(Baonghean) - Cụm từ biến đổi khí hậu có vẻ khá xa lạ nhưng khi nói về những hiện tượng cực đoan của thời tiết như nắng nóng, hạn hán ngày càng dài, gay gắt hơn, mưa lũ thì cường độ mạnh hơn… thì người dân hiểu ngay. Đó là tất cả những gì mà chúng tôi nhận được sau các buổi tiếp xúc với người dân một số xã vùng biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu hay Nghi Lộc.
Nhận diện biến đổi khí hậu
Xã Diễn Kim huyện Diễn Châu được xác định là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu. Trong vòng mấy năm lại đây, chỉ riêng trên địa bàn xã có hàng chục hécta đất bãi ngoài bờ đê bị xói lở mỗi khi có bão và triều cường, nước biển tràn. Đất đai đành bỏ hoang, không sản xuất được. Không chỉ đất sản xuất bị ảnh hưởng, khi mưa bão, một số vùng dân cư ở Diễn Kim nước biển ngược theo các cống nhỏ chảy vào làng gây nhiễm mặn cục bộ làm cho hoa màu và một số cây ăn quả của người dân trong vườn nhà giảm năng suất… Còn một số xã khác như: Diễn Ngọc, Diễn Kỷ, Diễn Vạn, Diễn Bích lại xuất hiện một trạng thái tiêu cực khác là do mưa nhiều nên một số vùng sản xuất muối bị ngọt hóa, năng suất kém. Gần 60 hécta đất muối của huyện Diễn Châu phải bỏ hoang, trong đó, xóm Hải Thượng, xã Diễn Ngọc có khoảng 15-16 ha, làng Đô Kỷ, xã Diễn Kỷ gần 20 ha, xã Diễn Vạn 35 ha…
Theo khảo sát, tính toán của cơ quan chuyên môn, xã Nghi Quang, Nghi Lộc là địa bàn chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Chủ tịch UBND xã Trần Hải Dương, chia sẻ: “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với địa bàn xã là tình trạng thiếu nước tưới và nắng hạn. Mỗi khi nước đầu nguồn về ít gặp thời tiết nắng nóng thì đồng lúa của xã đứng trước nguy cơ nước mặn xâm thực. Mấy năm nay, có thời điểm nước mặn đã lên đến bara Nghi Quang. Do ở cuối nguồn nước tưới của hệ thống thủy lợi Nam nên không chỉ Nghi Quang mà một số xã bên cạnh như Nghi Tiến, Nghi Thiết và Nghi Vạn, mỗi khi thời tiết thất thường (cụ thể như năm nay không xuất hiện mưa Tiểu mãn) thì vụ hè thu sắp tới chắc sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích vì thiếu nước.
Chú trọng phòng ngừa, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu
Để hạn chế, giảm thiểu tác hại đồng thời ứng phó một cách chủ động với biến đổi khí hậu, những năm qua, các địa phương ven biển nỗ lực lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư nâng cấp các tuyến đê biển, đê sông và các công trình thủy lợi. Riêng huyện Diễn Châu, được sự quan tâm của Nhà nước, từ năm 2006 lại đây, huyện được đầu tư khoảng 340 tỷ đồng để nâng cấp gần 23 km đê sông và gần 25 km đê biển. Cùng với đầu tư nâng cấp gần như hoàn chỉnh các tuyến đê sông, đê biển, các cống thủy lợi điều tiết nước nhằm giữ ngọt, ngăn mặn như cống Diễn Thành, Diễn Thủy hay cống Diễn Hải, Diễn Hùng được sửa chữa, nâng cấp.
Ở huyện Nghi Lộc, ngoài cống Nghi Quang, bara Thượng Xá, đập Khe Lầy… đã được nâng cấp lớn thì Nhà nước đã và đang đầu tư hàng chục tỷ đồng làm tuyến đê bao ngăn mặn tả và hữu sông Cấm, chuẩn bị nạo vét để xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho ngư dân, khơi thông luồng lạch để ngăn ngừa, giảm thiểu tác động khi mưa bão, nước biển dâng… Trong những giải pháp phòng chống thiên tai ven biển, việc trồng rừng ngập mặn được xem là hữu hiệu vì kinh phí ít, hiệu quả cao. Chẳng hạn, để có được trên 50 ha rừng ngập mặn dọc bờ sông Bùng đến Lạch Vạn hiện nay, xã Diễn Kim (Diễn Châu) tổ chức 3 đợt trồng vào năm 1994, 1997 và 1998. Ban đầu dự án chỉ khoảng 20 ha nhưng sau đó xã vận động và người dân tự trồng, khoanh nuôi, bảo vệ nên diện tích được mở rộng trồng hết đất ngập mặn với trên 50 ha. Bà Nguyễn Thị Thứ, xóm Tiền Tiến 2, xã Diễn Kim cho biết: “Gia đình tôi ở ven đê nên khi xã phát động trồng rừng thì cả nhà tham gia ngay. Sau đó, chúng tôi cùng với bà con hàng xóm bảo vệ, giữ gìn để rừng ngập mặn xanh tốt như hiện nay. Từ khi có rừng ngập mặn, ngoài góp phần hạn chế sạt lở đê, kè (do sóng vỗ) và ngăn nước mặn xâm thực, rừng còn là nơi các sinh vật mặn lợ như cua, sò, ngao, ốc… về sinh sống, đem lại nguồn thu cho khoảng 30 - 50 người trong xóm với thu nhập bình quân từ 50 -70 ngàn đồng/người/ngày. Ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch UBND xã cung cấp thêm: “Mỗi năm doanh thu từ rừng ngập mặn khoảng 600 - 700 triệu đồng, trong đó chủ yếu là cua giống. Mới đây có doanh nghiệp ngỏ ý muốn đấu thầu khu vực rừng ngập mặn của xã để khoanh nuôi nhưng xã từ chối...”.
Hiện nay, ngoài Diễn Kim, một số xã của Diễn Châu như Diễn Bích trồng 150 ha, Diễn Vạn 100 ha, chiếm 50% diện tích rừng ngập mặn toàn tỉnh và trên 1.000 ha rừng phòng hộ phi lao chắn cát ven biển… Bên cạnh đó, một giải pháp đang mang lại hiệu quả là chuyển một số diện tích bị ngập mặn trồng rừng, nuôi trồng thủy sản trên diện tích sản xuất muối. Mặc dù chưa có mô hình, hướng dẫn cụ thể nhưng trên thực tế các địa phương đã triển khai và làm khá tốt việc này. Cụ thể, xã Diễn Kim đã chuyển trên 90 ha đầm mặn lợ vốn là đồng muối sang nuôi tôm công nghiệp (dự án của Intimex); xã Diễn Ngọc 16 ha, Diễn Kỷ 20 ha, Diễn Vạn 35 ha, Diễn Trung 15 ha đất làm muối bị ngọt hóa và mặn lợ sang nuôi cá và nuôi tôm và cua rất ổn định; xã Nghi Quang cũng chuyển một số diện tích đất kém hiệu quả, thiếu nước ngọt sang nuôi tôm với diện tích lên tới 27 ha… Không chỉ nuôi trồng thủy sản, một số huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu, TX Cửa Lò còn khuyến khích người dân nuôi lồng bè (hàu, cá…) trên sông, biển. Đây được xem là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Ông Cao Văn Thái - Phó phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: “Từ ngày được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống đê biển, đê sông, người dân 9 xã biển Diễn Châu yên tâm mỗi khi có bão gió. Những việc làm trên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Huyện cũng thường xuyên tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu và các kịch bản ứng phó để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi bão lũ, mưa gió xảy ra...”. Theo khảo sát của chúng tôi, tại Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai mặc dù tuyến đê sông, đê biển đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng hiện nay vẫn còn một số tuyến đê biển thi công dang dở, chậm tiến độ. Bên cạnh đó, các đê được nâng cấp lâu nay đang dựa trên nền hoặc kè cũ nên khả năng chống sóng triều cường và chống sạt lở rất hạn chế, chỉ chịu được mưa bão gió cấp 10; một số cầu cống thủy lợi và hồ đập đang bị xuống cấp nên rất cần được quan tâm để sửa chữa kịp thời...
Bài, ảnh: Nguyễn Hải