(Baonghean) - Đối với cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Nghệ An, mỗi chuyến ngược rừng đến Xiêng My (huyện tương dương) đều có những cảm xúc đặc biệt. Đây không chỉ là hành trình đến với một trong những xã khó khăn nhất của huyện Tương Dương mà còn đến với những bản làng, với đồng bào thân thiết mà Báo Nghệ An trực tiếp nhận giúp đỡ trong nhiều năm qua. Hành trình lần này diễn ra vào những ngày cuối tháng 8, khi những cơn mưa rừng bắt đầu đổ về, cũng là lúc các em học sinh ở vùng đất khó này bước vào năm học mới với nhiều bộn bề, lo toan và thiếu thốn.

image_4745051.jpgGiáo viên Trường Tiểu học Xiêng My chuyển bàn ghế vào điểm trường bản Đình Tài.
Vượt qua những đoạn đèo dốc, những con đường đầy ổ voi, ổ gà, đoàn công tác của Báo Nghệ An đến trung tâm xã Xiêng My vào giữa buổi sáng một ngày cuối tháng 8. Trời mưa tầm tã. Theo lời hẹn, đoàn ghé trụ sở UBND xã sau đó vào Đình Tài - bản khó khăn nhất của Xiêng My, mang theo quần áo, bàn ghế, đồ dùng học tập đến điểm trường Đình Tài. 
 
Lúc này, Trưởng bản Vi Hải Tiến và Bí thư Chi bộ bản Đình Tài - Vi Văn Tần cũng vừa có mặt. Sau những cái bắt tay thật chặt với những lời hỏi thăm ân cần, Bí thư chi bộ Vi Văn Tần chia sẻ: “Đường bữa ni mưa, trơn lắm. Không đi được mô. Hay là trao quà tượng trưng ở ngoài ni rồi hôm sau trời nắng ta đưa vào cho các cháu?”. Thế nhưng, đồng chí Hồ Thị Ngân, Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, Trưởng đoàn công tác đáp lời: “Có trơn trượt, khó khăn đến mấy cũng phải tìm cách mang đồ dùng học tập vào cho các cháu. Sắp khai giảng rồi”. Sau đó, một phương án được đưa ra là huy động tất cả các thầy giáo ở Trường Tiểu học Xiêng My dùng xe máy để chở bàn ghế; Trưởng bản Vi Hải Tiến cũng huy động thêm bà con dân bản ra cùng hỗ trợ.
 
Chiếc xe ô tô chở hàng dừng ở cuối bản Phảy. Cung đường 4 km đồi dốc, trơn trượt, lầy lội như thử thách lòng người. Tuy vậy, mọi người không ai bảo ai, đều đội mưa bốc hàng, cố gắng chằng néo chắc chắn lên những chiếc xe máy lấm lem bùn đất được các thầy giáo cầm lái. Thầy giáo trẻ Dương Đăng Vỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xiêng My là người xung phong dẫn đầu đoàn xe máy chở bàn ghế đi vào bản. Vượt qua được con dốc đầu tiên, thầy Vỹ và các đồng nghiệp phải vứt những đôi dép lại bên đường, vặn ga hết cỡ và dùng chân đất bươn từng lớp bùn để bánh xe không bị trượt vào rãnh khi vượt dốc Pù Con. Khác với những con dốc khác, việc lên dốc khá thuận tiện nhưng xuống dốc Pù Con thực sự là một cực hình. Dốc không quá cao nhưng dài và bị phủ bởi lớp bùn đỏ đặc quánh, trơn trượt. Để đi được xe máy qua đây, phải là những người lão luyện với địa hình miền núi. Xe phải về số thấp, người cầm lái vừa đỡ xe vừa chầm chậm tìm cách để xe không bị trượt ngã. Khi xuống được nửa dốc thì chiếc xe máy SYM của thầy Vỹ không tiến cũng không thể lùi vì lớp bùn dính chặt vào bánh xe. Bí thư chi bộ Vi Văn Tần phải kiếm một que tre, cố gắng gỡ bớt lớp bùn để xe đi tiếp. Khi xe của thầy Vỹ vừa thoát được đoạn dốc thì ở phía sau, một chiếc xe máy khác bị ngã… Lúc này, những người dân bản Đình Tài đi bộ, vác theo bảng và bàn ghế cũng đi đến đoạn dốc và giúp đỡ các thầy giáo đi qua đoạn đường khó. Bí thư Vi Văn Tần cho biết, những người dân trong bản nghe tin Báo Nghệ An vào tặng quà đã đội mưa, cùng khuân vác bàn ghế, bảng đến vào bản. Trong số những người đi khuân vác, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một thanh niên đi cà nhắc với khuôn mặt không bình thường. Hỏi ra mới biết, đó là Lô Văn Mùi, một nạn nhân của di chứng chất độc da cam. Bố mất sớm, Mùi bị tật từ nhỏ không thể đi học nhưng cậu lại rất thích đến trường xem các em học chữ. Hễ làng bản cũng như nhà trường có việc gì, cậu đều nhiệt tình tham gia.
 
Lãnh đạo Báo Nghệ An tặng áo cho học sinh bản Đình Tài, xã Xiêng My (Tương Dương).
 
 
Sau gần 3 giờ tăng bo cho đoạn đường 4 km, với những cú ngã dọc đường, những chiếc xe chết máy, đoàn công tác cũng đến được điểm Trường Tiểu học Đình Tài. Ai cũng ướt đẫm và lấm lem bùn đất. Bản Đình Tài có 62 hộ dân thì chỉ duy nhất 1 hộ không phải là người dân tộc Thái, có đến 47 hộ nghèo. Điểm Trường Tiểu học Đình Tài nằm giữa trung tâm bản, dựa lưng vào dãy núi Khe Hốc. Cũng như những điểm lẻ khác ở xã Xiêng My, điểm trường Đình Tài đang hết sức sơ sài. Sân trường phủ bởi một lớp bùn nhão nhoét, 3 lớp học nhỏ được lợp bằng prôximăng, trống trước, hở sau,… Điểm trường có 22 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, do 3 thầy giáo phụ trách, học theo hình thức ghép lớp, ghép thầy. Trời vẫn mưa không dứt, các em học sinh vừa hoàn thành buổi học và đang háo hức ở lại nhận quà. Rất nhanh chóng, các thành viên của đoàn công tác phối hợp với các thầy giáo và người dân địa phương khiêng những chiếc bảng cũ, bàn cũ để lắp các bộ bàn ghế và bảng mới vào. Các em học sinh cũng tụm năm, tụm bảy nhận những bộ đồng phục mới và được các cán bộ của Báo Nghệ An, cán bộ xã Xiêng My ân cần hướng dẫn cách mặc đồng phục. Tất cả các em đều bất ngờ và thích thú vì một lúc nhận được 3 bộ quần áo mới cùng với kẹo bánh, sữa. Cũng lúc này, một bàn tiệc nhỏ nhưng đầy đủ bánh, kẹo, nước ngọt được dọn ra ngay trong phòng học, các em học sinh, các thầy giáo và phụ huynh ngồi quây quần bên nhau, cùng liên hoan, chuyện trò vui vẻ. Nhìn cách các em ngoan ngoãn, bẽn lẽn ngồi ăn bánh kẹo và háo hức, chỉ trỏ khoe nhau những bộ quần áo mới, mân mê những lô gô in dòng chữ “Báo Nghệ An Nâng bước tới trường” xinh xắn trên chiếc bàn học hay trên tay áo đồng phục, nhiều người trong đoàn chúng tôi biết rằng, từ lâu lắm rồi các em mới có một ngày vui như vậy. 
 
Thầy giáo Lương Xuân Tần vừa hướng dẫn cậu học sinh trong lớp của mình chủ nhiệm cách mặc chiếc quần mới vừa tâm sự rất thật rằng, dù bước vào năm học mới nhưng không có em học sinh nào trong bản có được bộ quần áo mới đi học. Sách vở cũng không có tiền mua, 3 thầy giáo phải bỏ tiền lương, vượt rừng ra Thị trấn Hòa Bình mua sách vở về bọc, dán nhãn cho 22 em sử dụng. Số tiền này, khi nào có, các phụ huynh sẽ trả dần, cũng có nhiều người quá nghèo, không có tiền nên trả cho thầy bằng những bó rau, gói măng khô… 
 
Là một trong những học sinh đầu tiên của bản Đình Tài hoàn thành chương trình cấp 3, chị Lương Thị Soa, hiện là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xiêng My. Con gái đầu của chị đang học lớp 1 ở điểm trường bản Đình Tài. Chị Soa cho biết, kể từ ngày xã nghèo Xiêng My được Báo Nghệ An giúp đỡ, đã có rất nhiều chương trình phát huy hiệu quả rõ rệt. Đó là những con bò giống đang sinh sản và phát triển rất tốt, nhiều người cùng hưởng lợi; là những chiếc máy vi tính, máy in kiêm photocopy giúp ích cho cán bộ xã rất nhiều trong công việc hằng ngày; là những món quà bằng tiền mặt hay hiện vật được cán bộ, phóng viên, công nhân viên của báo trao tận tay những người cần giúp đỡ. “Trời mưa gió mà Báo Nghệ An vẫn đến với các em học sinh, lại tặng quà, tiền rồi tổ chức liên hoan cho các cháu nữa. Có lẽ, đây là năm học đầu tiên tất cả các em được mặc đồng phục trong lễ khai giảng, được học trong phòng học có bàn ghế hiện đại như ở thành phố. Vui lắm”, chị Soa tâm sự. 
 
Trưởng bản Vi Hải Tiến cho biết, Đình Tài nằm ở vị trí khá đặc biệt, là nơi tiếp giáp với vùng núi rừng các xã như Nam Sơn (Quỳ Hợp), Bình Chuẩn (Con Cuông) và Yên Thắng (Tương Dương). Từ hơn 10 năm trước, “cơn bão” ma túy tràn về khiến nhiều gia đình trong bản lao đao. Hiện nay, bản có 5 người nghiện nằm trong danh sách quản lý, theo dõi, nhưng trên thực tế con số này còn lớn hơn. Tuy đói nghèo, lạc hậu nhưng con em bản Đình Tài lại rất ham học. Nếu như các bản khác, hàng năm vẫn có tình trạng học sinh bỏ học, các thầy giáo phải đi vận động các em trở lại trường thì học sinh bản Đình Tài đều thích đến lớp. Thậm chí, dù không có điểm trường mầm non, các cháu phải ra học ở bản Phảy nhưng mỗi ngày hai lần, các phụ huynh vẫn ngược rừng, đưa con em mình đi học đầy đủ. Hiện nay, bản đang có 12 cháu theo học cấp 2 ở xã Nga My và 2 cháu học cấp 3 ở Trường Khe Bố. “Bản ta nghèo khó nhưng các cháu nó thích đi học. Những món quà của đoàn công tác khiến các cháu và người dân rất vui”, Trưởng bản Vi Hải Tiến nói với giọng chầm chậm của đồng bào dân tộc Thái.
 
Còn thầy giáo Dương Đăng Vỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xiêng My cho rằng, những bộ bảng, bàn ghế, giá sách, những bộ đồng phục của Báo Nghệ An đã thực sự đến đúng địa chỉ. “Đây không đơn giản chỉ là những dụng cụ học tập mà còn là những món quà mang thông điệp “Nâng bước tới trường”. Chắc chắn, thầy và trò Đình Tài sẽ sử dụng một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Đây cũng là cách giúp bản Đình Tài thoát nghèo bền vững nhất trong tương lai”, thầy hiệu trưởng có chất giọng của vùng biển Diễn Châu khẳng định. Trước lúc rời bản Đình Tài, lãnh đạo Báo Nghệ An khẳng định với các thầy giáo cũng như cán bộ xã Xiêng My, cán bộ bản và người dân bản Đình Tài rằng: Từ nhiều năm nay, Báo Nghệ An đã, đang và sẽ luôn sát cánh cùng Xiêng My bằng những việc làm thiết thực, cụ thể và hiệu quả. Chủ trương của Báo Nghệ An là giúp đồng bào có được “cần câu” thay vì cho “con cá”. Việc tặng quà nhằm giúp các em học sinh có áo đủ ấm vào mùa Đông cùng những cơ sở vật chất đủ đầy trong lớp học, kịp thời động viên các em vượt khó, vươn lên học tập. Đồng thời đề nghị bản, trường giữ gìn tốt bàn ghế, cơ sở vật chất để phát huy hiệu quả lâu dài.
 
Chia tay những ánh mắt, nụ cười của các em học sinh bản Đình Tài, chúng tôi lại quay ngược dốc Pù Con, lội bùn trở lại xã Xiêng My để kết thúc cuộc hành trình. Bỏ lại phía sau con đường nhão nhoét bùn đất cùng dãy núi Khe Hốc âm u sương phủ, tất các các thành viên trong đoàn công tác đều cảm thấy mình đã hoàn thành được một việc nhỏ nhưng rất ý nghĩa. “Nâng bước tới trường” cho con em Xiêng My, cũng là tình cảm, tấm lòng của cán bộ, công nhân viên Báo Nghệ An đến với những bản làng nghèo nơi miền Tây Nghệ An. 
 
Đợt phát động đầu tiên của Chương trình “Nâng bước tới trường”, Tòa soạn Báo Nghệ An đã góp được hơn 40 triệu đồng, mua 16 bộ bàn ghế, 5 chiếc bảng đen; hơn 60 bộ quần áo mới cùng bánh kẹo, sữa tặng các em học sinh bản Đình Tài; trao 2 suất quà trị giá 1 triệu đồng cho 2 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong bản. Đây là một trong những hoạt động giúp đỡ xã nghèo Xiêng My của Báo Nghệ An bằng những việc làm cụ thể, như xây dựng “ngân hàng bò giống”, tặng máy móc, thiết bị cho UBND xã, thăm hỏi, tặng quà thường xuyên cho người dân vào các dịp lễ, tết, đầu năm học mới… Tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Tất cả đều từ nguồn đóng góp của cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Nghệ An.
Bài, ảnh:  Nguyên Khoa