Đơn cử như địa bàn thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, nằm ngay trung tâm huyện nhưng đất nền rất khó giao dịch. Bà Nguyễn Thị Hương - cán bộ địa chính thị trấn Tân Lạc cho biết: Từ năm 2016 đến nay thị trấn đã quy hoạch trên 15 lô đất ở nhưng phải qua 2-3 lần đấu giá mới bán được 10 lô, hiện đang còn 5 lô vẫn chưa bán được.
Nguyên nhân đất nền ở đây khó bán là do điều kiện kinh tế ở miền núi còn khó khăn; các vị trí đất nền không bám đường quốc lộ, khó sinh lợi nên ít người mua.
Tính từ đầu năm 2018 đến nay, huyện Quỳ Châu tổ chức đấu giá 55 lô đất nhưng chỉ bán được 5 lô đất ở thị trấn Tân Lạc đạt trị giá 1,6 tỷ đồng. Nhiều xã còn tồn đọng chưa bán được đất như xã Châu Phong đang còn 20 lô, xã Châu Nga còn trên 20 lô… Trong năm 2018, tỉnh giao chỉ tiêu trên 3 tỷ đồng nhưng xem ra khó thực hiện được.
Tương tự, huyện Anh Sơn cũng còn khá nhiều xã tồn đọng đất đấu giá. Điển hình là xã Thành Sơn, trong năm 2018 xã đã quy hoạch tổ chức đấu giá 12 lô đất với giá khởi điểm 1 triệu đồng/m2 và có thông báo ngày 28/9 sẽ tổ chức đấu giá đất nhưng lại không có ai nạp đơn nên phải hủy cuộc đấu giá.
Theo đại diện phòng Tài chính kế hoạch huyện Anh Sơn cho biết thêm: Tính từ năm 2016 đến nay, địa bàn huyện Anh Sơn đang còn tồn đọng trên 70 lô đất đã qua quy hoạch đấu giá đất nhưng chưa bán được. Nhiều nhất đang còn các xã Cẩm Sơn (47 lô), Thạch Sơn (10 lô), Đỉnh Sơn (10 lô)…
Qua khảo sát có thể thấy, đất nền tại các huyện miền núi, bán sơn địa khó bán. Thực tế nhu cầu về đất ở của người dân vẫn đang có nhưng do tài chính khó khăn, ngân hàng thắt chặt hạn chế cho vay nên người có thu nhập thấp có nhu cầu mua đất không đủ khả năng tham gia đấu giá. Trong khi đó, các lô đất “sinh lợi” ở miền núi không còn nhiều. Các yếu tố trên đã ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá đất tại các huyện miền núi, ảnh hưởng đến thu ngân sách chung.