Lê Công Thành là một trong những chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam hiện nay.
Giải nhất CNTT triển vọng, giải thưởng Nhân tài Ðất Việt 2016, đang học tiến sĩ ở Pháp thì bỗng dưng bỏ về. Ðược nhiều tập đoàn công nghệ mời làm giám đốc với lương khủng đều từ chối, rồi mang hết tiền nhà đi khởi nghiệp.
Ðó là vài nét "trích ngang" về Lê Công Thành - một trong những chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam hiện nay.
Cuối năm 2016 ở lễ trao giải Nhân tài Ðất Việt 2016, sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC của Lê Công Thành cùng các đồng sự thuộc Công ty CP Công nghệ chọn lọc thông tin (InfoRe) giành giải nhất, được các chuyên gia công nghệ thông tin đánh giá rất cao.
Ước mơ xuyên châu lục của 8 chàng du học sinh
SMCC là một trong những sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cuộc sống của Thành và những người bạn. Phần mềm này có khả năng tự động thu thập thông tin mới từ các nguồn xuất bản như báo, trang tin điện tử, diễn đàn mạng, các blog và mạng xã hội.
Các thông tin sẽ được phân tích ngữ nghĩa để phân loại, thống kê xem nội dung ấy đề cập tới đối tượng nào (nhân vật, thương hiệu, địa danh...), với sắc thái tình cảm ra sao (rất tích cực, tương đối tích cực, rất tiêu cực, tương đối tiêu cực hay trung tính).
Từ đó, có thể nhận diện sớm các rủi ro khủng hoảng, giúp doanh nghiệp đưa ra các kịch bản ứng phó kịp thời, với chi phí thấp hơn nhiều lần so với chi phí xử lý khủng hoảng truyền thông. Nhiều tập đoàn lớn đã sử dụng sản phẩm này như một công cụ giám sát truyền thông thương hiệu.
Thành chia sẻ ứng dụng đang được mở rộng để giúp các nhà báo như bạn có thể biết được trong 30 phút qua, trên mạng xã hội, thông tin nào đang được quan tâm nhất.
Thành cho hay để hình thành trí tuệ nhân tạo trước tiên phải “dạy” cho máy tính. Ðể làm được một sản phẩm như trên, Thành và các bạn cho máy tính "học" 3 triệu mẫu câu.
Các mẫu câu sẽ được dán nhãn cảm quan, đâu là tích cực, đâu là tiêu cực. Sau khi “học” xong, máy tính có thể đoán đúng trạng thái tích cực, tiêu cực với độ chính xác 85%.
Lê Công Thành sinh năm 1983, từng tốt nghiệp khoa Toán - Tin, Ðại học Thủy lợi Hà Nội, sau đó sang Pháp học thạc sĩ rồi học tiến sĩ. Năm 2011, khi đang dở năm nhất chương trình tiến sĩ, Thành về nước.
"Nếu mình tiếp tục học hết chương trình tiến sĩ thì sẽ phải ở lại Pháp làm việc vì lĩnh vực ấy chưa thể triển khai ở Việt Nam mà mình thì luôn muốn trở về".
Ðược nhiều tập đoàn công nghệ trong nước mời vào làm việc với mức lương khủng nhưng Thành từ chối, bởi "khi ở Pháp mình làm cho nhà mạng lớn nhất, có nhiều người dùng nhất thế giới. Nếu chọn làm cho doanh nghiệp, mình đã ở lại Pháp. Về Việt Nam, mình muốn đi theo mơ ước riêng".
Thành cùng 7 người bạn đều là du học sinh thành lập Công ty CP Công nghệ chọn lọc thông tin (InfoRe) để triển khai các ý tưởng ứng dụng trí tuệ nhân tạo giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
Trong số 8 người sáng lập, chỉ có Thành và một người bạn về nước, 6 người còn lại vẫn đang công tác ở nhiều quốc gia, nhiều châu lục khác nhau như Mỹ, Singapore, Nhật, Australia, New Zealand.
Họ làm nhiều công việc khác nhau từ chủ trì phòng nghiên cứu, giảng viên đại học hay nhân viên các tập đoàn công nghệ. Mọi người đều có chung mong ước dùng tri thức mình có được để giải quyết những vấn đề cuộc sống của Việt Nam. Các sáng lập viên làm việc với nhau qua internet và không nhận lương nhiều năm qua.
Ý tưởng đầu tiên được nhóm triển khai là một dự án xã hội, phi lợi nhuận - dự án lietsi.com. Thành chia sẻ ở miền Bắc, các gia đình đều có người thân ngã xuống, gia đình mình có, gia đình các bạn mình cũng có. Các gia đình thường mất nhiều thời gian để biết người nhà đang nằm đâu.
Trong khi đó, Việt Nam có hơn 3.000 nghĩa trang với hàng trăm nghìn các bia mộ liệt sĩ nhưng chưa được số hóa.
Ðiều đó khiến cho nhiều liệt sĩ đang nằm ở nghĩa trang nào đó rồi mà người nhà không biết. Vì vậy, Thành và các cộng sự số hóa toàn bộ thông tin liệt sĩ đang nằm tại các nghĩa trang giúp người nhà dễ dàng tìm kiếm.
Ðể làm việc đó, nhóm của Thành xây dựng một mạng lưới tình nguyện viên, có khi lên đến hàng nghìn người, đi chụp ảnh các bia mộ trong nghĩa trang liệt sĩ. Những bức ảnh được một phần mềm nhận diện hình ảnh do Thành và các đồng sự lập trình. Các thông tin trên hình ảnh được số hóa và đưa vào kho dữ liệu.
Dự án bắt đầu từ năm 2011, đến 2015 đã số hóa được 95% nghĩa trang liệt sỹ ở Việt Nam với thông tin của hơn 750 nghìn liệt sĩ.
"Một năm sau khi triển khai dự án, mình nhận được cuộc gọi của người nhà liệt sĩ thông báo đã tìm thấy mộ người thân qua thông tin trên lietsi.com. Ðến nay, tuần nào cũng có gia đình liệt sỹ tìm được mộ người thân", Thành tâm sự.
Robot biết giao dịch, bán hàng
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang bùng nổ trên thế giới nhưng là hướng đi khá mới mẻ ở Việt Nam. Thành và cộng sự đang triển khai hàng loạt các hướng đi khác nhau nhằm đưa trí tuệ nhân tạo ứng dụng ở Việt Nam.
Ví dụ dự án chế tạo robot có thể nói chuyện với mọi người, nghe người khác nói, hiểu được người khác đang nói gì, sản sinh ra đoạn hội thoại để đáp lời.
Dự án này trải qua 3 cộng đoạn gồm nghe hiểu, sản sinh ra đoạn hội thoại trả lời và trả lời trơn tru. Hiện nay, nhóm của Thành thực hiện công đoạn 1 và 2.
Dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thiện robot, có thể ứng dụng trên thiết bị điều kiển trong nhà bằng giọng nói, bán hàng hoặc giúp các công ty tiếp xúc với khách hàng.
Thành cùng các cộng sự cũng đang hợp tác với một doanh nghiệp để đưa trí tuệ nhân tạo vào dạy học với sản phẩm kính thực tế ảo. Chỉ cần đeo kính này vào, người học có cảm giác như đang ngồi trong lớp học, thầy giáo ngay bên cạnh dù thực tế thầy có thể đang cách nửa vòng trái đất.
Thành tâm sự với sản phẩm này, học sinh ở vùng sâu vùng xa cũng có thể tham gia các lớp học giống như ở thành thị, xóa nhòa khoảng cách địa lý.
Ngoài ra, nhiều dự án khác đang được triển khai đồng thời như nhận diện độ hứng thú của học sinh trong lớp học. Các camera được lắp ở lớp học sẽ liên tục chụp hình ảnh ở nhiều góc độ gửi về máy tính.
Máy tính sẽ nhận diện độ hứng thú của học sinh trong lớp xem bao nhiêu học sinh hứng thú, bao nhiêu học sinh chán nản để cô giáo có thể điều chỉnh.
Hay dự án nhận diện cư dân, thông qua camera, máy tính sẽ nhận diện người ra vào có phải cư dân hay không, giúp bộ phận an ninh giám sát tốt hơn.
Hoặc mô hình hóa thông tin mạng xã hội, phân tích xem người Việt Nam đang quan tâm điều gì nhiều nhất. Tổng cộng có khoảng 15 dự án trí tuệ nhân tạo đang được công ty thực hiện.
Ngoài các dự án đang triển khai, công ty vẫn tiếp tục triển khai các dự án phi lợi nhuận như lietsi.com. Dự án này đang ở giai đoạn 2, thu thập toàn bộ gene các thân nhân liệt sĩ để tìm gia đình cho gần nửa triệu liệt sĩ vô danh.
Ðể triển khai hàng loạt dự án trên, công ty của Thành đã cơ cấu theo mô hình trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ lõi và đào tạo các sinh viên giỏi để phát triển nhân lực, xung quanh là các dự án vệ tinh.
Sinh viên xuất sắc của các trường đại học top đầu sẽ được công ty tuyển chọn, đào tạo về toán ứng dụng, trí tuệ nhân tạo. Khi làm được việc, các em sẽ tham gia triển khai các dự án vệ tinh của công ty.
Khoảng 30 sinh viên đang thực tập và làm việc như thế. 4 trong số các dự án của công ty đã nhận được nguồn vốn từ 100.000-200.000 USD do các quỹ đầu tư ở rót vào.
Thành tâm sự phát triển trí tuệ nhân tạo là một hướng đi mới ở Việt Nam. Vì thế, khó khăn nhất mà Thành và các cộng sự phải vượt qua là chính bản thân mình chứ không phải đối thủ.
Các bạn trẻ của công ty, phần đông ở độ tuổi đôi mươi đang rất tích cực triển khai các dự án trí tuệ nhân tạo, để ngày càng có nhiều ứng dụng giải quyết các vấn đề cuộc sống ở Việt Nam.
"Trong số 8 người sáng lập, chỉ có Thành và một người bạn về nước, 6 người còn lại vẫn đang công tác ở nhiều quốc gia, nhiều châu lục khác nhau như Mỹ, Singapore, Nhật, Úc, New Zealand. Họ làm nhiều công việc khác nhau từ chủ trì phòng nghiên cứu, giảng viên đại học hay nhân viên các tập đoàn công nghệ". |
Theo Zing