Sáng 13/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện đề án giải quyết việc làm và tổng kết công tác xuất khẩu lao động năm 2018; triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng tham dự có đại diện các sở, ban, ngành và các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.
Giải quyết việc làm cho 150.510 người
Trong giai đoạn năm 2015- 2018 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 150.510 người đạt 100,47% so với kế hoạch đề án đề ra. Trong đó xuất khẩu lao động 53.174 lao động, tăng 15,4 % so với giai đoạn 2010 – 2014.
Công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả; mỗi năm giải quyết việc làm mới cho hơn 37.000 lao động; trong đó xuất khẩu lao động hơn 13.000 người, giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh hơn 24.000 người, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động đúng hướng.
Chất lượng lao động từng bước được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015 lên 61% năm 2018.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH thì: Vấn đề giải quyết việc làm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người lao động. Số lao động chưa có việc làm còn nhiều hoặc có việc làm nhưng thiếu ổn định, thiếu bền vững.
Chất lượng đào tạo nghề chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường trong và ngoài nước; trình độ tay nghề, ngoại ngữ lẫn thể lực, ý thức kỷ luật còn hạn chế; thiếu lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao.
Mỗi năm có hơn 255 triệu USD từ XKLĐ
So với năm 2017, kết quả XKLĐ năm 2018 đạt cao và vượt kế hoạch đề ra. Nghệ An dẫn đầu cả nước về số lượng đi XKLĐ. Hiện tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài khoảng 60.898 người. Nguồn thu nhập do XKLĐ chuyển về tỉnh hàng năm ước đạt 255 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, mặc dù năm 2018 toàn tỉnh đã đưa được 13.655 người tham gia lao động ở nước ngoài nhưng số lao động đi làm việc có thời hạn tại các nước vẫn còn thấp; việc tiếp cận những thị trường có thu nhập cao còn hạn chế. Mặt khác, trong cơ cấu lao động được tuyển xuất khẩu thì số lao động thuộc diện chính sách và hộ nghèo, số lao động qua đào tạo có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng để có được chất lượng và số lượng lao động đáp ứng nhu cầu thị trường, bản thân người lao động cần tự trang bị tay nghề trước khi có nhu cầu được tuyển dụng.
Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp cần có cơ chế tạo việc làm cho những lao động hết thời hạn về nước, hoặc có các cơ chế phù hợp để họ được tiếp tục làm việc ở nước ngoài, bởi bản thân những lao động này đã được đào tạo tay nghề chất lượng cao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông yêu cầu: các sở ngành, đơn vị cần chú trọng công tác phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là lao động có tay nghề cao. Tăng cường gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, các khu kinh tế để bố trí việc làm cho người lao động sau đào tạo.
Về công tác xuất khẩu lao động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành, thị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chính sách XKLĐ; khuyến khích và tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp XKLĐ có khả năng, uy tín mở chi nhánh, văn phòng tư vấn, tuyển chọn lao động; cần tiếp tục mở rộng thị trường XKLĐ.
Có 27 tập thể được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách khuyến khích XKLĐ trên địa bàn tỉnh năm 2018.