Theo dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 20/5, cán bộ coi thi là giáo viên trường THPT hoặc THCS trên địa bàn tỉnh, cán bộ giám sát phòng thi là giáo viên THPT. Đây là điểm khác biệt lớn so với kỳ thi THPT quốc gia bởi như năm ngoái 50% cán bộ coi thi là giảng viên, chuyên viên các phòng, ban của trường đại học, cao đẳng.
Tương tự, với công tác chấm thi, các trường đại học cũng sẽ vắng bóng. Ban chấm thi tự luận năm nay sẽ có một hoặc nhiều hơn một tổ chấm thi. Mỗi tổ có tổ trưởng và cán bộ chấm thi đều là cán bộ, giáo viên đã và đang trực tiếp giảng dạy môn học đúng với môn chấm ở trường phổ thông.
Sự thay đổi trên xuất phát từ kỳ thi THPT năm nay đặt mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chỉ đạo, ra đề thi, song UBND tỉnh, thành phố chủ trì và chịu trách nhiệm tổ chức. Còn lại, quy trình coi thi, chấm thi, bảo quản bài thi về cơ bản giữ như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Xử lý thí sinh vi phạm quy chế
Các mức xử lý thí sinh vi phạm quy chế tương tự ở kỳ thi THPT quốc gia. Những thí sinh phạm lỗi nhìn bài hay trao đổi bài với thí sinh khác một lần sẽ bị khiển trách và bị trừ 25% tổng số điểm bài thi đó.
Thí sinh đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi bài đó tiếp tục nhìn bài, trao đổi bài; trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác; chép bài của bạn hay để bạn khác chép bài mình sẽ bị cảnh cáo, trừ 50% điểm.
Dự thảo quy chế cũng quy định các trường hợp bị hủy kết quả thi, gồm: giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; để người khác thi thay, làm bài hộ; có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi. Những trường hợp này sẽ bị lập hồ sơ gửi tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Giữ nguyên cách xét tốt nghiệp THPT
Cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm nay sẽ giống năm ngoái với 70% điểm thi tốt nghiệp THPT và 30% dựa vào kết quả học lớp 12. Công thức như sau:
Ngày 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận phương án thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT. Khoảng 900.000 thí sinh THPT sẽ thi ba bài thi bắt buộc là Toán (90 phút), Ngữ văn (120 phút), Ngoại ngữ (60 phút) và một bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội (mỗi môn thành phần trong từng tổ hợp là 50 phút). Thí sinh Giáo dục thường xuyên phải thi hai bài bắt buộc Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn. Các bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng bài Ngữ văn thi tự luận.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra trong hai ngày vào tháng 8. Ngày thi, lịch thi cụ thể sẽ được quy định trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.