(Baonghean) - Học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài đang được nhiều trường phổ thông cũng như trung tâm Anh ngữ trên địa bàn tỉnh triển khai. Tuy nhiên, để chọn “giáo viên đạt chuẩn” không dễ, nhất là khi hiện nay việc giám sát, kiểm tra chưa được thường xuyên.

Nhu cầu của phụ huynh, học sinh

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là một trong những trường đi tiên phong trong việc sử dụng giáo viên người nước ngoài dạy Tiếng Anh.  Qua 2 năm, hiện nhà trường đã có 16/28 lớp ở khối 10 và khối 11 áp dụng (đều là những lớp học sinh đăng ký theo các khối A1 hoặc khối D). Tiết học ngoại ngữ do giáo viên Tiếng Anh người nước ngoài thường diễn ra vào buổi chiều và nằm trong chương trình tiết tự chọn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo thầy Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng nhà trường, chủ trương mời giáo viên nước ngoài vào giảng dạy các giờ học Tiếng Anh được học sinh, phụ huynh đồng tình và xem đây là một cơ hội để các em nâng cao trình độ ngoại ngữ. Tuy vậy, quá trình triển khai, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn do không thể chủ động trong việc tuyển dụng giáo viên.

images1892588_bna_590a7f14626d0.jpgGiờ học ngoại ngữ của học sinh Trường phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng. Ảnh: Mỹ Hà

Thực tế, trong năm học đầu tiên triển khai (2015 - 2016), nhà trường liên kết với Trường Đại học Công nghiệp Vinh để mời giáo viên nước ngoài về dạy, nhưng do giáo viên không đủ nên chỉ triển khai được một học kỳ thì đành phải bỏ dở. Sau sự việc này, nhà trường rút kinh nghiệm và liên kết với một trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn.

Để việc dạy học có hiệu quả, nhà trường yêu cầu trung tâm phải cung cấp giáo viên có trình độ chuẩn, có đầy đủ các thủ tục pháp lý và giáo viên phải dạy chương trình do tổ ngoại ngữ thống nhất phê duyệt. Qua 2 năm triển khai, việc kết hợp giáo viên nước ngoài trong các giờ học ngoại ngữ cũng đã đem đến hiệu quả nhất định.

Dù vậy, thầy giáo Cao Thanh Bảo cũng cho biết, vì đây là nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và do yêu cầu thực tế nên nhà trường “mạnh dạn” triển khai, chứ còn về thủ tục thì: “Chúng tôi cũng đã xin ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng Sở nói rằng chưa có chủ trương, phải “chờ”. Tuy vậy, chúng tôi không biết phải chờ đến bao giờ”!

Để nâng cao chất lượng đề án Dạy học ngoại ngữ đến năm 2020, từ vài năm trở lại đây, nhiều trường học trong tỉnh đã thí điểm đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy tiếng Anh. Về phía phụ huynh, xác định ngoại ngữ là một trong những môn học quan trọng nên dù phải đóng thêm học phí cho con để học ngoài giờ bằng giáo viên nước ngoài nhưng vẫn khá hào hứng. Không những thế, có những phụ huynh đầu tư cho con theo học chương trình song ngữ từ bậc mầm non dù rằng học phí đắt gấp 5, gấp 6 lần so với trường công lập. 

Cần siết chặt quản lý, kiểm định 

Mới đây, tại cuộc họp cho ý kiến về đề án Ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2017 - 2020, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: “Sở khuyến khích các trường phối hợp với giáo viên nước ngoài để dạy ngoại ngữ cho học sinh. Nhưng, quá trình triển khai phải có ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo và phải đúng quy trình”.

Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng. Ảnh: Mỹ Hà

Chủ trương là vậy, nhưng hiện nay cơ chế quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa rõ ràng và đi chậm hơn so với thực tiễn. Hiện nay, để tổ chức dạy ngoại ngữ, đa phần các trường đều liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để mời giáo viên nước ngoài về giảng dạy. Quá trình phối hợp, nhà trường chỉ hợp đồng với trung tâm, còn chất lượng giáo viên, các quy trình, thủ tục pháp lý là do trung tâm thực hiện và phụ thuộc hoàn toàn vào trung tâm.

Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, bởi lẽ giáo viên ngoại ngữ ở các trung tâm không ổn định, hợp đồng thường là 6 tháng – 1 năm, dài nhất là 2 năm. Do đó, giáo viên khó có thể theo sát học sinh trong suốt năm học.

Như trường hợp của thầy giáo William Craig Dixon (Trung tâm Anh ngữ Clever Learn), đã đến Nghệ An 6 tháng và hiện đang tham gia dạy thêm ngoài giờ cho học sinh ở Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Khi được hỏi có muốn gắn bó lâu dài với thành phố Vinh, thầy Dixon cho biết: “Tôi sẽ chỉ dạy trong khoảng 1 năm và năm tới sẽ sang dạy học ở Malaysia”.

Mặt khác, việc quản lý giáo viên người nước ngoài dạy ở các trung tâm ngoại ngữ đang có nhiều bất cập. Đơn cử như về số lượng, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 20/4/2017, toàn tỉnh có 50 lao động nước ngoài giảng dạy tại các trung tâm, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 16 người chỉ ký hợp đồng lao động giao kết dưới 1 năm, 34 người ký hợp đồng lao động từ 1 - 2 năm; giáo viên người bản ngữ đến từ các nước nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Úc chỉ chiếm khoảng 50%; số còn lại phần nhiều đến từ các mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức như Philippines, Uganda, Nam Phi…

Nhưng theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, cũng đến thời điểm trên chỉ có 34 giáo viên nước ngoài đang giảng dạy tại 13 trung tâm đóng trên địa bàn thành phố Vinh và các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn.

Trao đổi với ông Nguyễn Huy Cao - Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp - GDTX, Sở GD&ĐT về sự “khập khiễng” trong số liệu nói trên, ông Cao thừa nhận: “Việc thanh kiểm tra các hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ hiện nay chưa được triển khai thường xuyên. Quá trình hoạt động, nhiều trung tâm chưa kịp thời báo cáo về số lượng đội ngũ nên khó giám sát”. 

Từ năm 2014 - 2016, Sở Lao động, Thương binh và xã hội đã phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, xử phạt 9 trung tâm ngoại ngữ có sử dụng lao động nước ngoài vi phạm trong công tác sử dụng và quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại đơn vị. Lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng đối tượng “Tây ba lô” để giảng dạy. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra cũng gặp nhiều khó khăn vì các trung tâm thường sử dụng giáo viên ngoài giờ hành chính.

Sự lỏng lẻo trong kiểm tra, giám sát đã tạo nên “kẽ hở” để các trung tâm “lách luật”. Thực tế, thay vì sử dụng giáo viên có bằng đại học, có chứng chỉ về giảng dạy và phải qua một quy trình khá phức tạp để xin giấy phép thì các trung tâm thường thuê giáo viên là những người nước ngoài sang Việt Nam bằng con đường du lịch với thời gian làm việc ngắn. Phụ huynh do không hiểu biết đầy đủ nên không phân biệt được đâu là “có phép” hay “không có phép”, là giáo viên “người bản ngữ” hay giáo viên “đến từ quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2”.

Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Asem Việt Nam, ông Trần Vĩnh Quý chia sẻ: “Trước đây khi mới hoạt động, do hiểu biết còn hạn chế nên trung tâm đã từng bị “thổi còi” vì sử dụng lao động ngắn hạn, không có giấy phép. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của trung tâm trong một thời gian ngắn. Do đó, để tạo sự cạnh tranh công bằng, ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan cần phải tăng cường quản lý. Riêng về đội ngũ giáo viên cần yêu cầu các trung tâm công khai mọi thông tin như bằng cấp, chứng chỉ, quốc tịch, tránh tình trạng “mập mờ” như hiện nay”. 

Để theo kịp với xu thế và đúng với định hướng mà tỉnh đã đề ra, ngành Giáo dục cần sớm có chủ trương, quy định cụ thể, rõ ràng về việc sử dụng giáo viên nước ngoài vào các chương trình giảng dạy. Về quản lý giáo viên cũng cần sâu sát, giám sát chặt chẽ, cương quyết không để những giáo viên không đủ điều kiện tham gia đứng lớp.

Về phía phụ huynh, học sinh và nhà trường cũng cần phải cân nhắc, lựa chọn những trung tâm có uy tín, có chất lượng để liên kết. Hơn nữa, quan trọng là tìm đúng những giáo viên có trình độ, có kinh nghiệm theo đúng như quy định pháp luật đã đề ra để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN