Những cơ hội vàng
Ngay cả trong giai đoạn đầu, khi dịch bệnh được xem chỉ là vấn đề riêng của Trung Quốc, nó vẫn trở thành câu hỏi hóc búa đối với cả một hệ thống các “tế bào kinh tế” từ phạm vi châu lục, quốc gia, đến các tập đoàn, doanh nghiệp…bởi như câu nói: “Khi Trung Quốc hắt hơi, cả thế giới bị sổ mũi”, khẳng định Trung Quốc là “công xưởng” của thế giới. Trung Quốc đã có ảnh hưởng ngày càng tăng đối với các nền kinh tế đang phát triển khác thông qua thương mại, đầu tư và ý tưởng. Thực tế trong mỗi hộ gia đình từ các thiết bị điện tử, sản phẩm gia dụng hoặc hàng tiêu dùng đều sử dụng các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.
Nhưng tất cả điều này có thể thay đổi. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dai dẳng đã đẩy nhanh kế hoạch của các công ty toàn cầu trong việc dịch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhằm đa dạng hóa, cũng như bảo đảm không gián đoạn chuỗi cung ứng. Các cường quốc kinh tế châu Á đã bắt đầu công bố các gói ưu đãi để chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, ví như Nhật Bản thậm chí còn dành quỹ 2,2 tỷ USD để khuyến khích các nhà sản xuất nhanh chóng thực hiện kế hoạch. Theo Diễn đàn đối tác và chiến lược Mỹ - Ấn, 200 tập đoàn của Mỹ đã tìm cách chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Ấn Độ từ giữa năm 2019. Điều này có thể tăng tốc trong thời gian tới.
Hơn nữa, bờ biển phía Đông của Ấn Độ nằm trong con đường biển chiến lược để kết nối với các thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Đây chính là một lợi thế để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu chi phí vận chuyển.
Ngoài ra, lợi thế chi phí của Ấn Độ còn đồng hành với nền kết cấu dân chủ, chú trọng đến tính minh bạch và trật tự quốc tế, tôn trọng các quy tắc. Ấn Độ sẵn sàng đáp ứng các nghĩa vụ của nhà cung cấp mà không cần vũ khí hóa thương mại. Do đó, có thể cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu khả năng dự đoán phát triển và cán cân thương mại công bằng.
Trong nước, gói kích cầu trị giá 20 lakh-crore do chính phủ công bố, tập trung vào giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ, cũng như các ưu đãi cho sản xuất trong nước. Động thái này có thể giúp phục hồi sản lượng của các nhà máy Ấn Độ, đã sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 3 vừa qua, với chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ đạt 16,7%. Ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành công nghiệp ô tô (giảm 50%), và các ngành sản xuất máy tính - điện tử (giảm gần 42%).
Đối với nền kinh tế nội địa Ấn Độ thì đây là cơ hội không nhỏ. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ ngay lập tức đã phát động chiến dịch mang tên “Atmanirbhar Bharat” - 1 cụm từ tiếng Hindu đang rất thịnh hành tại Ấn Độ, có nghĩa là “tự lực cánh sinh”. Trong sự ảnh hưởng của đại dịch, với sự đứt gãy của nhiều chuỗi cung ứng, người Ấn Độ ngày càng cảm nhận rõ hơn khiếm khuyết trong nền kinh tế của mình. Ấn Độ là một nền kinh tế lớn nhưng lại đang phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài trong rất nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Narendra Modi thậm chí đang xem “tự lực cánh sinh” là một định hướng mới cho nền kinh tế Ấn Độ.
Thế kẹt trong cuộc khủng hoảng
Ngay cả sau khi đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt kéo dài hơn 2,5 tháng, dịch bệnh tại quốc gia Nam Á vẫn chưa đạt đỉnh, trong khi nguồn ngân sách ngày càng eo hẹp. Báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ cho thấy nước này chi đến 6,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để ứng phó với dịch bệnh bằng những biện pháp công cộng, cao gấp 5 lần mức chi hiện nay. Song những nỗ lực đó dường như không mấy khả thi, khi Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng âm 3,2% trong năm 2020 - 2021 - mức tăng thấp nhất trong hơn 40 năm qua.
Số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng đều đặn mỗi ngày, với tốc độ ngày càng nhanh kể từ khi lệnh phong tỏa toàn quốc được dỡ bỏ từ đầu tháng 6, làm bộc lộ những yếu kém về cơ sở hạ tầng vốn nghèo nàn của Ấn Độ, và đặt ra câu hỏi liệu chính phủ đã sẵn sàng cho việc ngăn ngừa một thảm kịch.
Guồng máy kinh tế của Ấn Độ được vận hành trong bối cảnh số ca nhiễm ở nước này liên tục “lập kỷ lục”, tỷ lệ xét nghiệm thấp hơn nhiều lần so với các quốc gia khác cũng đang tái khởi động nền kinh tế, trong khi công tác truy dấu tiếp xúc vẫn còn hạn chế ở hầu hết các bang. Hàng loạt bất cập trong công tác khống chế đại dịch khiến các chuyên gia e ngại rằng, không thể thấy đỉnh dịch ở Ấn Độ. Thậm chí, không ít ý kiến nhận định trước tình hình này và với quy mô dân số đứng thứ 2 thế giới - 1,4 tỷ dân, Ấn Độ sớm muộn cũng vượt qua Mỹ và Brazil để “dành ngôi vương” bảng xếp hạng Covid-19.
Harjit Singh Bhatti - chuyên gia tại Viện Khoa học y tế toàn Ấn cho rằng: “Ấn Độ như đang ngồi trên một trái bom hẹn giờ”. Và khi cuộc chiến chống dịch đang đầy chông gai, thì dường như mục tiêu của Thủ tướng Naredra Modi đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế quy mô 5.000 tỷ USD vào năm 2024 cũng trắc trở.
Kế hoạch Make in India là tham vọng biến Ấn Độ thành một nhà xưởng của thế giới, được Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng từ năm 2014, được ghi nhận là cách tiếp cận đầy tham vọng. Tuy nhiên, hiện tại bị đánh giá là đã thất bại, chưa thúc đẩy được các lợi thế của Ấn Độ. Năm 2014, khi Make in India bắt đầu, lĩnh vực sản xuất chiếm 15% GDP của Ấn Độ. San gần 6 năm, con số này không những không tăng, mà còn “thụt lùi” xuống 14%.
Hơn nữa, những tiếng nói quan trọng trong đảng của Thủ tướng Modi cũng không ủng hộ việc mở cửa nền kinh tế, thậm chí muốn quay lại thời kỳ cô lập về kinh tế. Những cử tri quan trọng của ông Modi - nông dân canh tác nhỏ, hay các chủ cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ lẻ - cũng không hoan nghênh ý định mở cửa thị trường lớn hơn nữa.
Vậy New Delhi phải làm thế nào để tận dụng cơ hội và thoát khỏi thế bí?! Các chuyên gia cho rằng, trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Modi, Ấn Độ cần áp dụng chiến lược theo từng giai đoạn trung hạn và dài hạn, ưu tiên một số lĩnh vực, nhất là cần đưa ra các đề án hấp dẫn, kêu gọi các công ty sản xuất và đầu tư ở bờ Đông và các cụm sản xuất truyền thống của Ấn Độ.
Lịch sử cho thấy, Ấn Độ thường bấm nút “khởi động lại” đi cùng với một cuộc khủng hoảng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần khôi phục sau đại dịch, chính phủ Modi vẫn có cơ hội thúc đẩy làn sóng địa chính trị thay đổi, và đẩy mạnh sản xuất của Ấn Độ. Còn nhớ, ngay sau cuộc cải cách năm 1991, một album mang tên “Made in India” đã trở thành hiện tượng trên thị trường âm nhạc thế giới khi bán được hơn 5 triệu bản. Cũng như âm nhạc, đã đến lúc vực dậy kế hoạch Made in India giành được tấm thẻ toàn cầu, và phát triển các ngành công nghiệp mới, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động. Đây chính là tia hy vọng mới dành cho Ấn Độ.