Giữa cơn khủng hoảng
Theo Foreign Affairs, cho đến nay, Thủ tướng Ấn Độ xứng đáng được khen ngợi vì đã có hành động nhanh chóng, kịp thời. Nước này đã sơ tán công dân rời khỏi Trung Quốc, Iran và nhiều tâm dịch khác hồi tháng 2 và 3. Họ cũng đóng cửa biên giới với hầu hết khách ngoại quốc và khởi động chiến dịch xét nghiệm, truy vết sự tiếp xúc của các công dân Ấn Độ trở về. Cuối tháng 3, khi virus Corona đã phát tán rõ rệt trong lãnh thổ, chính phủ Ấn Độ tuyên bố phong tỏa toàn quốc, và từ đó đến nay đã khiến tỷ lệ lây nhiễm chững lại. Giới quan sát cho rằng, nếu Modi tận dụng cơ hội này để giải quyết những vấn đề tiềm ẩn của đất nước trong lúc chống Covid-19 và giải quyết hậu quả kinh tế do dịch gây ra, thì nhà lãnh đạo này có thể bước ra khỏi khủng hoảng trong tư thế mạnh mẽ hơn, cả ở trong nước lẫn trường quốc tế.
Thực tế là sau khi tái đắc cử năm 2019, chính quyền Modi đã thể hiện nỗ lực dồn sức phát triển kinh tế. Song đến những tháng đầu năm nay, Ấn Độ vẫn ở giữa thời kỳ kinh tế suy thoái mạnh mẽ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cho biết, quốc gia đông dân số 2 trong năm 2019 tăng trưởng chỉ 4,2%, chậm hơn nhiều so với dự báo trước đó và giảm mạnh từ con số 8% năm 2016. Chính quyền của ông Modi đã và đang phải vật lộn để tạo thêm việc làm cho nhóm dân số trẻ, khi mà tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao nhất trong 45 năm qua.
Dịch bệnh khiến cuộc khủng hoảng việc làm trở nên tồi tệ hơn. Cuối tháng 3, Modi đã có bước đi quyết liệt, ban bố sắc lệnh toàn quốc yêu cầu người dân ở trong nhà, đóng cửa hầu hết cửa tiệm, doanh nghiệp. Hệ quả là tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ tăng gần gấp 3, từ 8,7% lên 23,4% chỉ trong vòng 1 tháng. Lệnh phong tỏa cũng gây ảnh hưởng đến hàng triệu người nghèo của nước này hiện đang làm việc trong các lĩnh vực phi chính thức và hàng trăm nghìn lao động di cư bị mắc kẹt. Truyền thông trong và ngoài Ấn Độ đã phát đi cảnh tượng hàng nghìn người di cư chen kín các bến xe tại các thành phố lớn, tìm cách có được tấm vé về quê “trốn dịch”, khiến ông Modi phải lên tiếng xin lỗi vì ban hành phong tỏa đột ngột.
Dù vậy, không thể phủ nhận lệnh phong tỏa toàn quốc là bước đi đúng đắn của Ấn Độ. Nhờ hành động mau lẹ của Modi, đến đầu tháng 5, quốc gia hơn 1 tỷ dân hiện chỉ ghi nhận khoảng 33.000 ca dương tính Covid-19. Những con số cập nhật cho thấy tỷ lệ các ca nhiễm mới đang chậm lại, số ca hiện 10 ngày mới tăng gấp 2, so với con số mỗi 4 ngày ở thời điểm đầu tháng 4.
Dĩ nhiên theo các chuyên gia là vẫn còn quá sớm để Ấn Độ có thể ăn mừng. Thiếu các phương tiện xét nghiệm diện rộng nghĩa là nước này có thể vẫn có nhiều ca bệnh chưa được phát hiện. Để thận trọng, Ấn Độ đã gia hạn phong tỏa thêm 2 tuần đến ngày 3/5. Những ngày tới, ông Modi sẽ đối diện với sức ép lớn khi cân bằng giữa những vấn đề cấp bách liên quan đến sức khỏe cộng đồng với tổn hại do phong tỏa gây ra cho nền kinh tế. IMF dự báo Covid-19 sẽ khiến kinh tế Ấn Độ chỉ tăng trưởng 2% trong năm 2020, trong khi các chuyên gia phân tích khác tin rằng nền kinh tế này thậm chí còn giảm tăng trưởng 1% trong năm tài khóa này. Ấn Độ có thể sẽ phải gánh chịu mức tăng trưởng thấp nhất trong 40 năm qua vì đại dịch hoành hành.
Chính phủ nước này hiện đã công bố gói kích thích kinh tế 22,6 tỷ USD, bao gồm các khoản tiền mặt và các biện pháp đảm bảo an ninh lương thực cho hàng triệu người nghèo. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Ấn Độ đã giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 4,4% và rót 49 tỷ USD tăng thanh khoản cho hệ thống tài chính. Nhưng chính phủ này sẽ cần cân nhắc thêm các biện pháp khác để vạch ra lộ trình phục hồi kinh tế, bởi những “nỗi đau” phải gánh chưa dứt, đặc biệt là khi ý thức rằng nới lỏng giãn cách xã hội quá sớm có thể dẫn tới tình cảnh thảm họa.
“Thay da đổi thịt”
Ấn Độ có thể bước ra từ khủng hoảng trong tình cảnh cạn kiệt nghiêm trọng, hoặc với một tư thế mạnh hơn, thúc đẩy những khát khao bấy lâu là trở thành một cường quốc toàn cầu. Lối đi nào cho Ấn Độ là điều phụ thuộc vào việc chính phủ của Modi trong lúc giải quyết Covid-19 có thể hay không đồng thời gặt hái tiến triển trong 3 lĩnh vực trọng yếu: cải cách kinh tế, ổn định khu vực và gắn kết xã hội nội bộ.
Chính phủ phải cố tránh khỏi “cám dỗ” dựa dẫm vào những biện pháp bảo hộ mang tính “bản năng”. Từ 24/3, Ấn Độ đã áp các quy định hạn chế đối với việc nhập khẩu một số nguồn cung và trang thiết bị y tế, cũng như dược phẩm và nguyên liệu. Ấn Độ - nguồn gốc của gần 40% thuốc generic tại Mỹ, có thể làm gián đoạn các nguồn cung của xứ cờ hoa thông qua các biện pháp như vậy. Sau khi Tổng thống Donald Trump đích thân trao đổi với ông Modi vào đầu tháng 4, Ấn Độ đã nhất trí nới lỏng một phần lệnh cấm xuất khẩu thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine. Họ sẽ có được thiện chí của cộng đồng quốc tế nếu nới lỏng hạn chế về thương mại đối với dược phẩm, các nguồn cung y tế và thiết bị.
Nắm thế đa số lớn trong Quốc hội, ông Modi có thể mượn tình thế cấp bách hiện nay để ban hành các cải cách mang tính cơ cấu, cải thiện cơ sở hạ tầng, hợp lý hóa mã số thuế, tăng tính linh hoạt cho thị trường lao động, giảm thiểu sự quan liêu cản trở kinh doanh tại nước này, cũng như mở cửa rộng hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Đây là hướng đi duy nhất giúp Ấn Độ nhanh chóng tiếp cận tài chính toàn cầu và các chuỗi cung ứng cần thiết để thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo việc làm hậu khủng hoảng.
Cải cách kinh tế trong nước có thể mở đường để Ấn Độ có vị thế vững chắc hơn trên thế giới. Nước này hiện đang đảm nhiệm vai trò dẫn dắt chống Covid-19 tại Nam Á. New Delhi đã cử đội ngũ y tế tới Maldives hồi tháng 3 để hỗ trợ chống dịch, đồng thời cũng đang tăng hỗ trợ cho các nước Nam Á khác. Modi cũng kêu gọi Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á phối hợp hành động và khởi xướng một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 3. Cùng với đó, họ thông báo sẽ thiết lập một nền tảng điện tử để giúp các quan chức y tế trao đổi thông tin về đại dịch.
Đây là những tín hiệu tích cực, nhưng ổn định và hợp tác khu vực suy cho cùng vẫn cần giảm căng thẳng với Pakistan, một nhiệm vụ mà ông Modi vẫn chưa thực hiện. Trong đại dịch, căng thẳng vẫn âm ỉ, mà không những ảnh hưởng đến an ninh khu vực, mà còn trói chặt các nguồn lực ngoại giao và y tế mà đáng ra Ấn Độ có thể dùng để chứng tỏ vai trò lớn hơn trên trường quốc tế, góp phần khiến cán cân quyền lực ổn định hơn tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nhiệm vụ hiện nay đặt ra với ông Modi còn là đoàn kết đất nước lại, cùng ngăn thảm họa y tế xảy ra. Chính phủ Ấn Độ có thể biến tình thế hiện tại thành cơ hội để thúc đẩy sự tín nhiệm đối với nền dân chủ.
Còn 4 năm tại nhiệm nhiệm kỳ 2, nếu Modi hiện có thể làm chững lại sự lây lan Covid-19, thực thi cải cách kinh tế, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo khu vực, giảm thiểu căng thẳng trong nước, ông có thể giúp Ấn Độ nổi lên với tư cách cường quốc toàn cầu, điều mà nhiều người dân nước này, cũng như không ít bạn bè quốc tế mong muốn chứng kiến.