(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Cõng rắn "gác" gà nhà"  của tác giả Hải Triều, đăng trên trang 4 - 5, số Cuối tuần ngày 24/8 nhận được số phiếu bình chọn cao thứ hai. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết.

Theo Từ điển tiếng Việt, thì từ "xâm thực" là một động từ, có nghĩa là "ăn vào, lấn vào, làm cho bị hủy hoại". Vậy thì việc sư tử "gốc Tàu" nay đang ngồi chễm chệ tại hầu khắp đình, chùa, miếu mạo đất Việt cũng chính là chuyện xâm thực vậy. Những biểu tượng, linh vật của miền đất khác, của văn hóa khác, nay ngự ngay chính chốn tâm linh, thiêng liêng của mình, rõ ràng đang gặm nhấm, giễu cợt văn hóa 4 ngàn năm có lẻ của đất này. 
 
Hiện tại, không phải là quá khó để tìm thấy những "ông" sư tử nhe nanh, múa vuốt chốn u tịch, thanh nhã của đình chùa, miếu mạo Việt Nam. Cớ làm sao, với cả hàng ngàn năm văn hiến, cây tre, bến nước sân đình hiền hòa, những là nghê đá, chó đá thân thuộc chầu nơi linh thiêng của Phật tổ, thành hoàng... ngự trị, giờ đây người ta nhẫn tâm vác cả biểu tượng của phương Bắc lạ lẫm vào để gác cửa xứ mình.  
 
Trong bài viết của mình, tác giả mượn lời người bạn để viết "Đấy là một sự xâm hại đến bản sắc văn hoá Việt Nam, không vì lý do gì ngoài thiếu hiểu biết!... Theo anh, sự khác nhau giữa linh vật Việt Nam và linh vật Trung Quốc hay châu Âu không chỉ ở đường nét, hình dáng mà còn ở ý nghĩa linh vật. Ví dụ, sư tử, kỳ lân Trung Quốc vốn dĩ có hình dáng hung dữ vì người Trung Quốc thường dựng các linh vật này canh gác lăng mộ. Hoặc con tỳ hưu, là một con vật không có hậu môn, ý rằng chỉ có vào mà không có ra, là linh vật của giới buôn bán. Như vậy để thấy, linh vật không chỉ là một pho tượng vô tri vô giác vô nghĩa, mà là kết tinh hữu hình của những lý tưởng, giá trị văn hoá, tâm linh mà chúng ta hướng đến".
 
Bình luận việc này, theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Sức đề kháng văn hóa của chúng ta phải trên cơ sở hiểu biết của người dân và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nếu thiếu hai yếu tố đó thì bản sắc văn hóa sẽ không thể tự bảo vệ được trước sự xâm lăng của các yếu tố bên ngoài. Chúng ta không kỳ thị văn hóa của bất cứ một quốc gia nào. Con sư tử - với người Trung Quốc là linh vật, linh thiêng, rất đẹp, đó là giá trị cần trân trọng nhưng phải đặt đúng chỗ. Lấy một ví dụ thế này, trước năm 1954, ở Hà Nội, cứ thấy con sư tử nào là biết ngay đó là chùa Tàu hoặc hội quán của người Hoa, không lẫn lộn vào đâu được, và mọi người đều tôn trọng việc đó. Nhưng bây giờ thì tràn lan vì không ai nhắc nhở, người dân không hiểu biết, và tưởng thế là đẹp”. 
 
Nhìn xa hơn một chút, thì con sư tử đá Trung Quốc đâu có lỗi. Lỗi chính nằm ở thói quen dễ dãi của chính chúng ta. Cái thói quen mọi sự đều không chịu tìm hiểu đến đầu đến đũa, qua quýt cho xong. Bởi vậy, chuyện con sư tử “lạ” hôm nay là một lời cảnh tỉnh. Bao lâu nay, những chú sư tử Trung Quốc cứ chễm chệ ngự từ chùa chiền đến công sở... Công trình càng to thì sư tử càng lớn, chủ nhân càng cảm thấy oai vệ. Đến khi Bộ VH-TT-DL có công văn yêu cầu thẳng thừng loại bỏ nó, mọi người mới lại ồ ra, đồng tình tẩy chay. Thật chẳng khác gì chuyện cháy nhà… ra sư tử Trung Quốc.
 
Mà cái sự dễ dãi ấy, chính như Hải Triều đã đề cập: "Nhiều người trong chúng ta hẳn cũng ngạc nhiên trước thông tin nhiều linh vật tại các công trình văn hoá, tâm linh của chúng ta hiện nay là linh vật "đi mượn". Bởi hai lẽ, thứ nhất, có nhiều nét tương đồng trong văn hoá Việt Nam và văn hoá Trung Quốc, đây là điều có thể hiểu được do vị trí địa lý kề cận, cũng như do lịch sử để lại. Thứ hai, do nhiều người chưa thực sự để tâm, có tâm khi sinh hoạt tâm linh, chỉ chạy theo những cái bên ngoài. Tượng chỉ cần to, nặng, bia chỉ cần đẹp, sang, chứ nào hiểu được tượng này là tượng gì, bia này khắc chữ gì. Như vậy, chính là biến có tâm thành vô tâm, có hồn thành vô hồn, có nghĩa thành vô nghĩa...". Những con sư tử ấy sờ sờ ngay trước mắt, có hình có khối mà đến giờ “cháy nhà mới ra mặt chuột”, còn bao nhiêu giá trị văn hóa vô hình đã bị biến mất, đã bị thay thế bởi văn hóa ngoại lai dần dần từng ngày, từng tháng, từng năm thì lấy văn bản nào mà chấn chỉnh đây? 
 
Rõ ràng "Việt Nam là Việt Nam, muốn thế giới công nhận thì trước tiên người Việt Nam phải có ý thức mạnh mẽ nhất về bản sắc của mình". Việc ý thức về bản sắc, hẹp nhất là phạm vi của "cái tôi", rộng nhất là đến tầm "dân tộc tôi, đất nước tôi". Giữ gìn và phát huy bản sắc, dĩ nhiên không phải một sớm một chiều. Đó là câu chuyện của cả một quá trình gìn giữ, trao truyền hàng ngàn năm trước. Đến khi tiếp nhận, con cháu phải biết trân quý, nâng niu. Biết đưa ra giữa thiên hạ bốn phương để tự hào, rằng đây mới chính là chúng tôi, đây mới là máu thịt, sơn hà, tinh túy, bản ngã không thể lẫn vào đâu của cha ông chúng tôi. Nay chúng tôi đang kế thừa và phát triển điều đó. 
 
Chuyện con sư tử đá của phương Bắc "gác" chùa chiền Việt là một câu chuyện không chỉ dài mà còn nhiều hệ lụy, bởi nó gắn đến ý thức hệ, đến lòng tự tôn dân tộc ngay từ cốt lõi sâu xa nhất của vấn đề: đó là cõi tâm linh. Chỉ có thể nghĩ một cách tương đồng cùng tác giả rằng: "...chính nhận thức của người Việt về văn hoá Việt còn nhập nhèm, do thiếu hiểu biết hoặc nguy hiểm hơn, do thói sính ngoại. Chốt lại, xin đừng cõng rắn ngoại về gác gà nhà, nguy hại khôn lường!". 
 
Người Xây Dựng