Lớp 12 A1 -Trường THPT Thanh Chương 1. Ảnh: Mỹ Hà Cô giáo Nguyễn Thị Yến – Giáo viên dạy môn Hóa học – Trường THPT Thanh Chương 1:
Trong năm học này đây là lần thứ 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đề thi tham khảo để phục vụ cho kỳ thi cuối cấp của học sinh lớp 12 (lần 1 ngày 3/4 và lần hai ngày 7/5). Mục đích chính của đề là phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT nên so với các năm trước đề tham khảo lần 2 này phần phân loại ở 4 câu cuối rõ ràng hơn. Vì thế, để đảm bảo xét tốt nghiệp thì đề này hơi khó.
Tuy nhiên, nếu các trường đại học, cao đẳng dựa vào đề này để xét tuyển đầu vào thì chưa đủ và quá dễ để lấy làm tiêu chí tuyển sinh.
Ở đề thi năm nay, theo tôi đánh giá chưa có câu nào khó như đề thi các năm trước. Với mức độ đề thế này, tôi nghĩ năm nay điểm thi sẽ cao. Điều này cũng có thể lặp lại tương tự như Kỳ thi năm học 2017 - năm đầu tiên Bộ ra đề thi với 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Lúc đó, đề được đánh giá là nhẹ nhàng nên đã có một cơn mưa điểm 10 và điểm thi của thí sinh cũng rất cao.
Hiện tại với đề tham khảo mà Bộ mới ban hành, chúng tôi còn thấy đề nhẹ nhàng hơn đề của năm học 2017 và chắc chắn sẽ có mưa điểm 10 và sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc xét tuyển đầu vào.
Vì nếu đề dễ sẽ không phân biệt được mức độ của học sinh giỏi và mức độ khá, gần giỏi, dẫn đến số thí sinh điểm cao nhiều và không phân loại được thí sinh tốp trên. Cá nhân tôi cho rằng, nếu các trường đại học, cao đẳng muốn tuyển sinh những thí sinh có chất lượng và phân loại được đầu vào thì phải có phương án riêng để bổ trợ thêm ngoài việc xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Loan – Giáo viên môn Ngữ văn – Trường THPT Đô Lương 1
Đề thi tham khảo lần 2 của môn Ngữ văn sâu hơn đề thi minh họa lần 1. Về tổng thể, nó phù hợp với học sinh nhằm đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với chương trình phổ thông và chương trình giảm tải của Bộ và nằm trọn trong chương trình lớp 12.
Bên cạnh đó, đề thi minh họa có cấu trúc quen thuộc với học sinh gồm 2 phần (phần đọc hiểu và phần làm văn). Trong đó ở phần đọc hiểu văn bản rõ ràng, hệ thống câu hỏi theo mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng giúp học trò dể lấy được điểm khá. Ở câu nghị luận xã hội, nội dung của phần này được lấy từ phần của văn bản đọc hiểu nên học sinh dễ làm và có tính chất định hướng, giáo dục học sinh.
Đề này cũng có tính phân loại khá tốt. Ví dụ, đề thi yêu cầu cảm nhận vẻ đẹp đoạn trích của bài thơ Tây Tiến (nhà thơ Quang Dũng). Với đề thi này, học sinh phải phân tích được bức tranh thiên nhiên và hình tượng của người lính. Tuy nhiên, để học sinh có điểm khá, giỏi đòi hỏi học sinh phải nắm được ngôn ngữ, đặc điểm phong cách của nhà thơ Quang Dũng. Học sinh phải thấy được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên sẽ làm nền cho hình tượng người lính.
Hiện với đề này, chúng tôi cũng đã cho học sinh làm thử và thấy ở đề 2 chất lượng học sinh khá giỏi đạt khoảng 50%.
Học sinh Lê Trung Sao - Lớp 12 A1 - Trường THPT Thanh Chương 1
Năm nay em thi khối A1 (Toán – Lý – Anh), qua làm các đề thi em thấy so với lần 1, đề thi lần 2 độ phân hóa giảm khá nhiều và nếu để xét tốt nghiệp thì rất dễ dàng với học sinh. Chẳng hạn với môn Toán, nội dung phần hình học khá đơn giản và không cần nhiều đến tư duy của học sinh. Ở phần Vật lý, câu hỏi khó, đánh đố hầu như không còn và chỉ còn lại một câu nhưng cũng không quá khó. Ở phần Tiếng Anh, số lượng từ vựng và ngữ pháp phức tạp cũng đã giảm đi nhiều dẫn đến việc giải đề dễ dàng. Bản thân em làm đề này em tự chấm kết quả khá cao với Toán, Vật lý: 9,4 điểm và Tiếng Anh là 9,6 điểm. Các bạn khác trong lớp điểm thi cũng trên 25 điểm.
Với đề này, để xét tuyển vào các trường đại học ở top trên sẽ khó khăn hơn bởi các câu hỏi khó ít đi dẫn đến số lượng điểm cao nhiều hơn và chắc chắn điểm chuẩn cũng sẽ tăng theo. Hơn thế, điều này sẽ dẫn đến khó chọn ra những thí sinh giỏi thực sự. Bản thân em vẫn mong đề thi chính thức của Bộ sẽ khó hơn hiện tại so với đề thi minh họa lần 2 và tốt nhất thì theo đề lần 1 sẽ khả quan hơn.
Liên quan đến đề thi tham khảo tốt nghiệp năm 2020, thầy giáo Nguyễn Thọ - Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng đã làm một khảo sát nhanh về cảm xúc của học sinh khi nhiều ý kiến khẳng định đề tham khảo lần 2 dễ nên rất khó để phân hóa học sinh khá giỏi ( đa phần học sinh khá có thể làm được điểm 9 đến 9,5) và dẫn đến tình huống nhiều trường tốp trên có thể dùng thêm tiêu chí phụ để tuyển sinh. Trên thực tế, có đến 86,25% học sinh lo lắng điều này có thể xảy ra (69/80 học sinh).
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các nhà trường chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn phân tích Đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong quá trình phân tích cần đối chiếu với kết quả phân tích Đề thi tham khảo Kỳ thi THPTQG năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 03/4/2020 mà nhà trường đã thực hiện để so sánh phạm vi chương trình, phân bố nội dung thi, số câu hỏi/chủ đề, nội dung, dạng bài và mức độ kiến thức tương ứng. Từ đó thống nhất điều chỉnh nội dung và thời lượng ôn tập, ra đề thi tự luyện, đề thi thử phù hợp cho học sinh.
Trên cơ sở kế hoạch ôn tập của các bộ môn, nhà trường rà soát, điều chỉnh kế hoạch ôn tập thi THPTQG năm 2020 của trường. Khi điều chỉnh kế hoạch của trường cần lưu ý phân loại đối tượng học sinh về năng lực, nguyện vọng theo tổ hợp môn thi để phân nhóm lớp, phân bố thời lượng ôn tập phù hợp. Phân công giáo viên có kinh nghiệm hỗ trợ cho giáo viên dạy khối 12 trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch ôn tập bộ môn.
Nội dung ôn tập cần phù hợp với mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đảm bảo kiến thức, kỹ năng cho những học sinh có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng.
Việc tổ chức ôn tập cho học sinh sau khi kết thúc chương trình của năm học phải được nhà trường thỏa thuận với phụ huynh, học sinh và tổ chức theo đúng các quy định hiện hành.