(Baonghean) - Theo thông tin bà N. cung cấp: Gia đình bà được UBND huyện Thanh Chương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1997. Do địa hình đồi núi nên năm 2009, gia đình bà đã thuê máy múc về san lấp đất. Vào thời gian này, gia đình ông S. có thửa đất liền kề với thửa đất của gia đình bà cũng thuê máy để san đất. Sau đó, gia đình ông S. đã xây lại hàng rào và lấn sang đất của gia đình bà với diện tích 90 m2. Mặc dù gia đình bà đã nhiều lần phản đối và làm đơn khiếu nại đến UBND xã X. yêu cầu giải quyết nhưng đến nay gia đình ông S. vẫn không chịu trả lại đất cho gia đình bà.
 
Hỏi:
 
1. Việc tranh chấp đất của gia đình bà đã xảy ra một thời gian khá lâu, bà đã làm đơn khiếu nại yêu cầu UBND xã X. giải quyết nhưng UBND xã X. chỉ tiến hành hòa giải mà không giải quyết dứt điểm. UBND xã X. làm vậy là đúng hay sai?
 
2. Bà phải làm đơn đến cơ quan nào để buộc ông S. phải trả lại 90 m2 đất đã lấn chiếm của gia đình bà?
 
Trả lời:
 
1.Khi xảy ra tranh chấp đất giữa gia đình bà và gia đình ông S., bà đã làm đơn khiếu nại đến UBND xã X. để yêu cầu giải quyết. Sau đó, UBND xã X. đã tiến hành hòa giải. Như vậy, việc làm này là đúng với quy định của pháp luật. Khoản 2, khoản 3 Điều 202 Luật đất đai năm 2013 quy định:
 
“2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
 
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai”.
 
Như vậy, căn cứ vào quy định này thì trách nhiệm của UBND cấp xã khi có tranh chấp xảy ra tại địa phương mình thì phải tiến hành hòa giải. UBND cấp xã không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. 
 
2.Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất được quy định cụ thể tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
 
"1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
 
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
 
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
 
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
 
Như vậy, thửa đất của gia đình bà đã được UBND huyện Thanh Chương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1997. Do đó, việc giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền của tòa án. Để yêu cầu gia đình ông S. trả lại phần diện tích đất đã lấn chiếm của gia đình bà, bà phải làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương để được giải quyết.
 
Văn phòng Luật sư Trọng Hải & cộng sự