(Baonghean) - Chỉ những lúc thảnh thơi, PGS - TS Đinh Văn Nhã mới có thời gian để phiêu bồng cùng những vần thơ. Những bài thơ dung dị, mộc mạc chất chứa nỗi niềm về mẹ, về miền quê nghèo Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu), về những ngày còn thơ dại là hình ảnh khác về một nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước. Đọc thơ ông, cũng không ai tin rằng, đây là một trong ít những nhà khoa học hiếm hoi đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ và người có công lớn đưa công nghệ bia Việt Nam theo kịp và sánh ngang với nhiều nước trên thế giới…

Với độ tuổi ngoài sáu mươi, nếu nhìn vào những chức vụ mà hiện ông đang nắm giữ như Viện trưởng
images933783_7gap_mat_30_8.jpgGiáo sư Đinh Văn Nhã
Viện Khoa học Công nghệ và Đào tạo Omega, Phó Chủ tịch – Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam và Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Polyco thì không hiểu ông lấy đâu ra thời gian, sức khỏe để có thể cáng đáng hết công việc. Vậy mà, những ngày cuối năm dù bận rộn là thế, ông vẫn bay đi bay lại nhiều lần giữa Hà Nội và Thành phố Vinh. Bởi từ năm 2013, ông giữ thêm cương vị Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Vinh.  Hỏi ông, có ôm đồm quá không khi ở tuổi này còn nhận thêm một công việc nữa, ông chia sẻ rất chân tình: “Thời điểm này, đầu tư và giáo dục đúng là “mạo hiểm” và “phi lợi nhuận”. Nhưng mình là người Nghệ, nên muốn được đóng góp một chút công sức cho quê hương…”.
 
Làm thầy giáo cũng là nghề cao quý mà ông đã đeo đuổi bao nhiêu năm qua với vai trò là giảng viên cao cấp Bộ môn Điều khiển tự động Viện Điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước đó, từ năm 1975 ông là người Việt Nam đầu tiên được phong học vị tiến sĩ trong lĩnh vực Điều khiển tự động ngành Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Quốc gia Matxcơva. Hơn 40 năm đứng trên bục giảng, nhà giáo Đinh Văn Nhã được nhiều thế hệ sinh viên trân trọng bởi đức tính giản dị và một lòng tâm huyết với công việc. Cũng vì thế, khi tiếp tục được bổ nhiệm là giảng viên cao cấp ông lại gắn bó với nghiệp giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa và một số trường đại học khác dù ông đã đến tuổi được nghỉ ngơi. Với thành tựu KHCN của mình ông cũng đã được Mỹ phong tặng danh hiệu giáo sư danh dự, “Honorable Prt. Dinh Van Nha H.E” năm 2012.
Giáo sư Đinh Văn Nhã với sinh viên Trường Đại học Bách Khoa.
 
GS, TS Đinh Văn Nhã quê ở Quỳnh Lộc, Quỳnh Lưu, nhà nghèo, đông anh em nên ký ức tuổi thơ là những “Trưa hè nóng bỏng cát như sôi/ Nhai đọt dứa thâm sì mồm miệng”… May mắn thay, bố ông là một nhà nho, hay chữ nên dù có nghèo, có đói cũng gắng gượng cho con đi học. Học cấp I, cấp II rồi cấp III ở Quỳnh Lưu, với nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi nên sau khi thi đậu đại học, ông được nhà nước cử đi học ở Trường Đại học Xây dựng Quốc gia Matxcơva. Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, ông tiếp tục ở lại trường và hoàn thành chương trình tiến sỹ. Khi đó, ông mới 27 tuổi.
 
Nhớ lại những tháng ngày dùi mài kinh sử trên đất nước bạn, ông bảo “khó khăn đủ bề”. Tuy nhiên, nỗi vất vả đó cũng không thấm là bao so với nỗi ưu tư luôn đè nặng trên vai khi ở nhà vẫn đang còn bố mẹ và các em đang tuổi ăn tuổi học. Thế nên, vừa học, vừa làm có bao nhiêu tiền chắt bóp được ông đều gửi về nhà để bố mẹ lo cho em. Mãi đến khi em trai thứ 2, thứ 3, thứ 4 và các em kháclần lượt vào đại học và yên bề gia thất ông mới nghĩ đến việc lập gia đình. Từ tấm gương của người anh, các em ông tiếp bước con đường nghiên cứu khoa học. Thế nên, trong gia đình dòng học Đinh Văn, chẳng riêng GS-TS Đinh Văn Nhã mà đến thế hệ thứ 3 cũng đã có tới mấy người có học hàm tiến sỹ. Đó cũng là thành quả lớn nhất mà người anh cả như ông luôn cảm thấy tự hào và ông tin rằng “nếu gia đình đoàn kết, gắn bó, trên bảo dưới nghe, trên đe dưới sợ thì không có lẽ nào không phát triển, đoàn tàu cứ thế kéo nhau mà đi, không thể thiếu đi một mắt xích nào được”.
 
Nói về nghĩa anh em, thì câu chuyện 2 anh em Đinh Văn Nhã – Đinh Văn Thuận cùng nhau làm khoa học, cũng nhau làm kinh doanh khiến nhiều người ngưỡng mộ. Vốn cùng là giảng viên Trường Đại học Bách khoa (sau này Giáo sư Đinh Văn Thuận còn có nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) nên niềm đam mê lớn nhất của hai ông chính là nghiên cứu khoa học.  Chỉ tính riêng trong lĩnh vực sản xuất đồ uống, hai ông đã chế tạo thành công  các dây chuyền sản xuất bia chất lượng cao, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho đất nước. Năm 2005, cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ Cơ khí - Tự động hóa trong công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm” do 2 ông đồng chủ nhiệm và các cộng sự thực hiện được đánh giá là “Cụm công trình đặc biệt xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, được trao giải thưởng Hồ Chí Minh.
 
Trong đó sản phẩm khoa học công nghệ “Dây chuyền sản xuất Bia chất lượng cao” được bầu chọn là “Sản phẩm Công nghiệp chủ lực của Thành phố Hà Nội 3 kỳ liên tiếp (2007- 2009; 2009 - 2011; 2011 - 2013)”. Công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị sản xuất sữa chua công suất 6.000 lít/giờ” của ông cùng các cộng sự cũng được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) trao bằng phát minh sáng chế và giải thưởng, Huy chương vàng WIPO của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ngoài ra, Giáo sư Đinh Văn Nhã đã có gần 70 công trình và báo cáo khoa học trong và ngoài nước, tham gia 5 Hội nghị toàn cầu và 7 hội nghị quốc tế. Mới đây, ông còn được bổ nhiệm làm chuyên gia cao cấp và được bầu vào ban lãnh đạo Hiệp hội các Nhà Lãnh đạo toàn cầu Châu Á – Thái Bình Dương (tháng 4 năm 2013). Giải thưởng Quốc tế Einstein về KHCN năm 2013, Cúp Leona de Vinci – Cúp Number One do Viện CamBridge England IBC Academy phong tặng. 
 
Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng là giải thưởng rất đáng nhớ đối với hai anh em ông. Sau ngày nhận giải thưởng, ông được đến nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để báo cáo kết quả. Lần ấy, Đại tướng cũng chân thành khuyên ông “Khoa học thời nào cũng phải thực tiễn, phải gắn với dân”, thế nên sau này trước khi bắt tay vào nghiên cứu một công trình hay bất cứ một dự án nào, điều đầu tiên ông nghĩ tới cũng là tính hiệu quả, tính ứng dụng. Như các dây chuyền sản xuất bia chất lượng cao. Trước đây, để vận hành một dây chuyền bia với công suất 5 triệu lít theo công nghệ nước ngoài phải mất hàng trăm tỷ đồng. Nhờ công trình nghiên cứu của anh em ông, không những công suất tăng gấp đôi mà giá thành chưa đến 10 tỷ và được áp dụng rộng rãi ở các công ty, nhà máy bia, nước giải khát trên cả nước.  
 
Có được những thành công trong sự nghiệp và có những bước đi dài trong nghiên cứu khoa học lại càng thôi thúc Giáo sư Đinh Văn Nhã và anh em trong dòng họ Đinh Văn hướng về quê hương đất tổ. Điều đó, cũng lý giải vì sao, dù là một nhà kinh doanh và dù biết rằng thời điểm này xây trường là “lạc hậu” là “lỗi thời”, gia đình Giáo sư Đinh Văn Nhã vẫn quyết tâm trở lại quê nhà “gánh” lấy công việc nặng nề ở Trường Đại học Công nghiệp Vinh đúng vào lúc trường đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất. Tâm huyết, nặng nghĩa với quê hương và biết rằng dù có đi đâu, dù có làm gì thì mình vẫn là một người Nghệ, một người con gốc làng Quỳnh nên ông và gia đình đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây dựng Khu di tích lịch sử Truông Bồn, ủng hộ phong trào Khuyến học ở huyện Quỳnh Lưu và nhiều việc làm nghĩa tình khác… Với Giáo sư Đinh Văn Nhã, mãi mãi dù xa quê, trọ trẹ tiếng quê hương vẫn mãi là nguồn “yêu dấu ngàn thương để dẫn đường ta đi”, như trong một bài thơ ông đã từng tâm sự!
 
Bài, ảnh: Mỹ Hà