(Baonghean) - Việc ra đời các ban tiếp công dân đã kịp thời giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của người dân, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với cơ quan Nhà nước. Qua đó góp phần duy trì sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.   

Ngày 25/11/2013, Luật Tiếp công dân được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Luật Tiếp công dân ra đời đã quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh. Việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân. Nhờ đó đến nay, hầu hết các vụ việc KNTC trên địa bàn tỉnh đã được giải quyết dứt điểm, kịp thời, tạo lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước. 
images1131045__nh_pham_bang.jpgCán bộ Ban tiếp dân Thành phố Vinh nghe ý kiến người dân.
 
Bám sát các nội dung của Luật Tiếp công dân, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân; tổ chức hội nghị tập huấn Luật Tiếp công dân cho cán bộ chủ chốt các cấp. Bên cạnh việc thành lập và đưa vào sử dụng Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo thành lập Ban Tiếp công dân thường xuyên tại các cấp, ngành. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã thành lập Ban Tiếp công dân thường xuyên bước đầu hoạt động có hiệu quả. 
 
Huyện Nghi Lộc là địa phương đầu tiên thành lập Ban Tiếp công dân thường xuyên. Ngày 29/10, UBND huyện đã có quyết định thành lập Ban Tiếp công dân, gồm có 3 cán bộ, trong đó Phó Chánh Văn phòng kiêm Trưởng Ban Tiếp dân, cán bộ phòng Thanh tra chuyên trách và cán bộ phòng Nội vụ làm công tác kiêm nhiệm. Trụ sở, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, trụ sở tiếp công dân có vị trí thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân cũng như cán bộ tiếp dân. Ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Tiếp công dân huyện Nghi Lộc cho  biết: Trước đây, công tác tiếp dân thực hiện định kỳ 1 tháng 2 lần và chủ yếu giao cho Phòng Thanh tra trực tiếp xử lý các nội dung kiến nghị, phản ánh cũng như đơn thư của công dân, nên thời gian giải quyết chưa nhanh. Nhưng nay, tất cả được tập trung về một mối và Ban có nhiệm vụ khâu nối với các phòng, ban chức năng để đẩy nhanh thời gian giải quyết. Vì vậy, đã tạo điều kiện cho người dân cũng như nâng cao trách nhiệm cho các phòng, ban chức năng. Nhờ đó, lượt công dân đến được giãn ra mà không tập trung vào 2 ngày tiếp công dân định kỳ. 
 
Xét về lượng đơn thư thì Thành phố Vinh là địa phương có số lượng lớn, chiếm hơn 1/3 tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo của tỉnh. Trung bình mỗi tháng, Thành phố Vinh nhận 300 đơn thư và số lượt tiếp công dân nhưng từ ngày thành lập Ban Tiếp dân thì đã giảm còn khoảng 150 lượt, đơn thư. Ông Chu Văn Mai, Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Ban Tiếp công dân thành phố cho biết: Trước đây, người dân thường mang đơn đi lòng vòng đến nhiều phòng, ban nên rất khó khăn cho cơ quan chuyên môn, thời gian xử lý kéo dài. Nhưng khi có Ban Tiếp công dân thì người dân có thể đến bất cứ lúc nào và được ban tiếp nhận nhanh chóng, sau đó chuyển cho các đơn vị liên quan xử lý. Ban cũng thường xuyên đôn đốc, giám sát việc xử lý nên rút ngắn thời gian cũng như tăng trách nhiệm cho các phòng, ban liên quan. Bên cạnh đó, sau khi tiếp nhận đơn, khiếu nại cán bộ Ban Tiếp công dân hướng dẫn, giải thích tận tình giúp nhân dân hiểu biết các quy định của pháp luật, nhờ đó hạn chế bức xúc, giảm khiếu kiện kéo dài.
 
Điển hình như vụ việc tố cáo của ông V.T (trú tại xóm Mẫu Đơn, xã Hưng Lộc, Thành phố Vinh). Ngày 30/10, ông T. đến trụ sở Ban Tiếp công dân của Thành phố Vinh gửi đơn tố cáo. Trong đơn, ông T. tố cáo con trai có hành vi chiếm đoạt mảnh đất 500m2 tại xã Nghi Phú của ông bằng việc lừa ông làm hồ sơ chuyển nhượng đất và giả mạo chữ ký. Sau khi nhận đơn, Ban Tiếp dân Thành phố Vinh chuyển hồ sơ sang Phòng Tài nguyên - Môi trường Thành phố Vinh. Nhận thấy việc tố cáo của ông T. là không có cơ sở vì việc tặng đất cho con trai được ông T. tự nguyện vào năm 2011. Ngày 18/12, Ban Tiếp công dân mời ông T. lên làm việc. Trong buổi làm việc, đại diện Ban Tiếp công dân đã hướng dẫn, giải thích cho ông T. hiểu những quy định pháp luật cũng như phân tích việc tố cáo sẽ làm sứt mẻ tình cảm cha con.
 
Sau khi được tuyên truyền, giải thích ông T. đã đồng ý rút đơn.  Hay như trường hợp tranh chấp đất đai của ông P. Đ. T, xóm 6, xã Hưng Chính, Thành phố Vinh với người em ruột là ông P. Đ. H liên quan đến mảnh đất xây dựng nhà thờ. Sau khi tiếp nhận đơn cũng như nghiên cứu các văn bản liên quan, Ban Tiếp công dân đã giải thích cho ông T. biết rằng, mảnh đất trên đã được ông H. sử dụng lâu năm và được Nhà nước thừa nhận. Việc ông T. kiện em trai mình sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ ruột thịt, hàng xóm chê cười. Ban cũng hướng dẫn cho ông T. về bàn bạc, trao đổi cụ thể với gia đình trên cơ sở hòa giải để tìm được tiếng nói chung. Chỉ ít ngày sau đó, ông T. đã lên Ban Tiếp công dân xin rút lại đơn và cho biết mọi việc đã được giải quyết thỏa đáng.
 
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng hơn 10 địa phương triển khai thành lập Ban tiếp công dân. Tuy đã có những hiệu quả bước đầu nhưng trong quá trình triển khai đang gặp những vướng mắc cần tháo gỡ. Một số địa phương đang trong quá trình thành lập Ban Tiếp công dân còn chưa đúng theo quy định. Theo quy định thì cơ cấu Ban Tiếp công dân cấp huyện không có phó ban mà chỉ có trưởng ban. Điều này đã vô hình trung gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của các Ban Tiếp công dân. Hơn nữa, với số lượng nhân sự của Ban được quy định còn ít so với nhu cầu thực tế. Ông Chu Văn Mai, Trưởng Ban Tiếp công dân Thành phố Vinh cho biết: Quy định không có phó ban là chưa hợp lý bởi vì khi trưởng ban đi vắng thì hồ sơ không phê duyệt kịp thời dẫn đến việc xử lý, giải quyết bị chậm lại.
 
Hơn nữa, địa bàn Thành phố Vinh là đơn vị có số lượng đơn thư nhiều thì việc chỉ có 4 cán bộ chuyên trách là ít, đặc thù công việc tiếp dân là áp lực nên chỉ một cán bộ vắng thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của Ban. Cùng quan điểm, ông Trần Văn Hải, Trưởng ban Tiếp công dân huyện Nghi Lộc cho biết: Ban chỉ có một cán bộ chuyên trách, còn 2 cán bộ khác đang kiêm nhiệm; chế độ chính sách cho đối tượng làm công tác tiếp dân chưa có hướng dẫn cụ thể, kinh phí hoạt động chưa được phê duyệt và đang chờ văn bản hướng dẫn của cấp trên nên gây khó khăn trong quá trình hoạt động. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân cần có sự điều chỉnh về nguồn nhân lực cho phù hợp với tình hình thực tế.
 
Nguyên Hưng