(Baonghean) -Nam Đàn là huyện có số lượng di tích đình, đền, chùa nhiều nhất nhì tỉnh. Các di tích của Nam Đàn có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ hoa văn tinh xảo. Một trong những di tích được công nhận có quy mô đồ sộ vào loại bậc nhất miền Trung nước ta là đình Hoành Sơn ở xã Khánh Sơn. Thế nhưng, di tích cấp quốc gia này đang ngày càng xuống cấp do thời gian, do ý thức bảo tồn, gìn giữ của chính người dân sở tại.
 
Kiến trúc cổ
 
Từ thị trấn Nam Đàn theo quốc lộ 15A, vượt qua cây cầu nối thị trấn với các xã vùng chín Nam, sau đó rẽ trái theo đường đê khoảng 3km, chúng tôi đến đình Hoành Sơn. Ngôi đình cổ này tọa lạc ở vùng đất cao ven đê thuộc xóm Bắc Đình – xã Nam Hoành, nay là xóm 4 – HTX Khánh Sơn 2 – Khánh Sơn.
 
Theo sử sách ghi lại thì đình Hoành Sơn được khởi công xây dựng vào năm 1762 (Năm Cảnh Hưng thứ 23). Người khởi xướng và chủ công trình là ông Đặng Thạc – một người đỗ cử nhân dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786). Đình có chiều dài 26,5m, rộng 13,5m. Kết cấu của đình gồm 8 vì gỗ lim, 7 gian, mỗi vì có 4 cột.  Trong số 32 cột có 24 cột cao 6,1m, chu vi mỗi cột từ 1,6m đến 1,8m. Nhà hậu cung có 2 vì là nơi đặt tượng của Lý Nhật Quang, tượng Quan Âm Bồ Tát và chư vị Phật.  Đình hướng về phương Bắc, nhìn ra sông Lam thơ mộng đất bãi  phù sa lớn màu mỡ, có những cánh đồng rộng xanh mướt bởi dâu, ngô, lạc và rau các loại, nhìn xa xa là dãy Đại Huệ. Điều làm nên sự kỳ vĩ có tiếng của đình Hoành Sơn không chỉ ở quy mô và chất liệu gỗ lim mà chính là ở nghệ thuật điêu khắc chạm trổ. Hầu hết các đường gỗ như: Hạ, xà, kẻ, cốm, ván nong, bẫy, đà đao, đuôi nghé, con rường, con đấu của đình đều được trang trí rất công phu bởi bàn tay tài hoa của người thợ thủ công ngày xưa.
 
images949143_dinh_dong_chau___lang_quang_thai.jpgĐình Đông Châu, làng Quang Thái (Nam Trung - Nam Đàn).
 
Đình là nơi nhân dân thờ Lý Nhật Quang – người con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, là người giàu lòng nhân ái có công lớn trong việc bảo vệ và xây dựng vùng đất xứ Nghệ nói chung, Nam Đàn nói riêng, nhất là trong tổ chức khai cơ, lập làng và đắp đê ngăn lũ lụt. Đình còn phối thờ Quan Âm Bồ Tát, “Tứ vị thánh nương” cùng Thành hoàng làng và các vị có công với sự ra đời, phồn thịnh của làng Hoành Sơn. Bên cạnh việc thờ tự, đình còn là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của cả làng. Đặc biệt hàng năm tại đình có 2 kỳ lễ hội lớn là lễ hội kỳ phúc vào tháng 5 và lễ hội rước thần vào tháng 6, mỗi lễ hội kéo dài từ 2 – 3 ngày. Ngoài phần lễ long trọng, linh thiêng thì phần hội với rất nhiều các hoạt động phong phú như hội đua thuyền trên sông Lam, hội đu tiên, chọi gà… náo nức cả một vùng.  
 
Với giá trị đặc biệt của một công trình kiến trúc cổ, năm 1980 đình Hoành Sơn được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT và DL) xếp hạng và cấp bằng di tích lịch sử kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia.
 
Chưa được phát huy
 
Thế nhưng theo thời gian cùng với sự quan tâm chưa kịp thời của chính quyền các cấp, đình Hoành Sơn nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng. 
 
Quan sát từ phía ngoài đã thấy toàn bộ ngôi đình mang một vẻ ảm đạm, hoang lạnh, xung quanh khuôn viên đình cỏ mọc, sân phủ rêu phong. Trong đình do không được quét dọn, vệ sinh thường xuyên nên mùi ẩm mốc nồng nặc. Hệ thống mái đình sạt lở khá nhiều. Ông Tư - người trông giữ ngôi đình trên 20 năm nay cho biết: “Việc quét dọn, vệ sinh đình chủ yếu là do ông  đảm nhiệm nhưng nay đã già, sức khỏe kém nên nhiều lúc không thể hoàn thành nhiệm vụ. Ở đây người dân vào ngày rằm, mồng Một đều đến dâng hương. Ngoài ra hàng năm có rất nhiều du khách thập phương và nhiều lớp học chuyên ngành lịch sử về tìm hiểu. Trước tình trạng đình đang bị mối mọt và hư hỏng nghiêm trọng, đã có rất nhiều đoàn về khảo sát để tôn tạo thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy động tĩnh gì? Không biết đến bao giờ đình Hoành Sơn trở lại ấm cúng như xưa?”.
 
Ông Phạm Thương Mại – Cán bộ văn hóa xã Khánh Sơn cho biết: “Trước thực trạng xuống cấp của đình Hoành Sơn, năm 2012 – 2013 UBND tỉnh đã có quyết định nâng cấp tu bổ ngôi đình bằng cách mở rộng khuôn viên, dịch toàn bộ ngôi đình ra phía sau… thế nhưng không được sự nhất trí của nhân dân vì người dân quan niệm: ngôi đình là chốn linh thiêng thờ cúng thành hoàng làng vì thế không dịch chuyển lùi mà chỉ nên dịch tiến lên phía trước. Cuối năm 2013, thể theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân, UBND tỉnh đã có quyết định trùng tu, tôn tạo lại những hạng mục xuống cấp của ngôi đình trên hiện trạng đã có. Để bảo tồn, phát huy di tích, xã Khánh Sơn đã có biên bản ký kết giao cho các trường học trên địa bàn tổ chức vệ sinh đình trong các giờ ngoại khóa. Tuy nhiên, cũng phải thắng thắn thừa nhận rằng, chính quyền địa phương chưa có những giải pháp, cách làm hiệu quả nhằm phát huy giá trị di tích như cách trông coi như thế nào cho hiệu quả, chưa có sự phối kết hợp với các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Người cao tuổi, hội CCB… trong việc tổ chức làm vệ sinh thường  xuyên cho di tích, hoặc tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại di tích… Và việc di tích đình Hoành Sơn xuống cấp, hoang lạnh cũng có một phần trách nhiệm không nhỏ của chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy”.
 
Kinh nghiệm từ xã bạn
 
Chỉ cách xã Khánh Sơn có 3km đường bộ, xã Nam Trung hiện có 2 di tích đó là đình Trung Cần và đình Đông Châu. Cả hai ngôi đình này hiện đang được người dân phát huy rất tốt. Không những được bảo vệ, trông coi chu đáo, thường xuyên quét dọn sạch sẽ mà hai ngôi đình đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng thường xuyên của nhân dân. 
 
Đến thăm đình Đông Châu, mới thấy hết được sự linh thiêng của đình cũng như sự chu đáo của người dân nơi đây trong việc gìn giữ, phát huy di tích. Toàn bộ đình được tôn tạo lại trên nền đất cũ, khuôn viên được trồng rất nhiều hoa và cây cảnh quanh năm xanh tốt. Trong đình, ngoài hoành phi, câu đối, tượng Bác được đặt ở vị trí trang trọng, còn được treo rất nhiều bằng khen về các thành tích hoạt động của làng. Cụ ông Trần Xuân Đỉnh – người dân làng Đông Châu, xã Nam Trung  cho biết: đình làng Đông Châu được xây dựng năm 1772, hoàn thành năm 1789 gồm hai tòa Bái đình và Hậu cung chạm trổ điêu khắc khá công phu. Theo thời gian, chiến tranh đình gần như mất toàn bộ. Năm 2006, làng Quang Thái quyết định thành lập Ban vận động khôi phục đình Đông Châu trên nền đất cũ. Nhờ sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân, hiện đình Đông Châu đã được khôi phục lại. Điều đáng mừng là sau khi được phục dựng, đình Đông Châu đã trở thành ngôi nhà chung của làng Quang Thái. Đình là nơi các đoàn thể như Hội Người cao tuổi, Cựu chiến binh, đoàn Thanh niên, Phụ nữ… làm nơi sinh hoạt văn hoá. Vào ngày mùng Một và ngày Rằm, lễ tết bà con trong làng và con em xa quê vẫn thường về đình làng dâng hương lên vị thành hoàng để cầu an cầu phúc. Ngày thường, bà con trong vùng còn phân công quét tước sân đình, chăm sóc vườn hoa cây cảnh.
 
Cách đình Đông Châu không xa là ngôi đình Trung Cần - một trong những di tích có kiến trúc nghệ thuật được xếp vào hàng đầu bảng của hệ thống di tích xứ Nghệ. Anh Nguyễn Văn Hòa – cán bộ văn hóa xã Nam Trung cho biết: Được sự đồng lòng, nhất trí của bà con, đình Trung Cần đã được trùng tu, tôn tạo 3 lần. Sau khi xóm được công nhận danh hiệu Làng văn hóa (năm 2007), Ban cán sự xóm đã quyết định khôi phục lại các hoạt động văn hóa tại đình như tổ chức gặp mặt học sinh giỏi, học sinh đậu đại học, cao đẳng; tổ chức mừng thọ cho các cụ nhân dịp đầu Xuân, năm mới; tạo điều kiện cho con cháu tới dâng hương vào ngày Rằm, mồng Một hàng tháng… Năm 2011, được sự nhất trí của UBND xã, làng Trung Cần đã tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công trạng của các tiến sỹ đã có công gây dựng lên mảnh đất Trung Cần. Dịp này, xóm đã huy động nhân dân đóng góp được 70 triệu đồng mua sắm một số nội thất cho đình. 
 
Từ đó để thấy, việc bảo tồn, phát huy di tích đình, đền trước hết phụ thuộc vào ý thức người dân, thứ nữa là sự quan tâm, chăm lo của chính quyền địa phương. Đình đền được ví như linh hồn của làng, do đó, hãy biết gìn giữ và phát huy.
 
Thanh Thủy