(Baonghean) - Cuối tháng 2/2015, Báo Nghệ An nhận được đơn của công dân huyện Nam Đàn kiến nghị xung quanh việc cơ quan BHXH chậm thực hiện Nghị định 153/2013/CĐ-CP, gây thiệt thòi cho những cán bộ y tế cơ sở có thời gian tham gia quân ngũ. 
 
Người viết đơn gửi Báo Nghệ An là ông Nguyễn Huyền Nhung, Trưởng Trạm Y tế xã Xuân Lâm (Nam Đàn). Nội dung đơn tóm tắt như sau: Tại các trạm y tế cơ sở hiện có nhiều cán bộ, nhân viên nguyên là những quân nhân, có thời gian dài tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với người có công, nhưng những cựu quân nhân nay là cán bộ, nhân viên y tế cơ sở chưa được hưởng một chế độ nào. Ngày 8/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 153/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân; theo đó, những người có thời gian tham gia quân đội sau khi hoàn thành nhiệm vụ về công tác tại các trạm y tế chưa được hưởng chế độ gì thì được cộng nối thời gian quân ngũ để hưởng chế độ BHXH. Tuy nhiên, Nghị định 153 và sau đó là Thông tư hướng dẫn của các bộ liên quan vẫn chưa được thực hiện. Một số cán bộ, nhân viên y tế đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được các cơ quan BHXH giải quyết chế độ dẫn đến thiệt thòi. Đề nghị Báo Nghệ An thông tin vấn đề này để cơ quan BHXH thực hiện những quy định của Nghị định 153...
 
images1142229_1a.jpgTrưởng Trạm Y tế xã Xuân Lâm (Nam Đàn) Nguyễn Huyền Nhung (phải) khám bệnh cho người dân. Ảnh: Nhật Lân
 
Ông Nguyễn Huyền Nhung tham gia quân đội từ tháng 6/1974, năm 1980 ông được tham gia lớp đào tạo y sỹ, công tác đến năm 1990, phục viên với quân hàm Trung úy. Trở về địa phương, ông Nhung công tác tại Văn phòng Đảng ủy xã, đến tháng 1/1995, công tác tại Trạm Y tế xã cho đến nay. Theo ông Nhung, năm 2009, khi Nghị định 68/NĐ - CP có hiệu lực thi hành, Trung tâm y tế đã thông tin cho những cán bộ y tế có thời gian tham gia quân đội tập hợp hồ sơ để hưởng thời gian BHXH. Bản thân ông đã lặn lội đến đơn vị cũ đang đóng tại tỉnh Yên Bái để được xác nhận có 16 năm công tác trong quân đội. Hồ sơ hoàn chỉnh, tuy nhiên, sau khi chuyển sang BHXH Nam Đàn thì bị trả về với lý do là tại Nghị định 68 và các Thông tư liên quan chỉ quy định cho một số chức danh đang công tác ở cấp xã được hưởng chế độ cộng nối thời gian quân ngũ, cán bộ y tế xã không có trong danh sách nên cơ quan BHXH không có cơ sở để thực hiện.
 
Một thời gian sau, ông Nhung làm hồ sơ hưởng trợ cấp theo Quyết định 142 nhưng rồi cũng bị trả về vì lý do đang hưởng lương từ ngân sách. Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 153 điều chỉnh một số điều của Nghị định 68, theo đó, những người như ông được cộng nối thời gian tại ngũ để hưởng chế độ BHXH. Ông Nhung và đồng nghiệp có thời gian tham gia quân đội rất phấn khởi, hy vọng sẽ được giải quyết, nhưng đến nay vẫn phải đợi chờ mòn mỏi. Hỏi cấp trên và cơ quan BHXH thì được trả lời là phải chờ... "Chờ là bao lâu! Đồng nghiệp của tôi, ông Nguyễn Văn Linh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Tân có gần chục năm quân đội; năm 2014 đủ tuổi nghỉ hưu thì thiếu mất 7 tháng mới đủ 20 năm. Ông ấy đã phải thực hiện BHXH tự nguyện mất 20 triệu đồng mới được làm chế độ chờ hưu trí. Đã vậy, với thời gian 20 năm tham gia BHXH, lương hưu bị trừ % nhiều, mức tiền được hưởng rất thấp. Với tôi, năm 2016 sẽ đủ tuổi nghỉ hưu, nếu không được cộng nối thời gian tham gia quân đội lương hưu cũng rất thấp, rất thiệt thòi. Vì vậy, tôi mới thay mặt anh em cùng cảnh ngộ làm đơn kiến nghị đến báo để làm rõ nguyên nhân tại sao Nghị định của Chính phủ lại không được thực hiện..." - ông Nhung giãi bày.
 
Đối chiếu với Nghị định 153 thì kiến nghị của ông Nguyễn Huyền Nhung hoàn toàn chính đáng. Những vướng mắc về việc cộng nối thời gian phục vụ trong quân đội đối với cán bộ y tế xã có thời gian phục vụ trong quân đội trước năm 1993 đã được Nghị định số 153/2013 /NĐ-CP ngày 8/11/2013 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2013) tháo gỡ. Cụ thể Nghị định 153 bổ sung khoản 14, Điều 50, Nghị định số 68 với nội dung: “Quân nhân, công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia bảo hiểm bắt buộc tại các cơ  quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cả năm chế độ mà không hưởng trợ cấp theo quy định …. thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội với thời gian có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính lương bảo hiểm xã hội”. 
 
Vậy tại sao những trường hợp như ông Nhung chưa được thực hiện cộng nối thời gian ở trong quân ngũ? Theo lãnh đạo và cán bộ tổ chức Trung tâm Y tế Nam Đàn cho biết, họ cũng không thể làm gì hơn, dù rằng thấy cán bộ của mình rất thiệt thòi. Các ông Trịnh Dương Tùng, Chủ tịch công đoàn; Hoàng Thế Công, Phó Giám đốc; Nguyễn Đình Trường, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ thông tin rằng ở huyện Nam Đàn có 10 cán bộ làm việc tại các trạm y tế xã từng tham gia quân đội trước năm 1993. Trong đó, 4 cán bộ là trạm trưởng, trạm phó (gồm các ông Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Tự, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Bính) đã nghỉ hưu, nhưng đều không được cộng nối thời gian phục vụ trong quân đội. Lãnh đạo trung tâm, công đoàn đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng, nhất là BHXH giải quyết để các cán bộ này không bị thiệt thòi nhưng đều được trả lời là phải chờ…”. Qua tìm hiểu, tại các huyện như Đô Lương, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nghi Lộc… cũng có những cán bộ y tế cơ sở chung hoàn cảnh như các ông Nguyễn Huyền Nhung, Nguyễn Văn Linh.
 
Theo ông Nguyễn Quang Quyết, Trưởng phòng Chế độ - Chính sách BHXH tỉnh, Nghị định 153 đã điều chỉnh để những người có thời gian tham gia quân đội xuất ngũ trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đều được cộng nối thời gian để hưởng chế độ BHXH. Tuy nhiên, sau khi Nghị định có hiệu lực phải đến 9 tháng sau mới có Thông tư của các bộ có liên quan hướng dẫn thực hiện; bên cạnh đó, BHXH tỉnh phải chờ văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, đồng thời lập các quy trình triển khai nên để thực hiện phải mất một thời gian tương đối dài. Vì vậy, đã làm các đối tượng được thụ hưởng chính sách quy định tại Nghị định 153 phải chờ đợi. 
 
Nghị định 153/2013/NĐ-CP được ban hành ngày 8/11/2013 nhưng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2013. Cho đến ngày 4/8/2014, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ LĐ-TB&XH mới có Thông tư liên tịch số 101/2014/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH để hướng dẫn thực hiện; và hiệu lực thi hành của Thông tư 101 bắt đầu kể từ ngày 30/9/2014. Tuy nhiên, có Thông tư 101 nhưng các cơ quan BHXH cấp tỉnh vẫn chưa được thực hiện mà phải chờ hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Và đến ngày 19/12/2014, BHXH Việt Nam mới có Công văn số 5039/BHXH-CSXH về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 153/2013/NĐ-CP và Thông tư 101/2014/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH. Theo dấu Công văn đến thì ngày 29/12/2014, Công văn số 5039/BHXH-CSXH của BHXH Việt Nam mới đến BHXH tỉnh.
 
"Có hướng dẫn của BHXH Việt Nam thì BHXH tỉnh mới có căn cứ để thực hiện. Hiện nay chúng tôi đã hoàn thiện văn bản hướng dẫn các cơ quan BHXH huyện, thành, thị thực hiện Nghị định 153 và Thông tư 101. Tại văn bản này, BHXH tỉnh đã chi tiết về đối tượng áp dụng; thủ tục hồ sơ; trách nhiệm của các phòng nghiệp vụ và cơ quan BHXH huyện để cấp sổ BHXH, bổ sung thời gian công tác, giải quyết chế độ BHXH cho đối tượng quân nhân, công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 15/12/2013...", ông Nguyễn Quang Quyết cho biết.
 
Với những người đã nghỉ hưu thì việc sửa đổi sẽ được thực hiện như thế nào? Và đến khi nào thì chính sách được quy định tại Nghị định 153 chính thức được thực hiện? "Đối với đối tượng đã nghỉ hưu, cũng sẽ được thông báo sửa đổi bổ sung thời gian công tác để được tăng chế độ. Khoảng đầu quý 2/2015 này, các cơ quan BHXH huyện, thành, thị sẽ tiến hành thực hiện..." - ông Nguyễn Quang Quyết khẳng định.
 
Nhật Lân