(Baonghean.vn) - Sáng 19/3, UBND tỉnh họp bàn dự thảo kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn tỉnh giải đoạn 2015- 2020.
Tham dự có đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, UBMTTQ tỉnh, các sở: Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính. Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh chù trì.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 111 người ăn xin, tâm thần lang thang. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã chuyển trả về các tỉnh khác 142 trường hợp người ăn xin, người tâm thần lang thang; tiếp nhận 64 trường hợp người Nghệ An đi ăn xin ở tỉnh khác; đưa 78 người về với gia đình và 46 người vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Để đến năm 2020 giải quyết cơ bản tình trạng người lang thang, xin ăn, sinh sống nơi công cộng tren địa bàn tỉnh, dự thảo kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể là: đưa 95% người ăn xin, người tâm thần lang thang trên địa bàn tỉnh về với gia đình hoặc đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội; phối hợp với các tỉnh đưa người lang thang về địa phương nơi cư trú cho khoảng 200 người.
Các giải pháp được đưa ra là: Tập trung, phân loại đối tượng thành 3 nhóm: người ăn xin lang thang, người tâm thần lang thang và người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa lang thang ăn xin. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức tập trung người lang thang trên địa bàn địa phương quản lý, chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ trong việc tập trung, tư vấn đưa người lang thang trở về với gia đình hoặc đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, các cấp chính quyền cơ sở trong công tác phòng ngừa tình trạng người lang thang; tăng cường công tác quản lý đăng ký nhân khẩu, hộ khẩu; lồng ghép thực hiện chính sách an sinh xã hội…
Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang cần bổ sung thêm việc phân loại và xử lý quyết liệt các đối tượng lười lao động, lợi dụng ăn xin, các đối tượng chăn dắt người ăn xin. Trước mắt, cần nhanh chóng giải quyết tình trạng người lang thang ăn xin tại các di tích, các lễ hội. Về lâu dài, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa và huy động sự đóng góp của xã hội để chăm lo cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thực sự; theo dõi, quản lý và phát hiện những em học sinh có nguy cơ bỏ học để kịp thời có biện pháp động viên, giúp đỡ; tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện nếp sống văn minh đô thị gắn với việc thực hiện giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn khu dân cư…
Minh Quân