 3-4 lần. Có những người như chị Nguyệt, anh Khoái, anh Khương còn có sáng kiến đổ gạo vào ruột tượng quấn quanh thắt lưng, quanh cổ để tăng trọng lượng”, ông Thâm ngâm nhớ lại.
Giai đoạn mở đường, phá đá, chống lầy thì vô cùng vất vả. Có những trận mưa rừng, đất sạt lở, đang san đường, bất ngờ đá lăn cướp đi tính mạng đồng đội. Hay những trận sốt rét rừng hành hạ, nhiều người bị ác tính phải nằm lại vĩnh viễn chốn “rừng thiêng nước độc”.
Điều đặc biệt nhất, trong thời kỳ đó, Đội TNXP 23 trên đường 20 quyết thắng có duy nhất 1 đồng chí nữ. Chị là Trịnh Thị Hồng Phúc, quê Thanh Luân (nay là xã Đồng Văn, Thanh Chương).
Trước khi đi TNXP, chị công tác tại Ty Giao thông Nghệ An, sau khi tham gia một lớp sơ cấp y cấp tốc, chị được điều vào công tác tại đường 20 khói lửa. “Hồi đó, vừa vào, ai cũng trố mắt ngạc nhiên vì lúc đó mình có 36 kg, nhỏ thó, trắng xanh. Nhiều người ái ngại: “Nhìn thế kia chắc chỉ một cơn sốt rừng là phải quay ra thôi”.
Vốn quen việc bàn giấy, giờ lao vào chiến trường đạn lửa, đối mặt với bom đạn, với vắt rừng, với thời tiết khắc nghiệt, với khắc khổ và với máu, với cảnh thịt nát, xương tan của đồng đội nhưng người con gái nhỏ bé ấy vẫn không hề nhụt chí. Chị vẫn trụ vững với đồng đội, nhanh như sóc khi tải thương và tận tình chăm sóc anh em bị thương, tận tụy bón từng viên thuốc, thìa cháo cho những đồng đội đang vật vã với sốt rét rừng… 6 năm bám trụ ở Trường Sơn đã hun đúc nên tinh thần và nghị lực kiên cường cho nữ cựu TNXP nhỏ bé, giúp chị vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống.