(Baonghean) - Lẽ đời, cái gì quản không được là các bác "cầm cân, này mực" xứ mình lại chơi ngay cái bài cấm tiệt, cấm luôn cho nó lành. Tuy nhiên, chuyện casino, sòng bài ở ta lại hơi khác. Rõ là ta đã cấm, nhưng càng cấm, cờ bạc lại càng phình to ra, luồn vào đủ ngõ ngách mà sống, mà sinh sôi. Thế nên, bài viết "Hàng xóm ơi, mời ông xơi" của tác giả Hải Triều đã đặt vấn đề "giữ hay thả" cái trò đen đỏ này đăng trên báo Nghệ An cuối tuần số ra ngày 17/8 đã thu hút sự quan tâm của độc giả.

Sáng 13/8 mới đây, Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị định về kinh doanh casino. Bắt đầu được soạn thảo từ năm 2009, đến nay, Nghị định về kinh doanh casino do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đã qua hai lần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 3 lần thẩm định của Bộ Tư pháp. Đã có 7 casino được cấp phép và đi vào hoạt động. Nói cách khác, đang có 7 ông doanh nghiệp kinh doanh casino hiện đang nằm… ngoài vòng pháp luật. Trong dự thảo này, người Việt cũng được phép chơi tại casino. Đối với người Việt Nam, dự thảo chỉ đưa ra quy định mang tính nguyên tắc. Đối tượng chơi phải là người đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có đủ năng lực tài chính tham gia, đóng đầy đủ lệ phí tham gia chơi tại các điểm kinh doanh và các điều kiện về nhân thân.
images1035168_casino_at_rws.jpgMột casino ở Singapore Ảnh minh họa
 
Trở lại thời điểm cách đây 4 tháng, câu chuyện về casino lại diễn biến theo hướng khác hẳn. Trong phiên giải trình tại Quốc hội sáng 17/4, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sau kỳ họp lần trước, tại dự thảo mới Bộ Tài chính đã tiếp thu chỉnh sửa các nội dung như: Các hành vi bị cấm, tranh chấp giữa người chơi và doanh nghiệp; số lượng bàn, máy chơi… Riêng đối tượng người chơi, dự thảo chỉ cho phép người nước ngoài và người Việt định cư ở nước ngoài vào chơi. Ông Dũng cho biết thêm, về ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị vào tháng 6/2013 nghiên cứu cho phép người Việt vào chơi trong casino, sau khi Nghị định ban hành sẽ tiếp tục nghiên cứu để ban hành một văn bản riêng. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ quan điểm không đồng tình. Bởi thực tế, hiện nay rất nhiều người Việt Nam sang Campuchia, Hồng Kông, Ma Cao chơi, Nhà nước không quản lý được. 
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu thực trạng đáng báo động khi người Việt Nam ra nước ngoài chơi làm Nhà nước thất thu ngân sách, ngoại tệ và gây những hệ lụy xấu về bắt giữ người đòi tiền chuộc. “Không quản lý được thì ta cấm như hiện nay cũng không ổn. Tại sao không cho người có đủ điều kiện mà ta kiểm soát được vào chơi. Quan điểm của tôi ủng hộ nghiên cứu việc cho phép người Việt vào chơi”. Vấn đề mà Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề cập chính là một vấn đề đang làm đau đầu các nhà làm luật nước ta, đối với một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm: trò cờ bạc.
 
Trở lại bài viết “Hàng xóm ơi, mời ông xơi” tác giả Hải Triều đã viết "Hoặc người ta sang hẳn nước ngoài để đánh bạc trong casino một cách hợp pháp. Hoặc đánh bạc trong nước, dĩ nhiên là đánh "chui". Suy cho cùng cả 2 cách trên đều mang bản chất là lách luật, tránh được việc đóng thuế "đánh bạc" cho Nhà nước. Điều này có lợi gì cho nước mình không? Dĩ nhiên là không, hoặc người mình đem tiền đi cống xứ người, hoặc làm giàu cho giới kinh doanh bài bạc ngầm, tức là nguồn thu cho những hoạt động mờ ám khác. Rốt cuộc, cấm mà như không!". Theo như tác giả, thì cả 2 kiểu: Ra nước bạn để được đánh công khai, đánh "chui" trong nước. Cả 2 cách đều không ổn, vì như vậy, đằng nào Nhà nước cũng thua thiệt khoản thuế này. Vậy, cấm cũng chẳng để làm gì, thậm chí còn làm cho tình hình trầm trọng thêm, bởi các con bạc bị cấm sẽ càng khát nước và sẽ tìm đủ mọi cách để thỏa mãn cơn khát của mình. 
 
Chúng ta thử "ngó" qua một chút về tình hình cờ bạc tại Singapore. Hơn 40 năm qua, Singapore là một trong các quốc gia cấm kinh doanh casino. Và khi ông Lý Hiển Long đảm nhận cương vị thủ tướng, casino đã có mặt hợp pháp ở đảo quốc này. Nhiều tập đoàn cờ bạc lớn của thế giới đã hiện diện tại đảo quốc này với những khu cờ bạc trị giá nhiều tỷ USD. Điều tương tự cũng đang dần dần bị phá vỡ ở Nhật Bản – cũng là một trong các quốc gia dị ứng với hoạt động kinh doanh casino.
 
 Bởi vậy, rất có lý khi tác giả Hải Triều nhận định "Mình không cổ xuý chơi bài bạc. Nhưng mình nghĩ trong một giới hạn nào đó, trò đỏ đen cũng như một thú giải trí như chơi game, đi shopping, v.v và v.v. Vấn đề là ai đứng ra kiểm soát, kiểm soát như thế nào?". Thì đấy, chính là cái việc "Vấn đề là ai đứng ra kiểm soát, kiểm soát như thế nào?".  Rõ ràng, lúc bình thường thì hình như có nhiều người mạnh miệng lắm, nhưng khi đứng trước sự việc thực sự rồi thì lại hình như thấy "im im" ở đâu hết cả. Trong khi đó, dự thảo được đệ trình ngày 13/8 vừa qua cũng mới chỉ là dự thảo. Mà từ dự thảo (cho cả người Việt trên 21 tuổi vào chơi tại casino) cho đến khi thực hiện hãy còn cả một chặng đường xa lắm. Bởi thế mới có chuyện như tác giả kết luận "Còn nói theo kiểu con nít thì là: xây casino cho người nước ngoài và cấm người Việt, khác nào nấu cơm mang đi mời ông hàng xóm?".  Nói vậy, nghe cứ tủi tủi thế nào. 
 
Người xây dựng