(Baonghean) - Từ những đầm lầy hoang hóa, một số nông dân huyện Diễn Châu mạnh dạn đầu tư biến thành những vùng đất có giá trị sinh lợi cao từ sản xuất, chăn nuôi. Những mô hình ấy là minh chứng cho quyết tâm làm giàu trên đầm lầy của nhiều gia đình ở vùng trũng...
 
Cách đây gần 10 năm, ông Hồ Văn Hai ở xóm 11, xã Diễn Liên (Diễn Châu) mạnh dạn nhận đấu thầu vùng đất Rộc Tháp là đầm lầy của xã để mở trại phát triển chăn nuôi. Thời điểm ấy, vùng này lầy lún đến ngang lưng, chỉ có cây lác mọc... Thế nhưng, chỉ với 1.400 con vịt làm vốn, năm đầu tiên, ông Hai đã thu lãi trên 40 triệu đồng. Ông tiếp tục nuôi thêm mấy lứa nữa, nhờ vậy kinh tế gia đình dần dần tăng lên. Những năm 2005 - 2006, lứa vịt nuôi bị dịch bệnh mất trắng. Lúc này, một số hộ theo ông ra vùng Rộc Tháp chăn nuôi đều thất bại…
 
images1130681_dsc_0217.jpgÔng Hồ Văn Hai (xóm 11, Diễn Liên, Diễn Châu) chăm sóc đàn lợn.
 
Cũng chính vào lúc này là thời điểm để ông Hai tính toán lại và quyết định đầu tư trang trại quy mô hơn. Được xã tạo điều kiện cho ông đổi đất gia đình về gần vùng đầm lầy, ông đứng ra nhận khoán đất của các hộ bỏ lại để đầu tư. May mắn, ông có con đi lao động xuất khẩu gửi thêm tiền về, nên có bao nhiêu vốn ông dồn cho trang trại. Năm 2008, ông đầu tư trên 400 triệu đồng thuê máy múc cải tạo lại toàn bộ ao đầm trong sự ngạc nhiên của bà con. Trên diện tích đầm khoảng 3 ha, ông cải tạo thành 6 ao vuông vức và sạch đẹp, trong đó 2 ao đầu nguồn nước nuôi cá giống và 4 ao cuối để nuôi cá thương phẩm, phía trên là ruộng lúa. Để tận dụng nguồn thức ăn, ông thiết kế quy trình khép kín, trên bờ trồng chuối, làm chuồng nuôi lợn và lều nuôi vịt, phía dưới nuôi cá nên thức ăn được tận dụng hết. Làm xong ao đầm, ông thả giống và hướng dẫn vợ con cùng làm. Ông còn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi.
 
Ngoài duy trì đàn vịt đẻ khoảng 1.000 con và 5 lợn nái vừa cung cấp giống chăn nuôi vừa bán và nuôi từ 2 - 3 lứa cá. Cuối vụ, ông thu hoạch theo hình thức cuốn chiếu, ao nào thả trước thu hoạch sớm, con nào chưa đạt thì chuyển sang ao khác để nuôi tiếp, đồng thời cải tạo ao thả lứa cá tiếp theo. Nhờ cách làm này, gần như tháng nào ông cũng có sản phẩm bán. Mỗi năm lãi ròng khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 - 3 lao động. Ông Hai cho biết: “Nuôi trồng thủy sản hiện nay lãi cũng có nhưng rủi ro rất cao; mỗi ngày chi phí 3 - 4 triệu đồng tiền thức ăn nhưng chẳng may gia cầm, cá bị dịch bệnh thì trắng tay. Để thành công, cùng với chăm sóc, phòng dịch bệnh thì phải chú trọng nguồn nước”. 
 
Một nông dân khác cũng “đánh thức” đầm lầy là ông Nguyễn Văn Xuân ở thôn Trung Hồng, xã Diễn Hồng. Nhà nghèo, bố mất sớm, 15 tuổi ông đã biết nuôi cá. Sau khi lập gia đình, ông mạnh dạn nhận đất lầy trũng của xã để làm ao nuôi và bán cá giống. Đến nay, ông có trang trại gần 3 ha ao đầm nuôi cá và gà, vịt, bồ câu, lợn thịt siêu nạc, doanh thu trên 200 triệu đồng/tháng. Ông Xuân kể lại: “Có đợt chỉ một mình tôi trong 15 ngày cải tạo hơn 500 m2 ao, đào đắp cả trăm khối đất, dần dần tôi cải tạo được 2,5 ha đầm”. Theo ông, để chăn nuôi có hiệu quả, cần nắm vững kỹ thuật nuôi và tính toán thời điểm xuất bán có ý nghĩa quyết định, nếu không đúng thời điểm thì không chỉ giảm lãi mà còn lỗ. Trang trại gia đình ông là cơ sở sản xuất giống lợn siêu nạc, để đảm bảo nguồn giống, phải đầu tư lợn nái, sau khi đẻ 2 - 3 lứa phải thay; còn vịt chỉ nuôi đúng chu kỳ là bán. Với hơn 20 năm làm trang trại, hiện ông có thể hỗ trợ bà con về các kỹ thuật chăn nuôi. Ông còn mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi với giá phù hợp, nên thu hút đông bà con đến mua, mỗi ngày bán từ 4 - 5 tấn sản phẩm.
 
Bên cạnh những mô hình nêu trên, ở Diễn Châu còn có nhiều người thành công từ khai phá đầm lầy đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Ông Võ Đức Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Liên cho hay: “Xã có khoảng 30 mô hình kinh tế nông nghiệp, trong đó có 5 mô hình quy mô lớn. Khi mới lập trang trại, ông Hai là học viên thường xuyên tham dự các lớp tập huấn của hội; nay thành công, ông lại là người “thầy” chuyển giao kiến thức nuôi trồng cho bà con nông dân”. Chủ tịch Hội Nông dân Diễn Châu ông Nguyễn Văn Viên cho biết thêm: “Tiềm năng phát triển mô hình ao chuồng, cá lúa của huyện đang khá lớn. Chính vì vậy, một trong những ưu tiên của Hội Nông dân trong thời gian tới là tăng cường các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, động viên nông dân phát triển sản xuất. Theo đó, mỗi mô hình lớn, phải làm tốt vai trò hạt nhân cùng với Hội Nông dân đẩy mạnh liên kết vùng và nhóm hộ hình thành các hiệp hội, HTX để tạo nên lượng hàng hóa tập trung và chỉ dẫn xuất xứ sản phẩm. Đây là một trong những giải pháp khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, thúc đẩy sản xuất phát triển và đảm bảo đầu ra vững chắc cho sản phẩm nông hộ.
 
Nguyễn Hải