(Baonghean) - Để có được một vụ sản xuất lúa hè thu ăn chắc là mong muốn của tất cả bà con nông dân. Những vụ hè thu trước đây, vụ nào được mùa trọn vẹn chủ yếu là do lúa xuân năm đó thu hoạch sớm để gieo cấy lúa hè thu kịp thời vụ. Đồng thời đầu vụ gieo cấy gặp thời tiết thuận lợi, hạn hán không xẩy ra, cuối vụ thu hoạch không gặp mưa to gió lớn gây ảnh hưởng đến kết quả sản xuất.
Sản xuất hè thu năm nay ở tỉnh ta đang đứng trước những khó khăn và thách thức cần phải lượng định trước để có giải pháp khắc phục. Do đầu vụ lúa xuân năm nay nhiệt độ không khí xuống quá thấp (từ 160C trở xuống) trời âm u, thiếu ánh sáng kéo dài gần 50 ngày đêm nên thời gian sinh trưởng của cây lúa kéo dài ra, dẫn đến hậu quả đại bộ phận diện tích lúa xuân phải thu hoạch chậm so với năm bình thường ít nhất là 5 – 7 ngày và có nơi phải trên dưới 10 ngày, đây là một cản trở lớn làm chậm trễ thời vụ gieo cấy vụ hè thu năm nay ở tỉnh ta.
Ngoài ra, vụ sản xuất hè thu năm nay hạn hán có khả năng xảy ra nhiều. Vì các tháng vừa qua lượng mưa ở tỉnh ta không đáng kể. Do vậy, lượng nước dự trữ trong số 625 hồ đập lớn nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh sụt giảm nhiều so với mức thiết kế. Trong khi đó, nguồn nước trên các sông suối, nhất là sông Lam, sông Hiếu xuống dưới mức thấp nhất do trời không mưa và lượng nước từ thượng lưu về bị các hồ đập thuỷ điện ngăn giữ lại để phát điện. Nếu không có sự điều hoà giữa thuỷ điện và nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (SXNN) ở vùng bơm điện dọc sông Lam, sông Hiếu và vùng tưới nước tự chảy thuộc hệ thống ba ra Đô Lương sẽ bị ảnh hưởng lớn. Cùng với đó, quy luật mùa lụt bão ở tỉnh ta cứ sau ngày 10 tháng 9 hàng năm trở đi sẽ bắt đầu xuất hiện và kéo dài cho đến đầu tháng 11 mới giảm dần. Vì vậy, chọn giống lúa ngắn ngày và thời vụ gieo cấy sớm có tính quyết định rất lớn đến thắng lợi của vụ lúa hè thu này.
Để đối phó, tránh né những khó khăn và thách thức lớn nói trên, chúng ta cần thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất: Phải quản lý và sử dụng nước rất tiết kiệm. Khả năng xảy ra hạn hán lớn trong vụ sản xuất hè thu năm nay là chắc chắn. Hiện nay lúa đông xuân đã thu hoạch, hồ đập không nhất thiết phải mở cống xả nước nữa mà phải đóng cống tích giữ nước. Tích giữ nước tại ruộng để có đủ nước gieo cấy lúa kịp thời vụ. Tuyệt đối tránh tình trạng tháo nước khô kiệt trong ruộng trước khi thu hoạch. Mỗi một địa phương cần tranh thủ nạo vét kênh mương, chuẩn bị mọi phương tiện chống hạn, ngăn mặn rất có khả năng xảy ra, nhất là vùng tưới nước bằng hệ thống bơm điện và vùng gần các cửa sông ven biển.
Thứ hai: Do việc triển khai gieo cấy vụ lúa hè thu năm nay có thể chậm hơn bình thường, nên các cơ sở sản xuất cần chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời gian vận chuyển phân chuồng ra tấp tủ tại bờ ruộng trước khi thu hoạch lúa. Đồng thời cần sớm có kế hoạch mua đủ các loại phân bón, giống lúa để chủ động thời vụ gieo mạ và có đầy đủ phân bón trước khi xuống đồng cấy lúa.
Thứ ba: Chỉ nên gieo cấy các giống lúa ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng từ 100 ngày trở lại.
Vụ lúa hè thu là vụ lúa sản xuất tránh né lụt bão, và chỉ có tránh né được lụt bão thì mới ăn chắc, mới có thu hoạch trọn vẹn. Vì vậy, chỉ nên gieo cấy các giống lúa có thời gian sinh trưởng càng ngắn ngày càng ăn chắc.
Từ định hướng cơ cấu giống lúa của ngành nông nghiêp, bà con nông dân và các cơ sở sản xuất nên chọn lọc từ 1 – 2 giống cho một hộ gia đình và từ 2 - 3 giống cho một cơ sở sản xuất để gieo cấy.
Thứ tư: Chủ động thời vụ gieo cấy càng sớm càng tốt, thời vụ để gieo mạ cho vụ lúa hè thu năm nay bà con nông dân nên nhìn vào bông lúa của vụ xuân, nếu thấy bông lúa đã vào giai đoạn chắc xanh vàng mơ thì tiến hành gieo mạ để gặt xong lúa xuân làm đất cấy ngay lúa hè thu.
Thứ năm: Không nên gieo sạ (gieo thẳng) trong vụ hè thu, nhất là những năm lúa xuân phải thu hoạch chậm. Gieo sạ có ưu điểm giải quyết nhanh gọn hơn khâu gieo mạ để cấy. Nhưng gieo sạ có 3 nhược điểm lớn, đó là: gieo sạ sẽ đẩy lùi thời gian sinh trưởng của cây lúa kéo dài về sau, khó tránh né được lụt bão nên dễ bị mất mùa. Gieo sạ sẽ gây ra tình trạng lãng phí nước, làm mất nước do phải tháo nước để gieo. Trong khi đó, chúng ta cần phải tiết kiệm nước để phòng chống hạn. Gieo sạ không thể bảo đảm được mật độ cây lúa đồng đều trên đơn vị diện tích. Nên có tình trạng chỗ dày, chỗ thưa, và rất khó khăn trong khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân và phòng trừ sâu bệnh, nhất là phòng chống rầy nâu.
Doãn Trí Tuệ