Theo số liệu từ năm 2017 - 2019, lao động Nghệ An đi Nhật theo Chương trình IM JAPAN là 480 người, trong đó có 24 lao động đã bỏ trốn, chiếm 5%. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2019 đã có 9 trường hợp bỏ trốn.
“Nếu không có giải pháp, số lao động ở Nhật bỏ trốn sẽ tăng dần và rất ảnh hưởng đến uy tín xuất khẩu lao động của tỉnh”, ông Đoàn Hồng Vũ cảnh báo.
Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Sở LĐ - TB&XH, đây là bài toán khá khó khăn. Vì quan trọng nhất vẫn là gia đình người lao động, nhưng mặc dù đã về tận nhà để nắm bắt, tuyên truyền, vận động song không ít gia đình có lao động bỏ trốn từ chối hợp tác với cơ quan chức năng.
Giám đốc Sở LĐ - TB&XH đề nghị cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cấp xã, cấp huyện trong công tác tuyên truyền.
Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị, từ khảo sát, nắm tình hình tổng thể, Sở LĐ - TB&XH nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, quản lý lao động.