Theo tổng hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, trong năm học này, toàn huyện có khoảng 20 giáo viên đang công tác ở các nhà trường xin chuyển về dạy ở miền xuôi. Điều này, gây nên khó khăn rất lớn cho các trường trong quá trình tổ chức dạy và học, đặc biệt khi số giáo viên chuyển trường đều là giáo viên dạy giỏi của tỉnh, của huyện và là giáo viên cốt cán của các nhà trường.

img_13377501948_2292020.jpgHọc sinh và giáo viên Trường Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương). Ảnh: Mỹ Hà

Năm học trước tại Hội nghị tổng kết năm học, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đã cho biết: Kỳ Sơn không còn giáo viên dạy giỏi tỉnh vì tất cả giáo viên dạy giỏi đã chuyển về xuôi.

Riêng năm nay, ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn nói thêm: Không chỉ giáo viên dạy giỏi tỉnh mà giáo viên dạy giỏi của huyện đã mất hơn một nửa. Đặc biệt, năm nay có một giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền và vừa được ngành Giáo dục tuyên dương cũng đã chuyển trường.

Tại huyện Tương Dương, hiện qua tổng hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thì từ tháng 8/2019 đến nay trên địa bàn huyện đã có 20 giáo viên thuyên chuyển công tác, trong đó người nhiều tuổi nhất sinh năm 1977 và đã làm Phó Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Lượng Minh. 
Nhiều giáo viên ở Trường Tiểu học Nậm Cắn (Kỳ Sơn) phải gửi con cho ông bà khi lên công tác vùng cao. Ảnh: Mỹ Hà
Bên cạnh đó, có 2 người khác cũng đã làm đến lãnh đạo nhà trường, 1 người là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Thái. 1/3 trong số giáo viên thuyên chuyển là xin chuyển về Vinh. Do giáo viên xin chuyển quá đông nên hiện nay, huyện tạm thời không đồng ý cho giáo viên tiếng Anh chuyển công tác vì huyện thiếu quá nhiều giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên, đã có 2 giáo viên xin thôi việc để chuyển về Nam Đàn, Thanh Chương. 

 Trong thời gian qua, rất nhiều huyện miền xuôi đã tuyển dụng giáo viên văn hóa và giáo viên tiếng Anh khiến cho rất nhiều giáo viên trên địa bàn huyện xin thuyên chuyển công tác. Đây là nhu cầu của mỗi cá nhân, nhưng việc giáo viên thuyên chuyển quá nhiều sẽ khiến cho giáo dục huyện nhà “vỡ trận” và chất lượng giáo viên miền núi sẽ giảm xuống.

Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2019 - 2020.

Thực tế này cũng đã được phản ánh tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnhnhưng giải quyết như thế nào là một vấn đề cần cân nhắc, bởi việc thuyên chuyển là quyền lợi của từng giáo viên và không trái với quy định.
Trao đổi thêm về nội dung này, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị trong năm học tới, nếu các địa phương tuyển dụng giáo viên từ các huyện miền xuôi thì trước khi tuyển dụng cần có văn bản đồng ý của đơn vị sở tại để tránh gây khó khăn cho cả địa phương và các giáo viên.
Việc quá nhiều giáo viên dạy giỏi thuyên chuyển đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác giáo dục ở các huyện vùng cao. Ảnh: Mỹ Hà
Trước đó, từ nhiều năm nay, trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An, số giáo viên là người vùng xuôi lên công tác khá đông, nhiều người trong số đó là vợ chồng. Vì điều kiện công tác khó khăn nên đa phần giáo viên "cắm bản" đều phải gửi con cho ông bà dưới xuôi nên việc thuyên chuyển về quê làm việc là nguyện vọng chính đáng của các thầy giáo, cô giáo nhằm ổn định cuộc sống.
Bất cập hiện nay là dù giáo viên thuyên chuyển nhiều nhưng nhiều năm nay các huyện miền núi lại ít được tuyển dụng mới, vì thế gây nên "khoảng trống" ở các nhà trường, cả về số lượng và chất lượng.
Tình trạng này, có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong năm học tới khi nhu cầu giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học và giáo viên tiếng Anh ở các huyện vùng xuôi đang thiếu rất nhiều. Thậm chí, nhiều địa phương dù có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không tuyển đủ giáo viên (như huyện Quỳnh Lưu). Đây chính là cơ hội cho các giáo viên vùng cao về xuôi, nhất là khi họ đều là giáo viên có kinh nghiệm và đã được công nhận giáo viên dạy giỏi của huyện, của tỉnh.